Cây si Đông Tác là một địa điểm hẹn hò để những “kẻ yêu đời”, dắt nhau đến đây ngồi nói chuyện ngày mai. Dưới gốc si là nơi hội họp của dân làng, nơi tổ chức hội bài chòi từ mùng 1 đến mùng 7 Tết âm lịch. Những cụ già tám, chín mươi tuổi trong làng cũng không biết cây si có từ khi nào. Có thể cây đã mấy trăm tuổi, từ thời cụ Lương đem dân vào đây khẩn hoang lập nghiệp. Bọn trẻ thì không cần biết điều đó. Chúng thường hay nghịch ngợm, nối hai đầu của hai chùm rễ si thành chiếc võng và nằm vắt vẻo trên đó. Tán cây rộng, gồm vô khối cành lá xanh mượt. Đẹp mắt nhất là những chùm rễ si um tùm buông dài từ trên cao xuống, làm bọn trẻ liên tưởng đến những chùm râu của ông tiên.
Đi làm – Ảnh: Lê Châu Đạo
Sáng mùng 1 Tết, nghe tiếng trống giục là biết hội bài chòi của làng đã mở. Ai cũng muốn xuất hành đến cây si, tham gia hội bài chòi đầu năm lấy hên. Hội bài chòi ở cây si Đông Tác ngày đó không cất chòi, người chơi ngồi trên những băng đá đặt rải rác dưới bóng rợp cây si, hay có thể ngồi vắt vẻo trên một cành si nào đó. Nếu có quân trúng thì hô lên “có đây”, người chạy bài sẽ đem đến tận nơi. Giữa hội bài chòi là những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” do người trong làng biểu diễn. Tùng, tùng, tùng, tùng. Tiếng trống cứ rộn ràng từ mùng 1 đến mùng 7 tết.
Cây si già đã lụi tàn dần theo năm tháng, vì gió mưa bão bùng, vì con cháu mải lo toan chuyện cơm áo gạo tiền không chăm sóc bảo vệ nó. Giờ chỉ còn sót lại một gốc si nhỏ, lẻ loi nằm trong khuôn viên Trường tiểu học số 3 Phú Lâm, mọi người hay gọi là Trường cây si. Tiếng trống hội bài chòi làng tôi cũng mất hút rồi. Người già nhớ tiếng trống, nhớ bóng mát của “lão si” mà không có cách nào gìn giữ nó…
LÂM HẢI HÀ