Chủ Nhật, 29/09/2024 12:22 CH
Sông Hinh - những điểm nóng “phá sơn lâm”
Thứ Tư, 17/10/2007 15:00 CH

Bài 2:  Chống vận chuyển gỗ lậu - cuộc chiến khó khăn và nguy hiểm

 

Không chỉ bị phá rừng, là địa bàn có nhiều cửa ngõ nối với Tây Nguyên, Sông Hinh trở thành điểm nóng về vận chuyển gỗ lậu thời gian qua. Chúng đi bằng đường bộ, từ tỉnh lộ cho đến đường vành đai thủy điện; rồi đi bằng đường sông. Một cán bộ quản lý bảo vệ rừng nói thật lòng: “Bây giờ lâm tặc nhiều thủ đoạn tinh vi lắm. Chúng theo dõi tụi tôi chứ tụi tôi đâu theo dõi chúng được!”. Lâm tặc càng ngày càng hung hãn. Nếu bị phát hiện, chúng liều lĩnh tấn công bằng mọi cách. Những ai tố cáo đều bị chúng trả thù bằng nhiều hình thức khác nhau.

 

071017-duong.jpg

ĐT 649 bị “băm vằm” bởi quá nhiều xe tải nặng qua lại - Ảnh: Q.KHƯƠNG

 

GỖ LẬU “ĐI” TỪ TỈNH LỘ ĐẾN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI

 

Đã hơn một năm nay, hầu như không đêm nào những hộ dân ở khu vực buôn Gao, buôn Bai xã Ea Lâm được ngủ yên giấc. Tình trạng vận chuyển gỗ trái phép qua địa bàn ngày càng phức tạp. Theo người dân địa phương, gỗ lậu đi qua địa bàn xã Ea Lâm bắt đầu xuất hiện từ khi công trình thủy điện Sông Ba Hạ xây dựng một đường vành đai ngang qua xã để phục vụ thi công thủy điện. Kể từ đó con đường này trở thành “con đường gỗ lậu” với những “quái xế” chạy xe bất kể luật lệ.

 

Trước khi có con đường này, lâm tặc vận chuyển gỗ lậu từ huyện Krông Năng - Gia Lai về đồng bằng chỉ có một con đường duy nhất là đi theo ĐT 645 qua ngả Ea Ly, xuôi về thị trấn Hai Riêng và đi tiếp đến những nơi khác. Bởi ĐT645 là nơi mà lực lượng chức năng thường xuyên mai phục, nên khá nhiều xe chở gỗ lậu bị bắt khi đi qua con đường này. Con đường vành đai thủy điện Sông Ba Hạ mở ra như một... cơ hội trời cho đối với lâm tặc. Đi trên con đường này, nếu bị lực lượng chức năng truy đuổi, những kẻ vận chuyển gỗ lậu có thể vòng ngược lại qua Ea Ly để trở về điểm xuất phát là Krông Năng mà không sợ bị ngăn chặn kiểm soát. Lý do là ngành chức năng thường chỉ kiểm soát xe vận chuyển gỗ từ trên đi xuống chứ ít kiểm soát xe từ dưới đi lên. Ông Ma Phai, một nguời dân ở buôn Bưng A, nói: “Ở đây hoạt động vận chuyển gỗ sôi động lắm! Lâm tặc chở gỗ lậu nhiều lắm, hầu như xe nào cũng chở. Xe lớn chở vài khúc đến vài chục khúc, xe hon đa cũng có. Xe làm đường công trình cũng chở gỗ lậu liên tục. Thấy bắt thì bắt nhưng chúng vẫn cứ chở chớ có sợ gì đâu?”.

 

Lâm tặc sử dụng nhiều loại phương tiện từ mô tô, xe máy, xe tải đến xe khách loại 16 chỗ, thậm chí nhiều xe tải chở đá, đất cho các công trình xây dựng… để vận chuyển gỗ lậu. Chúng đi không theo một quy luật thời gian, mà theo dõi những lúc công tác kiểm tra sơ hở là có thể vận chuyển gỗ bằng hàng chục con đường, ngóc ngách khác nhau, với những hình thức vận chuyển khác nhau.

 

Trong tập hồ sơ 23 vụ vận chuyển gỗ trái phép được Ea Lâm phát hiện và bắt giữ trong 9 tháng qua, có một số vụ vận chuyển với khối  lượng gỗ rất lớn. Chẳng hạn lúc 24 giờ ngày 30/4, chiếc ô tô tải hiệu Huyndai biển kiểm soát 81-9288 vận chuyển trên 3,1 m3 gỗ cà te. Đầu tháng 9, một xe tải chở đến 5,5 ster gỗ trắc bị bắt giữ tại đây. Gần đây nhất là rạng sáng 1/9, xe tải của Đội phó Cảnh sát giao thông công an huyện Sông Hinh Nguyễn Văn Tuấn chở trên 6m3 gỗ hương...

Còn ở xã Sông Hinh, ĐT649 nối với Đắk Lắk bị “băm vằm” bởi những vết lốp xe tải. Một người dân ở buôn Kít yêu cầu chúng tôi không nêu tên, cho biết: “Xe tải từ Đắk Lắk xuống bằng đường này đi ầm ào cả ngày đêm. Đường này khó đi lắm, không chở gỗ lậu, hàng lậu họ đi chi cho mệt!”. Trong khi đó, ông Ngô Xuân Hoàng, Trưởng trạm Quản lý và Bảo vệ rừng buôn Đức (xã Ea Trol), đóng ngay trên ĐT649, thổ lộ: “Lượng xe tải qua lại ĐT649 rất nhiều nhưng khó mà kiểm soát được và khó biết đâu là xe chở gỗ lậu, xe chở hàng nông sản. Bây giờ lâm tặc tinh vi lắm, chúng theo dõi chặt chẽ mình chứ mình khó theo dõi chúng hết được. Chúng bỏ gỗ ở giữa xe rồi chất nông sản lên. Trong khi đó, các lực lượng chức năng phải biết chính xác thì mới có thể dừng xe, kiểm soát được; nếu không thì phải bồi thường thiệt hại...”

 

VÀ XUÔI THEO LÒNG HỒ THỦY ĐIỆN

 

Lòng hồ thủy điện Sông Hinh kéo dài trên địa phận 3 xã Đức Bình Đông, Ea Trol và Sông Hinh. Xã Sông Hinh là địa phương có điểm tiếp giáp lòng hồ nhiều nhất, kéo dài đến 4 thôn: Suối Dứa, 3, 2A, 2B. Vài năm nay, lòng hồ thủy điện đã trở thành “con đường” vận chuyển gỗ lậu từ xã này về thị trấn Hai Riêng hoặc Đức Bình Đông, từ đó, gỗ được đưa lên xe để về xuôi.

 

Chủ tịch UBND xã Sông Hinh Trần Ngọc Thuân cho biết: “Trên những cánh rừng gần lòng hồ, lâm tặc thường khai thác ban ngày, sau đó dùng bò, cộ, xe tự chế kéo gỗ tập kết ở các vị trí gần lòng hồ, đợi đêm đến là chúng kết thành bè và dùng thuyền máy công suất lớn để vận chuyển về xuôi”. Theo ông Thuân, lực lượng chức năng của xã đã bắt khá nhiều vụ vận chuyển gỗ bằng con đường này, nhưng khối lượng gỗ bị lâm tặc lấy đi chắc chắn là nhiều gấp chục, gấp trăm lần so với số bắt được! “Chúng tôi gặp quá nhiều khó khăn! Sông Hinh là xã có địa bàn rộng, tiếp giáp với Đắk Lắk, Khánh Hòa, do đặc thù địa hình nên việc đi lại khó khăn, vì thế không thể kiểm soát hết được đối tượng nào là lâm tặc. Họ có khi là dân từ nơi khác đến, có khi là dân mình. Hơn thế nữa, bây giờ lâm tặc rất “quái”, chúng dùng thuyền công suất lớn, còn mình thì không có phương tiện. Chúng tôi thường phải mượn xuồng nhôm của bà con mà chèo đuổi theo thuyền máy, làm sao theo kịp được!” – ông Thuân nói thêm.

 

Còn Bí thư Đảng ủy xã Sông Hinh Ksiu Thắng buồn buồn nói: Thường thì lực lượng của xã bắt được các bè gỗ tập kết nhưng chưa chở đi và không có chủ. Có khi bắt được rồi không biết làm sao kéo về được vì không có phương tiện. Nói hơi buồn cười, nhưng chúng tôi phải may mắn mới bắt được lâm tặc vận chuyển gỗ bằng đường sông này. Một chiếc thuyền máy chở đầy gỗ đã bị chúng tôi bắt được trên lòng hồ thủy điện. Chiếc thuyền này bị bắt vì chân vịt của nó bị dính lưới đánh cá của dân, không chạy được, chứ nếu chúng chạy được thì mình đuổi sao kịp!

 

071017-EALAM-2.jpg

Gỗ vận chuyển trái phép bị bắt ở Ea Lâm – Ảnh: T.KẾ

 

LÂM TẶC NGÀY CÀNG LIỀU LĨNH VÀ HUNG HÃN

 

Tình trạng vận chuyển gỗ trái phép qua địa bàn xã Ea Lâm ngày càng phức tạp hơn. Có lần mấy đêm liền lâm tặc cung cấp tin giả là sẽ có xe chở gỗ đi qua địa bàn, đội kiểm tra của xã đã triển khai kế hoạch vây bắt nhưng hóa ra bị lừa. Đến hôm sau khi lực lượng không cảnh giác thì chúng lại chở gỗ đi. Các cán bộ trong đội cho biết không ít lần lâm tặc đã nhắn tin đe doạ đến tính mạng. Và không ít vụ chúng còn tấn công và cướp xe máy của người đang thi hành nhiệm vụ để tẩu thoát.

 

Anh Đặng Ngọc Quang, cán bộ lâm nghiệp xã, kể: Ngày 9/3, nhận được tin có một đoàn xe hon-đa chở gỗ hương từ hướng Gia Lai xuống, đội kiểm tra lập tức bố trí lực lượng vây bắt. Khi đuổi theo đã ép được một chiếc chở gỗ rơi xuống hố, đội cử hai anh phó công an xã và phó xã đội ở lại để bắt giữ. Trong lúc các anh đang đưa chiếc xe chở gỗ từ dưới hố lên, thì những người chở gỗ thấy chiếc xe của phó công an xã đang dựng trên đường, bất ngờ cướp xe để chạy trốn. Sau đó chúng kéo thêm lực lượng

 

hơn 10 người đã chuẩn bị từ trước mang dao rựa tấn công lại cán bộ xã. “ Bọn chúng đứa nào cũng hung hãn và liều lĩnh lắm, chúng sẵn sàng giết người nếu ta không có lực lượng và không biết cách bắt!” - Xã đội trưởng xã Ea Lâm Nay Y Zét nói.

 

Còn ở xã Sơn Giang, ông Nguyễn Cung Hạ, cán bộ Tư pháp xã, thổ lộ: “Nhiều đêm tổ liên ngành của xã phát hiện, tổ chức bắt giữ, nhưng các đối tượng trên tắt đèn xe, tăng tốc lao thẳng vào tổ tuần tra, làm cho nhiều cán bộ cũng phải lo ngại”.

 

Cách đây 2 tuần, ông Ma Lời ở thôn Tân Sơn, xã Sông Hinh mới nhận lại được chiếc thuyền đóng bằng gỗ của mình, vốn bị lâm tặc cướp mất cách đây hơn 2 tháng. Ông Ma Lời cho biết, các cán bộ xã mượn chiếc thuyền của ông để đuổi theo lâm tặc vận chuyển gỗ trái phép và ngay trong tối đó thì chúng “cướp” mất chiếc thuyền của ông. Hai tháng sau đó, người dân tình cờ thấy chiếc thuyền đang neo trong một hóc sông hoang vắng trên hồ thủy điện Sông Hinh thuộc xã Đức Bình Đông nên đã kéo giúp về cho ông. Ông Ma Liếu, người dân ở thôn này, cho biết thêm: “Tụi lâm tặc ở đây hung dữ lắm. Hễ bà con cho mượn xuồng, thuyền để cán bộ đuổi bắt là thế nào hôm sau cũng thấy chúng cầm dao rựa đi lăm lăm như muốn đâm chém vậy. Chúng còn trả thù vặt bằng cách đợi đêm xuống, dùng đồ sắc nhọn đâm thủng xuồng nhôm của bà con rồi dìm xuống lòng hồ hoặc lấy trộm xuồng đi luôn. Ở thôn Tân Sơn này đã mất không biết bao nhiêu chiếc xuồng như thế”. Cũng ở xã Sông Hinh, theo Chủ tịch UBND xã Trần Ngọc Thuân, xe tải, xe công nông bây giờ không dám chở thuê gỗ tang vật bị các ngành chức năng bắt được vì sợ lâm tặc trả thù...

 

Nếu không thể hành hung thì lâm tặc thường dùng “bài” năn nỉ và “chung chi”.  Ông A Ma Druông, Trưởng Công an xã Ea Lâm, cho biết ông và đồng đội đã nhiều lần được lâm tặc tìm cách hối lộ nhưng chúng đã không thành công. “Một xe chở 5,5m3 gỗ trắc đã đưa chúng tôi 10 triệu đồng để không lập biên bản. Còn mới đây nhất, hôm 22/9/2007 có 2 người, trong đó có một cán bộ lâm nghiệp xã Krông Năng, huyện Krông Pa (Gia Lai) đã tìm đến gặp riêng tôi đặt vấn đề hối lộ để chở gỗ qua địa bàn. Tôi không những không đồng ý mà còn báo cáo với cả bí thư, chủ tịch xã để cảnh giác và nhắc nhở anh em khác không được ăn hối lộ của lâm tặc”.

 

* Bài cuối: Làm thế nào để giữ rừng và chống vận chuyển lâm sản trái phép?

 

QUỐC KHƯƠNG – NGỌC CƯỜNG - TRÌNH KẾ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thu ngân sách Nhà nước tăng 50%
Thứ Năm, 18/10/2007 14:00 CH
Xây dựng 10 nhà chờ cho khách đi xe buýt
Thứ Năm, 18/10/2007 07:10 SA
Diện tích trồng sắn tăng hơn 1.700 ha
Thứ Năm, 18/10/2007 07:10 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek