Tôi đã quay trở về sông Bến Lội và đi dọc theo những triền cỏ. Mùa này bông cỏ may nở rộ từng vạt, có những nụ hoa tím đang thả bóng thật nhẹ trên dòng nước. Không gian yên tĩnh. Chiều buông sẫm. Và sương. Sương nhẹ trôi trên sông, phủ lên các triền đồi, phủ lên những rặng tre bóng dừa, phủ lên xóm làng và bảng lảng trên cánh đồng trước dòng sông.
Ảnh: CHÍ THẠNH |
Hơn ba mươi năm trước, sau những đợt mưa chiều chao qua sông thì trời tạnh ráo. Bảy sắc cầu vồng thả móng trên đồi Cánh Võng kéo về đoạn cuối sông Ba đợi chiều buông dần là sương giăng và lại có những đợt mưa tiếp theo. Giờ thì khác, sương vẫn nhẹ phủ cảnh vật nhưng ngày mai sẽ nắng chói chang dù chưa vào hạ. Thời tiết thay đổi, cảnh vật đổi thay, con người cũng đổi thay. Tôi cúi người muốn soi khuôn mặt mình trên con sông lặng im nước chảy và chợt nhận ra rằng, mình đâu còn là đứa trẻ áo cánh, quần đùi theo gia đình rời phố vào những ngày tháng tư để đến nơi này.
Kể từ lúc không còn tiếng súng đêm đêm vọng về, ba mươi hai năm sương vẫn trôi trên sông và mái đầu của những đứa trẻ ở vùng đất bên sông Bến Lội này cũng dần pha sương. Tôi ở trọ nhà Quyên trước ngày 1/4/1975, lúc phố thị Tuy Hòa có đủ mọi sắc lính từ Tây Nguyên đổ về. Sự tháo chạy tán loạn trong kinh hoàng ấy cùng với những tin đồn chia cắt vĩ tuyến 13 đèo Cả làm mảnh đất nhỏ giữa Nam Trung bộ càng tiêu điều hơn. Tôi theo cha mẹ rời phố về với dòng sông sương. Và Quyên, cô nhỏ có làn da bánh mật, tóc đuôi gà, nụ cười bẽn lẽn đã làm dịu đi tất cả. Sau này có thêm Loan, Anh cùng vui đùa với lũ chúng tôi từ đất phố tản cư về bên dòng Bến Lội.
Xẩm tối trước ngày 1/4, cơn mưa rào tuôn đổ ào ạt và chấm dứt đột ngột cho màn sương đêm trôi. Cánh đồng phủ trắng, dòng sông phủ trắng, vườn nhà cũng trắng hơi sương hòa trong ánh chớp của lửa đạn xối vào núi Sầm, đổ trên đỉnh Chóp Chài và những cánh quân thấp thoáng dọc dòng Bến Lội xuôi về cầu Ông Chừ. Sau này, tôi mới biết đó là những cánh quân của địa phương, của chủ lực tạo một gọng kìm siết chặt vành đai phố biển. Còn khi ấy, trong ầm ầm lửa đạn, trong căn nhà mẹ Quyên, trong ánh đèn dầu thắp sáng, mọi người đều ngồi quanh co cụm với một ý nghĩ duy nhất, nếu những quả đạn ca-nông rót theo hình cánh cung từ đỉnh núi Nhạn tuôn xuống dọc triền sông mà trúng căn nhà này thì… Lúc đó, tôi nhìn Quyên ngồi bên mẹ. Mắt em vẫn mở to, vẫn nhìn tôi lặng lẽ như chưa hề cảm nhận chiến tranh mà chỉ biết sáng mai, có thể em lại cùng tôi, cùng Loan, cùng Phê, cùng Trúc… lên đồi Cánh Võng hái dủ dẻ vàng.
Và mọi việc qua đi khi núi Nhạn, nơi đỉnh cao lồng lộng gió, đã có màu cờ rực đỏ. Tôi chia tay Quyên từ một ngõ xóm rợp mát bóng dừa vào buổi sáng vừa dứt cơn mưa rào và tan hết hơi sương nơi dòng Bến Lội. Cơn mưa phố thị cũng đã tạnh ráo cho nắng hanh hao với dấu vết chiến tranh còn hằn mọi nơi. Tôi nhủ rằng sẽ về lại dòng sông tìm Quyên. Ba năm sau, khi đặt bước chân vào ngõ xóm cũ thì gia đình Quyên chẳng còn ở đó. Trên dòng sông Bến Lội sương vẫn trôi theo từng năm tháng. Cuộc sống của mỗi người cũng thay đổi theo tháng năm…
Ba mươi hai năm đi qua như lớp sương trôi ngày cũ. Tôi về, đặt bước chân trên con đường cũ, ngõ cũ để tìm Quyên. Dù tóc điểm sương, tôi vẫn mong một ngày gặp lại em để kể về kỷ niệm những ngày không thể nào quên khi hòa bình vừa lập lại.
Sương vẫn trôi trên sông cùng vành trăng khuyết treo trên đồi Cánh Võng đầy yên lắng. Trời không có cơn mưa nhỏ như ngày cũ xa vời của hơn ba mươi năm. Không biết giờ đây, nơi em ở đó cơn mưa nhỏ nào trôi qua không? Và nếu tình cờ Quyên đọc những hàng chữ này thì cũng mong một lần em về chốn cũ, để nhớ lại những ngày cuối cùng của chiến tranh ở một góc nhỏ của vùng đất đang vào mùa sương trôi trên sông.