Mấy tháng trước, nhân chuyến đi Hội An, ông bạn văn có nhã ý tặng tôi một món quà từ phố cổ. Trước khi đi ông hỏi tôi thích món gì. Tôi trả lời không chủ định: “Chuông gió”. Ông bạn hơi ngớ người rồi nói: “Chưa già mà muốn nghe chuông gió”. Tôi nửa thiệt nửa giỡn: “Cần phải biết già, trước khi tuổi già gặm nhấm”. Rồi cả hai cùng cười, mỗi người cười theo một ý.
Sau đó, trước hiên nhà tôi có cái chuông gió toòng teng. Trong mùa gió nam, nó hồn nhiên leng keng, píng poong thánh thót suốt ngày không biết mỏi. Lúc đầu cả nhà đều cảm thấy thích thú, vui tai với thanh âm mà bốn ống trúc kim loại thả ra. Nhưng nghe riết rồi, ngoài tôi ra chẳng còn ai thèm chú ý đến sự có mặt của nó nữa. Có thể thanh âm của nó đã nhàm chán với mọi người, cũng có thể những âm thanh của cuộc sống phố phường đã làm chìm lấp đi tiếng thánh thót du dương của chuông gió. Tôi cảm thấy nó trở nên lẻ loi đến tội nghiệp giữa mớ âm thanh nhiều cung bậc của phố phường: Tiếng còi xe ồn ã, tiếng tàu rầm rập trên đường ray, tiếng chiếc loa xập xình còn đục hơn sông Ba mùa lũ của anh chàng bán kem dạo trộn vào tiếng rao của chị bán hàng rong... Cả mớ âm thanh hỗn độn ấy chừng như nuốt chửng những thanh âm của cái chuông gió nhỏ nhoi trước hiên nhà tôi, và tưởng chừng như nó không thể tồn tại. Nhưng không! Nó vẫn hồn nhiên, bình thản thả trong gió những nhạc điệu du dương thánh thót.
Những đêm mất ngủ, tôi nằm nghe tiếng chuông lẫn trong tiếng gió nam cồ rào rạt thổi, tiếng tàu đêm âm u hun hút. Trong tĩnh lặng mới nhận ra được sự khác biệt rất rõ, rõ đến mồn một của từng loại âm sắc. Tiếng chuông gió thanh thản du dương. Nó gợi lên những hoài niệm mơ hồ, nó mượt mà như những cung tơ cuốn lấy người nghe bằng sự êm ái phẳng lặng trong ghềnh thác suy tưởng. Tiếng tàu đêm chất chứa sự bịn rịn và hụt hẫng chia ly trên con đường thiên lý. Tiếng gió nam cồ cuồn cuộn, ngang tàng xô lấp và bạo liệt. Trong tĩnh lặng của đêm sâu, cứ lặng lẽ nghe, lặng lẽ suy tưởng mới thấy được tiếng chuông gió thật lạ lùng. Vừa thoát tục mà cũng rất hồng trần, vừa bình thản vừa chia sẻ, như reo vui song lại chất chứa hoài niệm. Cũng là thanh âm leng keng píng poong ấy, nhưng nếu chuông gió vang lên từ cánh cong của những mái chùa thì có cảm giác trầm mặc u tịch; vang lên từ nét uốn lượn của những ngôi biệt thự thì tiếng nghe quyền quý cao sang. Còn đêm nay nó vang lên trước hiên nhà cấp bốn nên tiếng nghe thoáng nỗi ti hàn.
Miên man suy tưởng trong bóng đêm, cuối cùng tôi nhận ra rằng: Bất kể ở đâu, bất kể lúc nào cũng chỉ là tiếng chuông gió. Sở dĩ người nghe cảm thấy trầm mặc u tịch, quyền quý cao sang hay thoáng nỗi ti hàn là do sự tác động từ chỗ treo nó mà ra. Phải chăng cảm nhận đó chính là cảm nhận từ thân phận của mỗi con người?
NGUYỄN LẠC ĐẠO