Thời gian gần đây, hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện Đông Hòa có bước tiến đáng kể, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động.
Chế biến hạt điều tại KCN Hòa Hiệp (huyện Đông Hòa). - Ảnh: N.HÂN
Xuất phát từ tiềm năng và lợi thế của một huyện có khu công nghiệp và khu kinh tế được UBND tỉnh đầu tư, lại nằm trên tuyến quốc lộ 1 và là cửa ngõ phía nam của TP Tuy Hòa, những năm qua công tác đầu tư phát triển công nghiệp của huyện Đông Hòa được quan tâm đúng mức, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của huyện. Đông Hòa đã tập trung xây dựng cơ sở sản xuất, hình thành các điểm sản xuất CN-TTCN trên địa bàn. Trong đó, nhiều cơ sở công nghiệp đi vào hoạt động đã tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế như, sản xuất gạch tuy nen, phân bón, may công nghiệp, chế biến nông sản…, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hiện tại, sản xuất phân bón, công nghiệp chế biến và may mặc là những ngành thế mạnh của huyện Đông Hòa. Ngoài ra, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, cơ khí nhỏ, sửa chữa ô tô… cũng được địa phương này quan tâm đầu tư nhằm đưa giá trị CN-TTCN của huyện tăng cao.
Ông Lê Tấn Thảo, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đông Hòa cho biết, địa phương đang có chủ trương gom các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào thành các điểm tập trung; xin chủ trương UBND tỉnh mở khoảng 20ha tại thôn Bàn Nham, xã Hòa Xuân Tây và 5ha tại thôn Đồng Thạnh, xã Hòa Tân Đông để hình thành các điểm sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào. Ngoài ra, huyện cũng đang có chủ trương quy hoạch 5ha đất tại thôn Nam Bình, xã Hòa Xuân Tây để hình thành khu sản xuất gạch ngói tập trung. Các chính sách thu hút đầu tư thông qua các hình thức thu hút đầu tư trực tiếp, hợp tác, liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp được huyện triển khai rộng rãi.
Cùng với đó, các chương trình, đề án hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại tỉnh cũng được triển khai hiệu quả tại huyện Đông Hòa, nhờ đó mà nhiều lao động được đào tạo nghề và tuyển vào làm việc tại các doanh nghiệp. Việc khôi phục phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống, thu hút nhiều lao động và sử dụng nguyên liệu tại chỗ cũng được huyện Đông Hòa tích cực triển khai. Trong đó, chú trọng phát triển mạnh các nghề tiểu thủ công nghiệp có triển vọng theo hướng mở rộng thị trường, như nghề đan chiếu cói, mây tre...
Theo ông Lê Tấn Thảo, hiện trên địa bàn huyện Đông Hòa có khoảng 600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động địa phương, với mức thu nhập 1-4 triệu đồng/tháng. So với những năm trước, số lao động được tạo việc làm tại địa phương tăng khoảng 4.000 lao động. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng thời đưa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào các cụm, điểm sản xuất tập trung nhằm tạo thuận tiện cho việc quản lý và xử lý các vấn đề môi trường... Từ đó, giảm dần tỉ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỉ trọng ngành CN-TTCN, thương mại, dịch vụ phù hợp với xu hướng chung của tỉnh.
AN NGUYÊN