Ông nhà thơ già, bạn vong niên của tôi, vốn tự hào về sức khỏe trời cho, đột nhiên đau yếu. Vào viện, bác sĩ khẳng định: Có khối u ở tuyến tiền liệt, phải cắt bỏ, chi phí 7 triệu đồng. Nhà thơ già vùng dậy, bỏ về, kiên quyết không phẫu thuật vì không có tiền. Con gái ông gọi điện nói với tôi, giọng nghẹn đắng: “Chú có cách gì giúp cụ không?”. Tôi nghe nhói lên một nỗi đau, một nhà thơ đã có bài thơ viết về mùa hè nổi tiếng gần 40 năm, mà ở tuổi 73 vẫn chưa bao giờ dành dụm được chút ít tài sản nào. Tôi nghĩ, người cầm bút thì thất bại duy nhất là không có tác phẩm, ngoài ra không có gì đáng gọi là thất bại cả. Tuy nhiên, hoàn cảnh như ông bạn già sao mà xót xa quá, tôi dám chắc hàng trăm, hàng ngàn người yêu mến bài thơ nổi tiếng của ông cũng cảm giác ái ngại về điều này. Dù không phải dư dả gì, tôi vẫn phải mạnh dạn đề nghị với đồng nghiệp cao niên: “Ông hãy quay lại bệnh viện Xanh Pôn và làm theo lời khuyên của bác sĩ. Mọi tốn kém tôi sẽ lo!”.
Hoa và gai - Ảnh: KIM SA
Chạy suốt cả buổi chiều mới gom đủ tiền cho ông bạn già, vừa rong xe trên đường vừa thấy trống vắng. Bất giác nhớ ông Nguyễn, bèn tạt vào thăm. Ông Nguyễn là một tác giả có truyện ngắn trong sách giáo khoa, lúc còn học phổ thông tôi chưa bao giờ dám tưởng tượng một ngày có thể trò chuyện với ông. Vậy mà may mắn làm sao, tôi theo nghề chưa bao lâu đã được ngồi trước mặt ông như một hậu sinh thiện chí. Nhà ông Nguyễn có một cây chuối, dạo trước ông hay tiếp khách bên cái bàn nhỏ đặt cạnh những tán lá xanh ve vẫy thoảng gió bất chợt. Thế nhưng, con cháu ông thấy để không cái mặt tiền cũng phí nên cho thuê. Bây giờ có khách, ông Nguyễn ra lan can nói vọng xuống: “Cậu chịu khó leo lên nhé, mình đi đứng vất vả lắm!”. Chậm rãi pha trà, chậm rãi nghe chuyện nhà thơ già ở Hà Nội, ông Nguyễn im lặng rất lâu mới thổ lộ: “Nghề cầm bút khó thật. Ông Đình và ông Bạch phải thừa nhận sáng giá nhất thế hệ mình, điều kiện làm việc rất tốt, đi đâu cũng xe đưa lọng đón. Nhưng khi hai ông ấy qua đời, mình đọc lại toàn bộ tác phẩm, cứ tiếc rẻ thế nào ấy!”. Tôi nói: “Có phải đó là nghịch lý tài năng không?”. Ông Nguyễn khe khẽ gật đầu: “Hồi tuổi như cậu, mình cũng nghĩ sẽ là nhà này nhà nọ, đến cuối đời mới thấy mình chỉ như một viên ngói vỡ! Có khi người chọn nghề mà cũng có khi nghề chọn người!”.
Hồi nhỏ, tôi từng mơ ước theo nghề bác sĩ vì thấy ba tôi giúp đỡ được nhiều người. Tôi nhớ có một đứa trẻ bằng tuổi tôi bị sốt ác tính đến mức liệt nửa người, ba tôi kiên trì dùng kết hợp đông tây y điều trị hơn một năm ròng rã. Một buổi chiều nọ, ba tôi nói với bệnh nhân bé bỏng: “Cháu thử bước đi xem!”. Đứa trẻ ngần ngừ một lúc, rồi bất ngờ chập chững đi được ba bước. Tất nhiên, chỉ ba bước thôi, nhưng đã thành một tín hiệu phục hồi cực kỳ lạc quan. Mẹ đứa trẻ ấy òa lên khóc, đứa trẻ ngớ ra rồi cũng khóc òa. Ba tôi quay mặt đi để giấu giọt nước mắt hạnh phúc của một người làm nghề chứng kiến thành quả lao động của mình. Đó là lần thứ hai trong đời, tôi thấy ba tôi khóc, sau lần bà nội tôi chia lìa dương gian!
Khi tôi quyết định theo nghề cầm bút, ba tôi động viên: “Nghề y chỉ giúp người ta bớt nỗi đau thể xác, nghề chữ nghĩa có thể giúp người ta xoa dịu nỗi đau tinh thần!”. Tôi mang niềm tin yêu đó hăm hở đối mặt với từng trang bản thảo vui buồn. Tôi chưa bao giờ có ý định thoái lui, nhưng không thể không chột dạ thấy con đường dằng dặc phía trước...
LÊ THIẾU NHƠN