Tôi có cô bạn nhà trồng đủ các loại rau xanh mát mắt. Một hôm đến chơi, thấy mấy luống rau cải cay trổ ngồng, tôi cao hứng làm hai câu thơ hò ghẹo:
“Ai ơi! Mau lại mà trông
Gái quê trồng cải để ngồng thế kia”.
Bãi soi sông Ba - Ảnh: HIẾU NGỌC
Cô không để tiếng hò của tôi ngân dài, liền hò đáp:
“Cải ngồng em cắt đem dìa
Muối dưa đãi bạn, bạn chê nỗi gì?”
Tôi ngạc nhiên quá nên hỏi:
- Cải ngồng mà còn muối dưa được sao?
Bạn tôi cười lúng liếng:
- Sao không được. Rồi cô giảng giải:
Cây cải ngồng sau khi cắt, loại bỏ hoa, lá già úng, lá sâu, tất cả cắt ngắn từ 4 đến 5 phân, đem rửa sạch, vớt ra nong hoặc nia đưa ra phơi dưới nắng và năng trở để cải héo đồng đều. Tiếp, cho muối vào nước đun sôi. Muối tan hết, bắc xuống để nguội. Nước muối lạt dưa dễ bị khú, nước muối mặn quá, dưa cũng mặn, ăn không ngon. Chum hay vại để muối dưa phải rửa sạch, để khô. Chuẩn bị xong, cho nước muối đã nguội vào chum, vại, sau đó cho cải đã phơi héo vào, lấy que tre cài lên lớp cải, dùng đá cuội hoặc gạch rửa sạch đè lên vỉ tre sao cho lớp dưa nằm dưới mực nước muối. Sau 3-4 ngày thì dùng được. Để dưa có hương người ta cho ít hành củ hoặc vỏ cam, quýt…
- Đây, lứa cải đầu lên ngồng, em cắt muối dưa. Để em mời anh thưởng thức.
Nói xong cô chạy xuống bếp. Lát sau, bưng lên một mâm, trên đó có bánh tráng sống Hòa Đa đã nhúng nước, thịt heo ba chỉ luộc chín, thái mỏng, rau sống và một dĩa bàn dưa cải muối, một chén nước mắm nhỉ chính hiệu Tiên Châu cùng hương tỏi, ớt, chanh.
Vừa nhìn thấy, tôi đã chép miệng thèm thuồng. Cô bạn xoa xoa tay: “Mời anh”. Tôi khẽ cười: Giá có được vài ly đế thì hay biết mấy!
Nói vui vậy thôi, ai dè cô bạn tôi tất tả chạy đi, lát sau đem về một chai rượu.
Sau này, thi thoảng ngồi trước “mâm cao cỗ đầy”, tôi lại nhớ đến món bánh tráng cuốn thịt ba chỉ ăn với cải ngồng muối dưa. Hay là tôi nhớ đến nụ cười của cô bạn bên luống rau cải trổ hoa vàng ngày xưa, cũng không biết nữa…
PHẠM NGỌC TRÂN