Quê tôi có con rạch bàu chảy xuyên qua cánh đồng trước ngôi làng nhỏ đổ ra sông Con, người trong xóm quen gọi là rạch Bàu Cụt. Hàng tre xanh uốn mình theo con rạch bàu quanh năm gió thổi lao xao cất lên điệu nhạc rì rào êm dịu. Ánh nắng xuyên qua lá tre rơi xuống bờ bàu những tia nắng tơ mảnh. Cạnh bờ tre là con đường nhỏ nối liền hai thôn tím ngát hoa dại trở thành thân thiết, thấm đẫm tuổi thơ tôi.
Buổi chiều trên đập Tam Giang - Ảnh: D.T.X
Mùa gió đồng hun hút thổi, nhìn qua bên kia con rạch Bàu Cụt, thấy những cò, diệc ngước cổ mà thương. Trên con đường nhỏ nối liền hai thôn, đến phiên chợ, sáng sớm người ta gánh rau, sắn, bắp nặng trĩu vừa đi vừa chạy, trưa gánh đôi ky không về, nhẹ tênh, thong dong dưới hàng tre râm mát. Buổi chiều, má nấu ấm nước pha trà đặc, ba uống hớp trà nóng ấm bụng rồi ra con rạch Bàu Cụt giở trúm lươn, trút đó. Có đêm cá... đầy đó, ăn không hết, má rộng trong chát nước. Hừng đông vừa ló dạng, má xấp xải bưng cá đi trên cầu ván bắc ngang qua con rạch Bàu Cụt, qua bên xóm Soi lớp bán, lớp cho.
Cây cầu ván có từ lâu đời. Ngoại tôi kể rằng, năm lũ lớn (ngoại bảo đó là năm ông bà lấy gỗ), có một cây to trên đầu nguồn trôi xuống tấp vào hàng tre như ai sắp đặt. Cây gỗ đó bắc ngang qua con rạch Bàu Cụt. Nước rút, bà con trong làng bưng mâm cỗ đến cúng vái đất trời, người lớn tuổi nhất đặt bàn chân lên, từ đó thành cây cầu cho bao người đi qua đi lại. Cây to bằng thùng phuy nhưng dẹp, dài 10m, bao lớp người đi qua, cây cầu không hề mục... Dưới con rạch Bàu Cụt, hoa lục bình nở tím ngát. Những đêm trăng, nam nữ trong làng ra bờ rạch tự tình….
Sau nhiều năm đi học xa quê, tôi trở về thì cây cầu gỗ bắc qua con rạch Bàu Cụt không còn nữa. Hỏi ra mới hay, lợi dụng đêm tối trời, nước sông Con dâng lên, kẻ trộm tháo dây giằng lấy cắp cây cầu ván, thả xuôi theo dòng nước...Bây giờ ai muốn sang bên kia con rạch, qua xóm Soi phải lội bì bõm dưới bùn, lên trên bờ tạt nước ruộng rửa chân. Mùa gặt, ruộng khô thì phải bệt bàn chân qua lại trên cỏ cho hết dính bùn. Thật buồn, con rạch Bàu Cụt không còn nước chảy quanh năm suốt tháng như ngày xưa nữa, bởi rừng đầu nguồn bị phá làm nương rẫy. Qua một trận lụt là nước dưới lòng bàu khô cạn, người trong xóm chặt tre bứng cả gốc, cày cuốc be bờ dưới lòng bàu tạo thành những mảnh ruộng “đầu thừa, đuôi thẹo” trồng rau, cỏ...
Bây giờ gió đồng hun hút thổi, tôi cố đánh thức cái cảm giác khi ngồi trên cầu gỗ nhìn cánh diều bay trên bầu trời xanh in bóng xuống bàu. Nhớ tổ chim lót bằng rơm bùi nhùi trên đọt tre đong đưa theo nhịp gió mà trách bàn tay con người tàn phá.
LÊ TRÂM