Với việc đồng áng, ngày trước, đàn ông con trai sức vóc nhận công việc dắt bò ra đồng, cày sâu cuốc bẫm, vãi phân, kéo bừa… còn phụ nữ chỉ lo công việc dặm lúa, nhổ cỏ, gặt hái… Trên cánh đồng lúa mởn xanh đến thì con gái, người ta thường gắt gặp cảnh những vành nón trắng úp lưng cong lô nhô như những nét chấm phá đầy ấn tượng về một miền quê yên bình. Nhưng giờ đây, khung cảnh lãng mạn đó, hiếm dần khi mà đàn ông tràn ra đồng dặm lúa!
Làm nên sự thay đổi đó là một công cụ lao động nhà nông cỏn con. Đó là cái chỉa ba có hình thù giống một phần cái đinh ba của anh chàng họ Trư háu gái thuở nọ (đinh ba của Trư Bát Giới có chín cái răng, còn cái chỉa ba đúng là ba răng như cái cuốc chỉa thu nhỏ, cán dài).
Ông anh tôi vốn “dài lưng tốn vải”, chưa bao giờ tôi thấy anh chịu cúi xuống ruộng nhổ cây lúa cấy dặm thay chị dâu tôi. Vậy mà bây giờ cứ đến thời kỳ dặm lúa là lặng lẽ cầm cái chỉa ba giá năm ngàn đồng ra đồng dặm lúa không biết mỏi. Anh tôi cứ đứng dõng lưng lên, hai tay cầm cái chỉa ba móc lúa chỗ dày dặm xuống chỗ thưa. Ba người phụ nữ cắm cúi dặm lúa một lúc chưa bằng một đàn ông dùng chỉa ba nhàn nhã. Lúa cấy dặm bằng chỉa ba được móc lên nguyên gốc rễ đặt xuống đất phát triển nhanh gấp nhiều lần so với cấy dặm bằng tay, vậy mới đã!
Nhớ lại trước năm 1975, người nông dân quê tôi còn thực hiện đúng nghĩa: Nhà nông cày sâu cuốc bẫm, tay lấm chân bùn, một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Khi gieo cấy xong là người người, nhà nhà cắm chốt trên đồng ruộng nhổ cỏ hết ngày này sang ngày khác. Đến khi thu hoạch phải gánh lúa về tận nhà, dùng cào cỏ đập lúa đêm đêm. Giờ đây, gieo sạ xong có thuốc diệt cỏ hữu hiệu, cắt lúa xong bỏ tại chân ruộng có máy đến tuốt sạch trơn, cho vào bao đưa lên cộ bò hoặc xe công nông chở tuốt về nhà. Nông dân cứ thỏng tha, thỏng thảnh lên xe đạp, xe máy phóng về nhà ngon ơ. Một người canh tác vài mẫu ruộng là chuyện bình thường.
Tôi có người anh họ làm ruộng ngẫu hứng có thể đưa vào kỷ lục quốc gia. Mỗi nhân khẩu quê tôi chỉ được nhận khoán 360 mét vuông ruộng, nhưng anh họ tôi có những mùa vụ canh tác tới hơn 10.000 mét vuông. Đó là ruộng của những người bà con đã tìm có việc làm ổn định, thu nhập kinh tế cao “bán cái” tạm thời cho anh tôi sản xuất theo hợp đồng miệng rẻ mạt. Tức là anh tôi thi thoảng trở thành phú nông đột xuất. Mùa thu hoạch, nhà anh tôi thu lúa về đầy ắp như lúa nhập kho hợp tác xã, phải đi phơi lúa nhờ ở các sân nhà hàng xóm.
Đấy là cái thời quê tôi chưa có chỉa ba để đàn ông ra đồng dặm lúa cho chị em ở nhà có thời gian chăm chút sắc đẹp, làm duyên làm dáng chút chút với chồng cho thi vị nhà nông, cho mấy ông chồng bớt bõ bèn đi tìm chỗ này, ngóng sang chỗ nọ rồi vợ trách cứ chồng thật ý nhị sâu xa: “Sao anh cứ bỏ nhà bỏ cửa mà đi?”. Từ cái chỉa ba, tôi có “thi hứng dạt dào” bèn làm thơ vịt như sau:
May sao có cái chỉa ba
Giữ được ông nhà giảm bớt đi chơi
Cấy dặm cần mẫn anh ơi!
Em lo chăm chút cho đời mãi xuân.
TRẦN QUỐC CƯỠNG