Nắng hạn kéo dài nhiều tháng qua khiến hàng trăm hécta mía từ 3-4 tháng tuổi ở huyện Đồng Xuân bị cháy lá, có nguy cơ chết khô. Trong khi đó, tại một số trạm bơm, nguồn nước cũng dần cạn kiệt do các sông bồi lấp.
Nhiều diện tích mía trồng mới ở xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân bị cháy lá do nắng nóng. - Ảnh: P.NAM
NGUY CƠ MÍA CHẾT “CHÁY”
Đến thời điểm này nông dân huyện Đồng Xuân chỉ mới trồng gần 2.700ha mía, bằng hơn 80% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do nắng hạn kéo dài, một số diện tích mía thu hoạch chậm, không kịp trồng lại. Ông Đặng Văn Trọng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết, nắng hạn kéo dài làm cho hàng trăm hécta mía, chủ yếu là trồng mới và trồng lại bị khô từ 3-4 lá. Nhiều diện tích xuống giống chậm, mía chưa đủ sức dẫn đến teo, cuốn lá và có nguy cơ chết cháy. Mía gặp hạn nặng chủ yếu là các diện tích nằm trên gò đồi thuộc xã Xuân Quang 2. Hiện Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân đang đề nghị các địa phương thống kê diện tích bị ảnh hưởng nắng hạn, nhưng cũng chỉ để nắm tình hình, vì hầu hết diện tích đều nhờ vào nước trời.
Hiện lúa hè thu ở huyện Đồng Xuân đang trong thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng, một số diện tích đang trổ. Theo Phòng NN-PTNT huyện, lượng mưa 6 tháng đầu năm 2011 thấp hơn trung bình nhiều năm từ 50,6-61,4mm. Hồ chứa nước Phú Xuân là nơi cung cấp nước tưới chủ yếu cho các đồng ở các thôn Phú Xuân A, Phú Xuân B, xã Xuân Phước và thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3… với gần 400ha, nhưng đến cuối tháng 7 mực nước tại hồ này chỉ đạt 34,99/36,50m mực nước thiết kế.
Hiện tượng mía khô ở huyện Đồng Xuân trải đều trên diện rộng, không chỉ những diện tích trên sườn đồi, mà cả những ruộng mía nằm dọc các tuyến đường liên thôn, xã. Bà Nguyễn Thị Hạnh ở xã Xuân Quang 2 rầu rĩ: “Vụ này tôi trồng mới 0,6ha, mía được hơn 3 tháng tuổi nhưng đã bị khô héo gần một tháng qua. Nếu nửa tháng nữa mà không mưa thì coi như mất trắng”. Cùng cảnh ngộ với bà Hạnh, gần 1ha mía lưu gốc vụ hai của ông Nguyễn Văn Phụng ở xã Xuân Sơn Nam cũng bị vàng lá, héo đọt. Ông Phụng than, chưa có năm nào nắng hạn kéo dài như năm nay. Mới đây, trời có mưa nhưng lượng mưa không đáng kể, nước chỉ thấm lớp đất mặt khoảng 5cm, sau đó trời tiếp tục nắng gắt nên chẳng ăn thua gì”.
Xã Xuân Sơn Nam có gần 300ha mía, trong đó khoảng 200ha có hiện tượng héo, teo lá, tập trung ở thôn Tân Vinh. Phó chủ tịch UBND xã Lê Mến Thương cho biết, địa phương đang tích cực vận động bà con tận dụng mọi nguồn nước tự nhiên tưới cho hoa màu và cứu mía, thậm chí khoan giếng để tưới cầm cự chờ mưa”.
LÚA HÈ THU BỊ HẠN CỤC BỘ
Huyện Đồng Xuân có trên 1.200ha lúa hè thu. Do nắng hạn, hàng chục hécta lúa ở cánh đồng Bà Thắm, Ông Đệ, xã Xuân Sơn Nam; các cánh đồng ở thôn Kỳ Lộ, Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1… có nguy cơ thiếu nước. Hiện nước sông đã cạn kiệt, các trạm bơm bị cát bồi lấp, gây hạn cục bộ một số diện tích, ảnh hưởng lớn đến năng suất nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài. Ông Lê Mến Thương, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam cho biết, địa phương đã chỉ đạo HTX cùng với nhân dân khai dòng tích nước cho các trạm bơm hoạt động, cố gắng hạn chế tình trạng thiếu nước cục bộ trong giai đoạn lúa chín, ảnh hưởng đến năng suất.
Trước tình hình này huyện Đồng Xuân đang tích cực triển khai chống hạn, trong đó tập trung nạo vét sông suối, ao hồ, bảo đảm đủ nước cho các trạm bơm hoạt động trong thời tiết khắc nghiệt. Theo ông Đặng Văn Trọng, Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân đã có văn bản đề nghị đơn vị quản lý hồ chứa nước Phú Xuân, UBND các xã, thị trấn, các hợp tác xã thực hiện nghiêm túc phương án chống hạn; trữ nước nếu có thừa ở các kênh tiêu, tận dụng triệt để nguồn nước tự nhiên, đồng thời nạo vét ao hồ, sông, suối phục vụ bơm, tát chống hạn. Phòng NN-PTNT huyện cũng phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng sắp xếp lịch tưới cụ thể, đồng thời theo dõi nguồn nước; tổ chức tưới có khoa học, tiết kiệm nước và chủ động nguồn lực tại chỗ để chống hạn.
PHƯƠNG NAM