Thứ Năm, 28/11/2024 05:31 SA
Để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp mía đường
Thứ Ba, 08/04/2008 15:28 CH

Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mía đường là một trong những ngành chịu nhiều thách thức, chủ yếu chịu sức ép cạnh tranh về giá cả của sản phẩm đường.

 

080408-duong-RE.jpg

Sản xuất đường tinh luyện RE tại Nhà máy đường KCP Sơn Hòa - Ảnh: N.TRƯỜNG

 

GIÁ THÀNH SẢN PHẨM CAO DO KHÓ KHĂN VỀ NGUYÊN LIỆU

 

Hiện nay, giá thành sản phẩm đường của Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng còn cao so với nhiều nước trên thế giới, trong đó có nguyên nhân vùng nguyên liệu mía thiếu ổn định, năng suất mía thấp. Muốn người nông dân có lãi để gắn bó với cây mía buộc các nhà máy phải mua nguyên liệu đầu vào với giá cao, song có lúc cũng không đủ nguyên liệu hoạt động đạt công suất cũng làm gia tăng giá thành sản xuất đường. Thực tế ở Phú Yên cho thấy, mặc dù năng suất mía của tỉnh trong năm qua tăng đáng kể, song vẫn còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước do phần lớn diện tích mía được chuyển từ đất nương rẫy, thiếu nước tưới. Hiện nay, ở Phú Yên diện tích mía chỉ đứng sau cây lúa, nhưng việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng mía cho người nông dân chưa ngang tầm. Hầu như các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc đến thu hoạch mía đều thực hiện bằng thủ công. Ngoài ra, giao thông vùng nguyên liệu mía cũng còn nhiều bất cập, xe không vào được ruộng mía, người dân tốn thêm chi phí vận chuyển mía từ ruộng ra đường lớn. Đây là những lý do làm cho giá thành nguyên liệu đầu vào của các nhà máy đường Phú Yên cao hơn so với các vùng miền khác trong nước.

 

GIẢM CHI PHÍ SẢN XUẤT

 

Để giải quyết những tồn tại trên, cần có sự phối hợp hành động từ nhiều phía. Đối với các doanh nghiệp mía đường phải nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh bằng các chiến lược như ổn định vùng nguyên liệu với năng suất trên 70 tấn/ha bằng cách đưa các giống mía mới vào thâm canh nhằm nâng năng suất, đổi mới các biện pháp thâm canh. Giảm thiểu chi phí sản xuất, bằng việc nâng công suất nhà máy, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu suất thu hồi đường, giảm chi phí duy tu cũng như các loại chi phí khác. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh các sản phẩm sau đường, cạnh đường như cồn, phân vi sinh, phát điện…

 

CẦN CHÍNH SÁCH VĨ MÔ CỦA NHÀ NƯỚC

 

Nhà nước cần có những chính sách giúp đỡ ngành mía đường tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ WTO. Sau khi phân vùng nguyên liệu cho các nhà máy, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp quản lý, không để xảy ra tranh chấp thu mua nguyên liệu giữa các nhà máy; tiếp tục hỗ trợ trong việc phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp mía đường đầu tư giống mới đưa năng suất tăng lên, qua đó tăng lợi nhuận cho người trồng mía, ổn định vùng nguyên liệu. Đó cũng là cách cải thiện điều kiện kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân địa phương. Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách bình ổn giá cả thị trường, giá đường nội địa bằng cách điều tiết lượng đường bán ra thị trường của các nhà máy không để khan hiếm hoặc dư thừa đường, hoặc có chính sách dự trữ đường khi thị trường trong nước bão hòa bằng cách giảm lãi suất vay hoặc hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu đường. Ấn Độ cũng là thành viên của WTO, là nước sản xuất đường lớn trên thế giới, có năm đạt sản lượng trên 25 triệu tấn, vượt qua cả Brazil, song Chính phủ vẫn có chính sách bảo hộ ngành đường, duy trì được giá đường nội địa ổn định, giúp ngành mía đường phát triển bền vững.

 

Năm nay, Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam chúng tôi đã hai lần tăng giá mua nguyên liệu, giá mía lên cao hơn niên vụ trước nhưng nông dân kém phấn khởi vì năng suất mía giảm mà các chi phí đầu vào cho cây mía đều tăng nên họ tính chuyển sang cây trồng khác. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều vùng trong cả nước nên khả năng năm 2009 diện tích mía, sản lượng đường trong nước sẽ giảm. Do đó, ngành mía đường Việt Nam sẽ còn chịu sức ép cạnh tranh rất lớn, nếu Chính phủ không kịp thời có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mía đường.

 

K.V.S.R.SUBBAIAH

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek