Hình ảnh “nước mắt chảy xuôi” là một đúc kết về tình thương một chiều của cha mẹ dành cho con cái. Nói như thế không có nghĩa là trong đời sống xã hội thiếu vắng tình thương của con cái đối với cha mẹ. Không hiếm những tấm lòng hiếu thảo của bao người con, người cháu làm ta xúc động.
Song, tình thương của cha mẹ dành cho con cái bao giờ cũng lớn hơn. Và dường như người xưa cũng đã thấy rõ điều này nên có ca dao nhắc nhở: “Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Điều dạy con đầu tiên của người xưa là bổn phận làm con phải giữ tròn chữ hiếu. Đó là đạo lý số một để làm người. Mẹ mang nặng đẻ đau, mớm từng miếng cháo cho con, chỗ ướt mẹ chịu, chỗ khô ráo để con nằm. Con ngủ, cha mẹ không dám bước mạnh chân. Con lớn, niềm vui của cha mẹ cũng lớn theo từng ngày, từng tháng. Dựng vợ gả chồng cho con rồi, nhưng cha mẹ nào yên! Nhìn thấy con hạnh phúc là cha mẹ mừng. Lỡ chẳng may “cơm không lành canh không ngọt” thì cha mẹ phải đứng mũi chịu sào, chịu điều này tiếng nọ. Hết lo cho con rồi còn phải lo cho cháu. Suốt một đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay cha mẹ vẫn còn đau đáu nỗi lo.
Tình cha mẹ như biển hồ lai láng, nhưng khi mỏi gối chồn chân, cha mẹ không đòi hỏi sự trả ơn của con cái. Nhiều người chấp nhận cuộc sống đạm bạc miễn sao con cháu mình sung sướng là mãn nguyện lắm rồi!
Trải qua cuộc đời, cha mẹ nào cũng dành tất cả cho con cái. Nước mắt chảy xuôi. Có lần, tôi nghe một ông cụ cải lại câu tục ngữ bằng nụ cười thấm thía nhân tình thế thái: “Trẻ cậy cha / Già cậy cây”.
Có làm cha làm mẹ, ta mới biết thương cha, thương mẹ, mới hiểu sâu sắc đạo lý đầu tiên của đạo làm người.
TRẦN QUỐC CƯỠNG