Đó là món quà quý giá nhất của tuổi thơ chúng tôi ngày xưa. Cái thời mà đồ chơi của trẻ con thật hiếm hoi. Trẻ em ở làng quê tìm được trái banh nhựa để chuyền, để đánh không dễ chút nào. Các cậu bé tự đi tìm đất thịt về nắn con trâu, con bò, lấy hột chùm thảo nhét vào làm hai con mắt, chặt tàu chuối cắt hết lá làm khẩu súng trường, vót hai thanh cây tròn, một dài, một ngắn chơi trò đánh trổng…
Minh họa THANH HƯƠNG
Cái bong bóng heo không cần bàn tay chế tác của lũ trẻ, không tốn tiền mua nên nó trở thành món quà quý giá là vậy. Ngày xưa, người ta thường làm heo vào dịp cúng làng, đám cưới, giỗ họ, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán. Trong đám cúng làng, người ta chỉ giết thịt từ hai đến ba con heo, nhưng có hàng chục, hàng trăm đứa trẻ đứng nhao nhao xin cái bong bóng heo. Thế là những người trực tiếp giết thịt có quyền sở hữu những cái bong bóng heo và được “cẩn” (tặng theo thông lệ bắt buộc) một cân thịt đùi heo. Bóng bong heo của đám cưới, đám giỗ, Tết Nguyên Đán đương nhiên là quà của trẻ con của mỗi gia đình, tộc họ có ngày vui trọng đại.
Hồi còn thơ bé có những lần tôi được tặng cái bong bóng heo để làm trái banh đánh bóng chuyền với lũ trẻ hàng xóm (hồi đó chưa có phong trào đá bóng ở nông thôn như bây giờ). Đó là những lần ông nội đi ăn đám cúng làng xin của thợ thịt mang về, những lần đến Tết Nguyên Đán nhà tôi làm heo, là những lần các anh chị tôi lập gia đình. Cái bong bóng heo to hay nhỏ do còn tùy vào cân nặng của con heo. Người lớn thương bọn trẻ cho cái bong bóng heo, thường làm siêng bẻ cọng đu đủ đặt vào lỗ cái bong bóng, khum lưng thổi phì phì, cái bong bóng mới phình lên tròn vo, to bằng cái tô đựng canh rồi cột chặt, đem phơi nắng mấy hôm mới trở thành trái banh bay lững lờ, đánh hoài không thủng.
Một lần, mẹ đem phơi cái bong bóng heo ở dây phơi quần áo, không may rơi xuống đất, con chó Mực nhảy xổ tới vồ lấy, phóng đi biệt tăm. Lúc con chó trở về, tôi chỉ thấy nó liếm mép, tôi khóc tức tưởi, mẹ dỗ hoài không nín.
Cái bong bóng heo khô quéo, nhưng giữ hơi no tròn lâu dài. Lũ trẻ chúng tôi khi đã có cái bong bóng heo – trái banh xịn của làng quê trong tay là tập trung ở sân lẫm làng tranh nhau chuyền bóng, reo hò suốt buổi không biết chán. “Trâu chết để da…” còn heo chết để bong bóng cho tuổi thơ tôi bằng những kỷ niệm khó phai mờ.
Mỗi lần làm heo, giỗ chạp, mọi người chăm chú nhìn những thớ thịt tươi mát, còn tôi chỉ hau háu nhìn cái bong bóng heo. Nó không làm no cái bụng, nhưng no ở tinh thần khi tôi say sưa đánh bóng chuyền với những thằng bạn tóc chừa miếng vá không sợ cái nắng chang chang.
TRẦN QUỐC CƯỠNG