Cuối tuần, muốn tìm một chút không khí trong lành, tôi phóng xe ra ngoại ô. Đã lâu lắm mới vượt khỏi Gò Vấp theo hướng Ngã Tư Ga. Dù cái huyên náo của Sài Gòn nằm lại sau lưng, nhưng cảnh vật cũng đã khác xưa rất nhiều. Ngày trước, xã này thuộc huyện Hóc Môn, bây giờ trở thành một phường của quận 12. Thoáng thấy tấm bảng ghi chữ Cầu Ba Thôn, tôi không kiềm được lòng mình, phải à lên một tiếng.
Hơn mười năm trước, tôi có yêu một cô gái đất Ba Thôn. Mỗi tuần, tôi dùng chiếc xe máy cà tàng chở nàng từ ký túc xá về thăm nhà. Dạo ấy, Ba Thôn còn hẻo lánh, nắng thì bụi mù, mưa thì bùn lầy, vậy mà hai đứa cứ rộn ràng, cứ say mê. Chúng tôi thường dừng chân ở cái quán nhỏ khép nép bên cầu Ba Thôn, cái quán có một cô gái trẻ với một người mẹ già. Rồi đời không ai lường được, mối tình lãng mạn cũng chấm dứt vội vàng mà không thể rành mạch. Tôi nhớ, lúc tôi rời khỏi nơi ôm ấp nhiều đắm đuối và ngu ngơ yêu đương, cô gái trẻ vẫn ngồi chải tóc cho bà mẹ già phía sau tủ thuốc. Dáng vẻ lặng lẽ của hai người cứ mờ nhòe dần theo năm tháng tôi đi.
Trăng - Tranh HUY BÌNH
Trời bất ngờ đổ mưa, những cơn mưa phương
…Nhà chị vốn làm nghề buôn bán trên sông. Năm 10 tuổi, do sơ sót khi ngụp lặn dưới nước, chị bị cánh quạt của thuyền máy chém đứt nửa bàn chân. Mẹ chị ẵm chị vào bệnh viện rồi quay lại thuyền. Lúc đó đã cuối tháng 4/1975. Chị ra viện, đi tìm mà không gặp người thân nào. Người này cho biết cả nhà chị di tản ra nước ngoài rồi, kẻ kia lại khẳng định họ vẫn ở đây nhưng phiêu dạt ở đâu đó. Tình cờ xin được một cái thuyền con con ở Bến Bình Đông, chị bắt đầu chèo khắp kênh rạch Sài Gòn để tìm gia đình. Chị nhớ cha chị thường để cái đèn dầu trước mũi thuyền, nên mỗi khi chập choạng tối chị lại cuống quýt về phía thứ ánh sáng hắt ngược kia. Và một buổi chiều, chị vồ vập với ngọn đèn dầu rồi bật khóc ở cái quán nhỏ này. Người đàn bà thắp đèn dầu trong cái quán nhỏ rất thương chị, nhận chị làm con nuôi, và hai mảnh đời lầm lạc dắt díu nhau qua chuỗi ngày lỡ làng trên mảnh đất Ba Thôn hồn hậu…
Tôi buột miệng hỏi: “Sao chị không kiếm một tấm chồng để nương thân?”. Khi chị cúi xuống nhìn đôi chân khuyết tật thì tôi thật áy náy vì sự nhanh nhảu đoảng. Chị không trách móc nhưng thở dài: “Mẹ tôi bị tình phụ nên cam chịu sống độc thân suốt đời. Phận bạc dám mơ duyên gì hở anh?”. Chị đăm đắm nhìn ra trời mưa, cái nhìn vắng vẻ của người phụ nữ yếu đuối và cô độc tuổi ngoài bốn mươi. Nước dưới chân cầu Ba Thôn lao xao mà vẫn như ngưng đọng một nỗi buồn. Mười năm qua, gặp đôi chút trắc trở gì tôi vẫn hay cay cú giận điều nọ oán người kia, nhưng với trắc trở của cảnh đời chị mà tôi tình cờ biết được thì thật quá nhỏ nhoi.
LÊ THIẾU NHƠN