“Cho học sinh-sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để học tập là một chương trình đầu tư dài hạn, không chỉ góp phần nâng cao nguồn nhân lực của tỉnh, mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn đã khẳng định như vậy tại hội nghị sơ kết ba năm thực hiện chính sách tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh vừa tổ chức tại TP Tuy Hòa.
Nhiều học sinh, sinh viên được tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhờ chính sách cho vay học sinh, sinh viên. Trong ảnh: Sinh viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên trong lễ tốt nghiệp. - Ảnh: T.HẰNG |
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên đưa ra mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với HSSV hàng năm 23%, đến cuối năm 2013 đạt 691 tỉ đồng. Số vốn cần được giải ngân trong ba năm (2011-2013) là 318 tỉ đồng.
Trần Thị Ngọc Tuyết ở xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa) cho biết, nếu một năm trước không được vay vốn ưu đãi của Nhà nước để học tập thì bây giờ Tuyết không thể theo học tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, với thu nhập ít ỏi từ việc chăn nuôi vịt, gà, cha mẹ không thể lo cho em tiếp tục đi học. Nhờ số tiền vay 8,6 triệu đồng/năm, Tuyết tiếp tục đến trường. Tuyết bộc bạch: “Em cố gắng học để có thể tìm được việc làm, trả nợ vay ngân hàng”.
Cũng như Tuyết, Nguyễn Văn Cường ở xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) đang học Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cho biết, khi có giấy báo nhập học của trường, Cường làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội và được vay 4 triệu đồng. Nhờ được vay vốn ưu đãi, Cường có tiền đóng học phí, yên tâm học tập.
Trường hợp của Tuyết và Cường chỉ là hai trong số trên 30.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để trang trải các khoản chi phí trong quá trình học tập trong ba năm qua. Trong số các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) có dư nợ lớn nhất, gần 16 tỉ đồng với 1.296 trường hợp được vay. Ông Trần Phú Sơn, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Trung, cho biết: “Thu nhập của người dân trong xã dựa vào sản xuất nông nghiệp và đánh bắt hải sản nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã tạo điều kiện cho HSSV tiếp tục đến trường”.
Ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên cho biết, để đồng vốn kịp thời đến với HSSV có hoàn cảnh khó khăn, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 157 và hướng dẫn của ngân hàng cấp trên, chi nhánh phối hợp với Sở LĐ-TB-XH, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề và các hội đoàn thể trong tỉnh nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, triển khai có hiệu quả chương trình này.
Nhân viên ngân hàng (phải) hướng dẫn phụ huynh học sinh huyện Đông Hòa làm thủ tục vay vốn - Ảnh: Q.THUẦN
TIẾP TỤC THÁO GỠ VƯỚNG MẮC
Phú Yên cũng như các tỉnh khác ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Khoảng cách thu nhập hộ cận nghèo và trên mức cận nghèo không đáng kể, số hộ có thu nhập vượt ngưỡng cận nghèo chiếm tỉ lệ lớn, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi. Cá biệt, có hộ thu nhập bình quân hàng tháng vượt mức quy định cho vay vốn, nhưng có hai con đang học đại học thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài trở ngại trên, theo ông Đào Tấn Nguyên, tiêu chí xác định hộ khó khăn đột xuất về tài chính chưa cụ thể nên một số địa phương còn lúng túng. Nhiều sinh viên sau khi ra trường không tìm được việc làm và gặp khó khăn trong quá trình trả nợ vay cho ngân hàng.
Tại hội nghị sơ kết ba năm thực hiện chính sách tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, đại diện các hội, đoàn thể, địa phương cho rằng, có thời điểm Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam không phân bổ vốn kịp thời, trong khi tỉnh không trích ngân sách để bổ sung vào nguồn vốn để cho vay, nên nhiều gia đình chậm được vay vốn và gặp khó khăn khi con em mình bước vào học kỳ hoặc năm học mới.
Trao đổi về các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả việc thực hiện Quyết định 157, lãnh đạo các ngành, đơn vị liên quan cho rằng, cần tăng cường thông tin hai chiều về quy trình thủ tục cũng như thông tin về kết quả chương trình tín dụng này. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên cần nghiên cứu thời gian phát vay vốn cho HSSV tương ứng với thời gian khai giảng để giải quyết học phí và các chi phí sinh hoạt khác, tránh thời gian nghỉ hè; thường xuyên cung cấp thông tin cho trường về những trường hợp đã hoặc chưa được nhận vốn vay...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn chỉ đạo: Thời gian tới, các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương trong tỉnh cần có sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên trong tuyên truyền về chương trình tín dụng này, cũng như hỗ trợ xúc tiến nhanh gọn thủ tục vay vốn theo đúng mục tiêu của Chính phủ, nhưng cũng không để trường hợp nào phải nghỉ học vì thiếu tiền đóng học phí.
QUANG THUẦN