Tôi bồng đứa cháu ngoại ra bờ sông để ngắm cảnh thuyền về. Chợt nghĩ cái sâu lắng của một dòng sông không phải do cạn hay đầy mà là sự lắng đọng dòng ký ức của những người sinh ra và lớn lên bên cạnh dòng sông ấy.
Buồm trôi trên sông Ba
Tôi được sinh ra và lớn lên ở cuối dòng sông Ba vào một đêm mưa bão sáu mươi năm về trước. Những tiếng sấm long trời lở đất hòa lẫn với tiếng đại bác của tàu Pháp từ cửa biển Đà Diễn (nơi sông Ba gặp biển) bắn vào. Mẹ tôi gánh tôi và đứa em trai tôi ở hai đầu gánh, còn cha lùa đàn bò dắt díu chạy lên Thượng Phú (xã Hòa Kiến bây giờ) để tránh bom đạn.
Đến năm 1954, đình chiến, tôi lại được trở về bên cạnh dòng sông, đêm đêm nghe tiếng sóng vỗ rạt rào hòa với tiếng ru của mẹ. Cha tôi lam lũ với những đám ruộng sâu, cạnh cầu Vạn Kiếp, nơi con sông Bàu Hạ gặp dòng sông Ba, mà trong bài thơ “Sợi tóc” tôi đã viết:
“Buổi sáng lặng im trời xanh thắt tim
Chỉ có bóng cha và bóng trâu gầy guộc
Ký ức xa dội về lồng ngực
Đến bây giờ vẫn nghe thót đau”.
Tôi lớn lên bên cạnh dòng sông với những trưa hè lặn ngụp trong làn nước xanh trong mát dịu. Thuở ấy lòng sông còn hẹp và có những dải soi. Người dân hai bờ sông trồng đủ loại: mướp, dưa, bầu, bí, bắp, mía.
Kỷ niệm của tuổi ấu thơ tôi là những buổi trốn học đi hái trộm dưa, mía; mỗi lần như thế phải lội qua cái lạch rộng. Có lần bị đuối, chúng tôi phải la lên cho người lớn lội ra vớt.
Rồi chiến tranh ập đến. Lũ trẻ chúng tôi lớn lên, cũng bị cuốn vào. Đứa vào bưng, đứa tham gia phong trào phản chiến, đứa bị bắt lính. Đứa còn, đứa mất, đứa trở về với thương tật.
Hai bên bờ sông giờ đã đổi khác. Bờ bên Bắc bị xói lở chính quyền đã cho xây dựng kè, nhưng vẫn chưa hoàn thành. Ở cuối dòng Bàu Hạ, nơi giáp sông Ba cạnh cầu Vạn Kiếp, một khu du lịch có tên là Gió Chiều cũng đang xây dựng dở dang. Chỉ có dòng sông là vẫn vậy, êm đềm trôi ra biển và thi thoảng, gọi về những dòng nhớ cho người tóc đã chớm bạc.
LÊ ANH