Mùa thu mới khẽ khàng đâu đây, với nắng vàng nhẹ, với lá vàng rơi nhẹ, và gió thu se lạnh buổi sương mai. Vậy nhưng người Hà Nội, dù ở phương bắc hay phương nam, đã xốn xang nhớ. Mùa thu ở Hà Nội, không chỉ được cảm nhận bằng kí ức, bằng hoài niệm xa vắng, mà còn được ngóng đợi bằng những thức quà thanh. Để tự lúc nào, nói tới mùa thu, người ta lại bị ám ảnh bằng một cái tên riêng: Thu Hà Nội.
Mùa thu Hà Nội
Sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội, tuổi thơ tôi được đo bằng chiều dài của những mùa thu đi qua. Ký ức về mùa thu Hà Nội với gió heo may, hương cốm, mùi hoa sữa và các con phố mỏng mảnh thơm lá vàng rơi... vì thế mà cứ đầy dần lên qua năm tháng. Hà Nội vào thu sao mà đẹp, mà quyến rũ quá và nỗi nhớ cái cảnh sắc mùa thu, nếp sống của con người Hà Nội bình dị ấy cứ đeo đẳng, cứ đau đáu trong tiềm thức của một người con xa xứ.
Đã ba mùa thu có lẻ, tôi xa Hà Nội để đến với thành phố phương
Nhiều đêm, tôi một mình lặng lẽ dạo qua các con phố sầm uất của Sài Gòn ồn ào, tráng lệ để ngắm và ngửi hoa sữa cho bớt… thèm mùi hương hoa sữa của Hà Nội. Có rất nhiều thành phố và vùng, miền ở miền Trung, miền Nam có hoa sữa, song chỉ hoa sữa Hà Nội tôi mới cảm giác mùi thơm dịu dàng.
Cõ lẽ, chẳng riêng tôi mà rất nhiều người con Hà Nội đã sinh ra và lớn lên, hoặc chí ít có những năm tháng gắn bó với Hà Nội đều nao lòng nhớ về Hà Nội, nhớ hoa sữa đường Nguyễn Du, phố Quang Trung mỗi khi thu về.
Nhắc tới mùa thu Hà Nội, tôi cũng nhớ quá món cốm làng Vòng gói trong lá sen Tây Hồ mà mỗi sớm mai các bà, các chị quẩy quang gánh vào phố bán. Chẳng phải đợi đến Trung thu mới được ăn cốm, mà thường xuyên bọn trẻ chúng tôi vẫn được bố mẹ mua cho. Ôi, cốm non ăn với chuối tiêu chín vàng trứng cuốc sao mà ngon, mà thi vị thế. Mùi thơm, vị béo ngầy ngậy của cốm quyện với vị ngọt sắc của chuối thật khó quên. Mùa thu nào mẹ tôi cũng gửi vào phương
Mùa thu Hà Nội không chỉ có hoa sữa, có cốm làng Vòng mà chút hanh hao se se lạnh của gió heo may cũng làm tôi nhớ đến se lòng. Nhớ làm sao những buổi sớm tinh sương khi trời còn lành lạnh chị đã đánh thức dậy để ra Hồ Gươm tập thể dục và ngắm thảm hoa lộc vừng rực đỏ rơi trên mặt nước hồ thu bồng bềnh. Quên làm sao được những đêm muộn dạo phố cùng bè bạn, chọn hàng ngô nếp nướng ngồi quây quần bên nhau, vừa ăn vừa ngắm phố phường Hà Nội vào thu.
Có thật nhiều cách để thưởng thức cốm Hà Nội: cốm luyện với thịt nạc, giã nhuyễn, rán lên làm chả ăn với cơm gạo tám thơm; cốm xào với đường trắng; cốm thả vào bột đao pha đường, đun sôi thành chè cốm ngọt dịu… và cốm sấy khô để làm bánh thơm ngọt, thức dậy nét dịu dàng thơm thảo của đồng quê.
Con phố nhỏ Hàng Than có đến mấy chục cửa hàng chuyên làm và bán bánh cốm. Nổi tiếng nhất là cửa hàng Nguyên Ninh, nơi chiếc bánh chở nặng sức sống của dòng họ truyền nhau bếp lửa đã năm đời. Khách của cửa hàng bánh cốm Nguyên Ninh cũng chủ yếu là khách quen, những người Hà Nội sành với hương vị tinh tế và cầu kì.
Bánh cốm vuông xanh ngát lá chuối, buộc lạt đỏ như một sợi tơ hồng, mang lời ban tặng hạnh phúc lứa đôi, không thể thiếu trong mâm dẫn lễ của nhà trai sang nhà gái, cả khi tình yêu không thành, cũng để lại bao nỗi nhớ thương:
Không ngờ em đã lấy chồng
Để cốm anh mốc, để hồng long tai
Cốm làm bánh là cốm từ lúa nếp non, được ủ men, xào đường, thêm nhân đậu xanh giã nhuyễn vương mấy sợi dừa. Nhân bánh phải là thứ đỗ ngon của vùng Thái Bình, Hà Bắc (cũ). Đỗ xay, ngâm, đãi vỏ rồi đun vừa chín tới thật thơm và tơi, cho vào cối giã mịn, ngào với đường. Khi đỗ thật khô và dẻo, người thợ làm bánh cho thêm mứt sen trần, hương hoa bưởi… thêm vị ngọt mát, thơm dịu dàng.
Miếng ngon Hà Nội sống mãi bởi sự tinh tế, cầu kỳ. Và thu Hà Nội, vì thế cũng sống mãi trong lòng người Hà Nội, “dù có đi bốn phương trời”.
GIA LONG – PHƯƠNG LINH