Tháng Giêng ở miền núi quê tôi, nắng dịu dàng và gió cũng dịu dàng. Sáng, nắng tinh khôi phảng chút hơi sương còn e ấp. Trưa, nắng trẻ trung, rực rỡ. Chiều, gió lao xao; hàng tre rìa làng ngả bóng sóng soài trên đồng lúa đang thời con gái. Tôi dạo trên bờ mương cái, chân bước lên cỏ xanh. Cô gái làng đang cắt cỏ trên bờ mương khẽ cười khi thấy tôi giơ chiếc máy ảnh lên định chụp.
Ảnh: KIM SA
“No ba bữa Tết” xong là người dân quê tôi cặm cụi vào chuyện đồng áng. Sáng ăn ba hột cơm là quày quả ra đồng. Chiều nào rảnh, vài người đàn ông trong xóm rủ nhau bưng dĩa mồi qua bên kia bờ mương ngồi lai rai với chút rượu xuân còn lại, bàn chuyện đồng áng năm rồi. Từ rằm tháng giêng trở đi là mùa thu hoạch sắn. Sắn nạo vỏ xắt lát, phơi hai ba nắng, trắng bóc, nằm la liệt trên các gò, bãi cát dọc bờ sông.
Ngày tôi còn thơ bé, tháng Giêng, người dân quê tôi trúng mùa gặt lúa trắng, lúa Đồng Nai - giống lúa dài ngày gieo tháng sáu, tháng bảy âm lịch đến tháng chạp tháng giêng thu hoạch. Má kể, có năm mới mùng ba đã lo ra đồng gặt lúa. Sáng sớm, con một đầu; bánh trái, nước uống một đầu gánh ra ruộng. Khom lưng gặt lúa cả ngày mệt đâu nghỉ đó tại bờ ruộng, lót dép ngồi ăn cốm nếp, bánh thuẫn. Có người trong xóm thấy vậy, bảo: “Sao “gánh” Tết ra đồng sớm vậy?”. Má cười xuề xoà: “Năm nay phải đi làm sớm, để một hai ngày nữa lúa chín rục rĩu rụng hạt, lấy đâu đổ bồ”.
Quê tôi giờ đây đã đổi thay nhiều, nhưng vẫn giữ nét đẹp thanh bình, thơ mộng. Con người miền quê chân chất, thật thà. Chiều qua tôi đi về phía cuối xóm bắt gặp mấy đứa nhỏ nô đùa rượt đuổi nhau trên bãi cát bồi. Tiếng cười của chúng sao mà trong trẻo! Tụi trẻ làm cho bức tranh chiều tháng giêng càng thêm thanh bình. Chúng làm tôi nhớ sao là nhớ những buổi chiều tháng giêng ngày tôi còn ấu thơ.
MẠNH HOÀI NAM