Gần tới Trung thu, vợ tôi phân vân không biết mua quà gì gửi cho cháu ngoại ở xa. Tôi lắng lòng ngẫm nghĩ: Ừ, biết gửi gì nhỉ? Bánh kẹo thì không thiếu, đồ chơi thì tràn ngập… Giữa sự phân vân không biết chọn quà gì đó, tôi bỗng chạnh nhớ thuở thiếu thời của mình...
Đèn lồng Trung thu - Ảnh: KIM SA
Ngày đó, khi cha tôi còn sống, những dịp Trung thu, ông thường tự vót nan tre, mua giấy bóng màu làm đèn ông sao năm cánh cho anh em tôi cùng chơi. Có một anh hàng xóm học hơn tôi ba lớp cũng sang nhờ cha tôi bày cho cách làm đèn bánh ú (đèn hình vuông, dễ làm hơn đèn ngôi sao). Tôi bắt chước anh, cũng lấy nan, lấy giấy cắt cắt, buộc buộc... học làm đèn bánh ú. Chúng tôi say mê tự làm đèn lồng với một niềm vui khôn tả. Buổi tối, sau khi anh em tôi cùng bạn bè trong xóm đi rước trăng, ra nhà hợp tác liên hoan văn nghệ và phá cỗ Trung thu về, cha lại treo chiếc đèn ông sao lên trước cửa, hai bên là hai cái đèn bánh ú của tôi và chị gái. Chúng tôi ngắm nghía thỏa thích lắm. Ánh trăng rằm sáng trưng, chan hòa cả vuông sân như mời mọc không cho chúng tôi vào ngủ.
Rồi chiến tranh lan tới. Chúng tôi không còn được rước đèn mỗi độ Trung thu nữa.
Lớn lên, xa nhà đi làm, xa tuổi thơ, xa miền ký ức với những đêm Trung thu hiếm hoi của miền giới tuyến.
Khi tôi có con, dẫu đất nước không còn chiến tranh nhưng còn nghèo đói. Lương công chức ba cọc ba đồng chỉ đủ cơm cà mắm muối, sắm đồ chơi cho con là “ghê gớm” lắm.Tôi lại tự tay làm đèn lồng cho con. Cũng những thanh nan tre, giấy bóng kiếng, chỉ khâu, hồ dán nấu bằng bột sắn pha thêm chút thuốc ký ninh cho gián khỏi nhấm (mẹo nhỏ cha tôi thường làm hồi trước). Mắt con gái tôi sáng lên khi nhìn chiếc lồng đèn được buộc trên đầu gậy giơ cao. Nó tranh lấy rồi chạy khắp nhà la toáng lên khoái chí, chẳng khác chi tôi hồi nhỏ. Có năm, tôi lại lấy giấy bìa cứng cắt dán một chiếc đèn lồng sáu mặt mô phỏng đèn kéo quân. Sáu mặt được trổ rỗng rồi lấy giấy bóng mờ bịt lại, dán thêm hình những con ngựa đang phi, con voi huơ vòi, anh lính ôm súng tiến lên.... Dưới chân đèn bắc một thanh tre, gắn lên đó một cái đèn cầy nhỏ. Khi đèn thắp sáng cũng thấy các hình nhân vui mắt. Mỗi năm làm một thứ đồ chơi nho nhỏ như vậy cho các con vui tết Trung thu, tôi vừa làm vừa thả lòng mình về những kỷ niệm tuổi thơ bên dòng sông quê, về hình bóng người cha thân yêu đã hy sinh khi tôi mới mười hai tuổi mà những nét chữ, đường kéo của tôi hôm nay luôn có sự dạy dỗ, bày vẽ của người.
Bây giờ, mỗi độ Trung thu, tôi cũng muốn làm một thứ đồ chơi nho nhỏ cho cháu ngoại. Nhưng thị trường đầy rẫy đồ chơi bằng nhựa rất tinh xảo, rất hiện đại với đèn điện, dây cót, rơ - moóc tự động... cuốn hút sự chú ý của trẻ, liệu cháu mình có còn thích đèn lồng bằng giấy bóng kiếng dễ rách, dễ hỏng? Tôi xốn xang nhớ về một thời đèn lồng khốn khó của mình...
HỒ HẢI HIỀN