Xóm tôi, các cụ gọi là xóm Trung bình. Còn tôi vẫn gọi bằng cái tên hồi đầu năm 1975 đặt cho chi đội thiếu niên của chúng toi – xóm Bãi Thượng làng Đông Khương. Tự thuở nào dòng sông Cái đã trở thành niềm tự hào vô bờ bến trong tôi, dòng sông tuổi thơ chật ních những kỷ niệm vui buồn.
Ven sông Thu Bồn |
Sông Thu Bồn gắn với tôi đâu phải bởi những lần trốn mẹ, trốn cha vụng tắm, đâu phải bởi những đêm theo cha ngồi chờ bên vịt cá,đâu phải do những ngày thả lưới giăng câu. Tôi không dám phủ nhận sắc màu xanh mượt của dòng sông, cái màu mỡ của phù sa đem lại, cái lo âu đầy thú vị trong những mùa lũ lụt. Tôi gắn với sông còn có một cái gì đó máu thịt hơn. Ngày đó, mỗi chiều giữ dưa trên Bãi Thượng, tôi nhìn qua bên kia Gò Nỗi, tần ngần hàng giờ đông hồ với những cột khói bom Mỹ ngất trời, đếm từng chiếc máy bay, từng quả bom rơi và đã biết thở dài nhìn Mỹ càn bên kia Phú Lộc và cảnh bà con gồng gánh tản cư. Thu Bồn như một dòng sông giới tuyến mà nửa bên kia có cái gì thân thiết với ta! Nửa dòng sông Thu Bồn bên ấy ấp ủ bao bàn chân, bao sự sống còn của các chị các anh, đêm đêm về bằng xương bằng thịt bên tôi. Một lùm cây, bụi cỏ, một con đò cũ, một ngôi miếu hoang ẩn hiện bên ấy dòng sông đối với tôi thân thương đến lạ, gần gũi như cánh chuồn chuồn, bươm bướm, như chiếc ná cao su gọng ổi. Bởi từ nửa dòng sông Thu Bồn bên ấy, đêm đêm các anh chị xuất hiện và làm náo động Cồn Thu, làm tưng bừng Cầu Mống, rộn rã bến Điện Bình. Bỡi nửa dòng sông bên ấy chở về cho tôi bánh kẹo những mùa Trung thu, những đêm văn công sáng rực ánh đèn nê-ông, những chị những anh như chị Lục, chị Liên anh Đà anh Thạnh anh Thông những nhân vật của điệu múa chàm rông, của vở kịch “Chim chèo bẻo”… Tất cả là hành trang, là tài sản của một thời thơ ấu. Ba mươi mấy năm rồi tôi vẫn còn nhớ như in khuôn mặt của các chị các anh về từ bên ấy dòng sông rồi không bao giờ trở lại. Anh Lượng có cái cằm hàm ếch đã đọc cho tôi nghe mấy câu thơ:
Máu ta chảy cho trôi kiếp ngựa trâu,
Xương ta bắc nên thành cầu
Cho đàn em nhỏ qua lầu vinh quang.
Câu thơ tôi chưa thuộc hết thì anh đã hy sinh dưới ngõ Hai Lang .Dương Thôi hy sinh ở trường học Đông Khương , chị Tần và anh công vụ vừa mới nhờ tôi mua cây viết đã hy sinh ở trại gia binh , anh Giảng lạc chân bỏ xác sau vườn Bảy Hài, chị Tám trẻ đẹp hy sinh ở bến Điện Bình, còn bị bọn lính cắt tai dầm rượu…
Đất nước thống nhất. Rồi tôi lớn lên, vào bộ đội và trải qua những ngày ác liệt ở biên giới Tây nam. Ngoài khẩu súng và chiếc ba lô, hành trang tôi còn có một Bãi Thượng vui buồn, một dòng sông tuổi thơ đầy kỷ niệm. Ôi! Nếu như không có nửa dòng sông bên nớ, không có các chị, các anh nằm lại ở Cồn Thu, Cầu Mống, không có dòng máu của mẹ, của cha, của quê hương đang lặng lẽ chảy trong tôi, có lẽ tôi đã vứt súng mà chạy trong những ngày Cam-pu-chia máu lửa rồi. Bốn năm, tôi lặn lội khắp nẻo chiến trường, cố mà xong nghĩa vụ làm trai thời loạn. Ơn trời Phước đức từ ông tổ Tiền hiền Đông Khương, chúng tôi đi cũng khá đông nhưng rồi đứa nào cũng về với mẹ cha, dẫu ít nhiều sứt mẻ. Sau những ngày tháng ngắn ngủi đoàn tụ với gia đình, với quê hương, cuộc mưu sinh khốc liệt đã xô đẩy tôi xa làng với lắm nghề nhiều việc. Một thôi dài năm, bảy năm tôi như kẻ đi tìm lối vào đời. Và rồi tôi lại trở về làng với một công việc như số phận đã định sẵn. Tôi sung sướng được lập nghiệp ở chính cái bờ sông ngày xưa tôi đã đắm mình buông câu thả lưới, nơi mà mỗi chiều ngồi đếm bom Mỹ đầy nỗi lo âu. Mỗi sáng mỗi trưa được buông mình trên dòng sông tìm lại bên nớ sông Thu mông lung kỷ niệm vui buồn, ngày ngày nhặt nặn đất quê hương để làm nên thơm thảo cuộc đời - áo cơm và hoa dại. Có lẽ đây là định mệnh, là mong muốn của các chị, các anh, của cha mẹ tôi, những người có bao vui buồn đang dấu kín hai bên bờ sông Thu Bồn trăm mến ngàn yêu.
Tôi và cả thế hệ chúng tôi đang đứng trên lầu vinh quang của thế kỷ 21 rồi đấy anh Lượng ơi! Hỡi các chị, các anh - những du kích quân có nghe sông Thu nước vẫn dập dờn, màu xanh của sự sống, màu xanh của tình yêu đang xôn xao từng ngày. Màu xanh có biết rằng ta đang nợ với dòng sông, với các chị, các anh, với sự yên lặng vĩnh hằng…
Điện Phương, ngày 27 tháng 11 năm 2006
LÊ ĐỨC HẠ