Một cảm giác thật khó gọi thành tên, hình như xôn xao, hình như hạnh phúc, hình như thinh lặng trong tôi khi nhận được thiệp mời họp mặt 20 năm thành lập lớp võ Taekwondo ở quê nhà. Mới đây mà đã 20 năm, cái chớp mắt bùi ngùi mà xanh thẳm bao hoài niệm. Ngày ấy thằng nhóc chín tuổi là tôi đến lớp học võ chỉ vì ham vui, vì buổi tối không biết đi đâu và làm gì, vì bố tôi muốn con trai cần cứng cáp một chút. Ngày ấy thị xã nhỏ chỉ loanh quanh mấy con phố hắt hiu vài ánh điện. Ngày ấy chúng tôi quần nhau trên sân tập mà không ai dám nghĩ sau này sẽ có một Trần Hiếu Ngân đoạt Huy chương Bạc Olympic. Ngày ấy chúng tôi trẻ con và hồn nhiên lắm, mỗi khi song đấu bị trúng đòn đau có đứa cũng mếu máo khóc, lập tức huấn luyện viên nhắc nhở: “Đã là võ sĩ thì đừng khóc!”. Ngày ấy tinh thần thượng võ với chúng tôi là đừng khóc.
Mầm non tương lai Ảnh: Hòa Hiệp
Đừng khóc và đừng khóc! Khẩu lệnh đó theo tôi cả thời niên thiếu. Đừng khóc cả khi tôi biết so sánh giàu nghèo và sang hèn trong xã hội. Đừng khóc mỗi buổi sáng mẹ tôi chiên cho một bát cơm nguội để lót dạ tới trường chứ không được phát tiền điểm tâm như bạn bè cùng trang lứa. Còn nhớ, những ngày tôi được gọi vào đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh mà hầu hết đều là con cháu quan chức, lúc tan học đứa nào cũng có bố mẹ đưa rước bằng xe máy, riêng tôi tha thẩn đi bộ về. Có lần mẹ tôi tan ca sớm, cọc cạch đạp xe đến đón. Mẹ tôi mẫn cảm và thương con nên nhìn thấy tất cả, hiểu tất cả. Mẹ hỏi: “Có buồn không con?”. Tôi bông phèng: “Con giống như con vịt bị lạc vào giữa những con công thôi!”. Nhìn đôi mắt ươn ướt của mẹ, tôi nhủ thầm: “Cố lên, đừng khóc!”. Đừng khóc, sao vẫn nghe sóng mũi cay xè suốt quãng đường chiều liêu xiêu nắng xế!
Bắt đầu quan tâm đến văn chương, tôi đặc biệt say mê những trang sách võ hiệp. Tôi đọc ngấu nghiến mọi cuốn truyện “chưởng” chứ không chỉ yêu thích riêng ông Kim Dung. Trong những giấc mơ bé bỏng và rụt rè, không ít lần tôi thấy mình hóa thân thành những nhân vật anh hùng trọng nghĩa khinh tài như Lệnh Hồ Xung, như Trương Vô Kỵ, như Sở Lưu Hương, như Kiều Phong, như Đoàn Dự... Thời gian cứ trôi qua, những va vấp đầu đời, những lầm lỡ vô cớ, những ngộ nhận bẽ bàng giúp tôi hiểu những trang sách võ hiệp khác đi. Phía sau những chiêu thức bí hiểm, phía sau những quyết đấu kinh hoàng, tiểu thuyết võ hiệp gợi nhớ ý thức dấn thân và giá trị quân tử mà càng ngày càng trở nên hiếm hoi giữa cuộc sống hiện đại bận bịu không ít danh lợi. Tinh thần thượng võ từ lớp võ ngày xưa và từ trang sách võ hiệp khiến tôi đôi phút cúi đầu xấu hổ vì thái độ lạnh lùng chấp nhận của mình trước cái đẹp đang bị che khuất, trước cái thiện đang bị dập vùi. Đừng khóc ư? Ai có thể bênh vực ai bằng nước mắt?
20 năm lớp võ ngày ấy còn được bao nhiêu người? Ngoài một Trần Hiếu Ngân rạng danh và một Nguyễn Gia Huấn được thi đấu cấp quốc tế, nhiều người bỏ nghiệp võ quay lại lủi thủi với mưu sinh nhọc nhằn. Lớp võ sinh taekwondo đầu tiên của Phú Yên, bây giờ có người làm kỹ sư, có người làm công an, có người làm bác sĩ mà cũng có người cặm cụi nghề sửa chìa khóa ở góc chợ Tuy Hòa. Còn tôi cất bước rời xa thị xã ấu thơ vào Sài Gòn loay hoay chữ nghĩa. Hành trang quý giá nhất tôi mang theo là cái dáng lúc nào cũng tất tả của mẹ tôi và khẩu lệnh đừng khóc của sân tập thuở nào. Có những đòn hiềm khích trong vuốt ve mơn trớn, có những nỗi đắng đót trong ngọt ngào giả tạo, mà bất chợt quay quắt yếu mềm tôi cứ thảng thốt hỏi tinh thần thượng võ của tôi đâu?
LÊ THIẾU NHƠN