Thứ Năm, 03/10/2024 03:34 SA
Nuôi trồng thủy sản ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa):
Cần các giải pháp đồng bộ
Thứ Hai, 15/08/2011 14:30 CH

Hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) là vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh, với trên 1.000ha, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện cuộc sống của hàng nghìn hộ dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vùng nuôi này đã bộc lộ nhiều tồn tại, cần có giải pháp hợp lý để phát triển bền vững.

 

tom110815.jpg

Người nuôi tôm vùng hạ lưu sông Bàn Thạch thường xuyên gặp rủi ro do tôm chết hàng loạt - Ảnh: P.NAM

Qua gần 20 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, người dân huyện Đông Hòa đã biến vùng đất nhiễm mặn, hoang hóa thuộc hạ lưu sông Bàn Thạch thành những cánh đồng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh. Nhiều gia đình nhờ nuôi tôm đã trở nên giàu có, xây dựng nhà tầng kiên cố. Tuy nhiên, vài năm gần đây, vùng nuôi trồng thủy sản hạ lưu sông Bàn Thạch bộc lộ nhiều hạn chế. Tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh liên tục xảy ra và diễn biến phức tạp, đe dọa sự phát triển bền vững đến nuôi trồng thủy sản ở địa phương này, không ít hộ liên tiếp thua lỗ, nợ nần chồng chất.

 

Trước tình hình này, ngành thủy sản và chính quyền địa phương đã đề ra nhiều giải pháp để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản hạ lưu sông Bàn Thạch. Cụ thể là tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn lịch thời vụ và mật độ thả nuôi, cử cán bộ chuyên môn thường xuyên giúp đỡ người dân thực hiện các biện pháp phòng trị bệnh, xử lý môi trường ao nuôi, đồng thời áp dụng mô hình nuôi thử nghiệm cua xanh, ghẹ xanh, tôm chân trắng và nghiên cứu một số hình thức nuôi mới như nuôi tôm sú kết hợp cá rô phi đơn tính, hay thả rong để xử lý môi trường tại từng ao nuôi… Hàng năm, chính quyền từ huyện đến xã cũng tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện vụ nuôi, đề ra định hướng và giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện môi trường địa phương. Nhờ đó, đã khắc phục phần nào hạn chế, tồn tại trong nuôi trồng thủy sản ở đây.

 

Đối với vùng hạ lưu sông Bàn Thạch, vấn đề đầu tiên cần quan tâm là khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tái lập sự cân bằng sinh thái toàn vùng. Công tác này có thể tiến hành đồng thời nhiều biện pháp, như vừa cải tạo môi trường bằng việc nuôi một số đối tượng nhuyễn thể hai mảnh vỏ và các loài rong có khả năng lọc sinh học, nuôi cá rô phi đơn tính có khả năng sử dụng các mùn bã hữu cơ trong các ao nuôi tôm để làm thức ăn, làm giảm ô nhiễm hữu cơ cục bộ trong từng ao nuôi. Huyện Đông Hòa cần có biện pháp khoanh vùng bảo vệ các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ như loài dắt, vì đây là đối tượng rất phổ biến ở vùng này. Ngoài ra, các hộ nuôi cần sử dụng chế phẩm sinh học để phân hủy mùn bã hữu cơ ở đáy ao, kết hợp thay nước trong điều kiện cho phép, đồng thời thực hiện nghiêm ngặt việc tuân thủ quy hoạch vùng nuôi, trả lại sự thông thoáng cho dòng sông, đảm bảo sự thoát thải an toàn và khả năng trao đổi nước ao nuôi. Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư hệ thống thủy lợi, nhất là hệ thống kênh mương nội đồng, qua việc huy động dân tham gia nạo vét kênh mương, luồng lạch nhằm giảm thiểu sự bồi lấp do các chất thải hữu cơ từ các ao đìa thải ra. Xác định cụ thể cơ cấu đối tượng nuôi, hình thức nuôi phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên của vùng. Ngoài ra, người nuôi tôm phải thực hiện tốt việc cải tạo ao đìa trước khi bước vào vụ nuôi một cách kỹ lưỡng, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chấp hành theo hướng dẫn lịch thời vụ và mật độ thả nuôi. Có thể nuôi tôm kết hợp cá rô phi đơn tính, rong, cua xanh, ghẹ xanh, tôm đất, cá chẽm… có quy mô diện tích phù hợp với quy hoạch của ngành thủy sản và của chính quyền địa phương.

 

Mặt khác, cần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong nuôi trồng thủy sản và trách nhiệm cộng đồng của bà con ngư dân. Thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý môi trường vùng nuôi tập trung, có quy định bắt buộc các chất thải từ ao nuôi trước khi xả thải ra kênh, mương, luồng lạch; tăng cường quản lý chất lượng giống, chủ động phòng chống dịch bệnh ngay từ những người nuôi trồng thủy sản; hạn chế việc sử dụng thuốc, hóa chất, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các loại hóa chất thuộc danh mục cấm sử dụng vào nuôi trồng thủy sản… Các giải pháp trên phải được triển khai đồng bộ, có sự tham gia tích cực của các ngành chuyên môn, chính quyền, hội, đoàn thể các cấp, thì việc trồng thủy sản ở hạ lưu sông Bàn Thạch mới phát triển bền vững, hạn chế rủi ro…

 

KHẮC TÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek