Huyện Sông Hinh được coi là địa phương còn diện tích rừng giàu nhất so với hai huyện miền núi còn lại của Phú Yên là Sơn Hòa và Đồng Xuân. Tuy nhiên, rừng giàu là nơi... thèm khát của lâm tặc. Nhiều cánh rừng bạt ngàn ở các xã Sơn Giang, Sông Hinh đang là miếng mồi ngon cho những kẻ phá rừng. Đây cũng là huyện có nhiều con đường nối với Tây Nguyên, trở thành một trong những điểm nóng trong thời gian qua về vận chuyển trái phép gỗ quý từ vùng núi xuống đồng bằng bằng những con đường khác nhau. Lâm tặc ngày càng đông, ngày càng hung hãn và... đa dạng (như việc đại úy cảnh sát giao thông Nguyễn Văn Tuấn bị đề nghị tước danh hiệu Công an nhân dân vì vận chuyển gỗ quý trái phép!), trong khi lực lượng quản lý và bảo vệ rừng luôn kêu là lực lượng mỏng và gặp nhiều khó khăn. Việc quản lý, bảo vệ rừng, chống vận chuyển lâm sản trái phép ở Sông Hinh vì thế đang là vấn đề đáng báo động.
Bài 1: Sông Hinh, Sơn Giang: Những cánh rừng hấp hối
Trong khi ở xã xa xôi, giao thông khó khăn như Sông Hinh, cán bộ và nhân dân cho rằng rừng chỉ còn “vỏ” thì ở xã Sơn Giang lại xuất hiện những kiểu rừng lạ như “sắn lấn rừng”, “rừng da beo”...
Phó Chủ tịch HĐND xã Sông Hinh Ksor Trung chỉ tay về phía rừng Suối Răm (thôn Tân Sơn), nơi mà ông cho rằng rừng chủ còn “vỏ” - Ảnh: Q.KHƯƠNG |
TIẾNG MÁY CƯA TRONG RỪNG XÃ SÔNG HINH
Sông Hinh là xã xa nhất, khó khăn nhất và khó đi nhất của huyện Sông Hinh. Nhưng, Sông Hinh là một trong những xã có diện tích rừng lớn nhất, rừng giàu nhất huyện với gần 25.200ha. Đây là nơi “định cư” của những loài gỗ quý hiếm như sao, gõ... Chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi đi trên độc đạo đến đây, nhìn lên những dãy núi, ngọn đồi thấy có nhiều cây cao đến hàng chục mét, thân cây cỡ một người ôm không xuể. Khó có thể tìm thấy nơi nào ở Phú Yên rừng còn giàu, còn xanh như vậy.
Thế nhưng, người làm dòng suy nghĩ lạc quan của tôi hụt hẫng chính là Phó Chủ tịch HĐND xã Sông Hinh Ksor Trung. “Ngó bên ngoài thì vậy, chứ nhiều vùng rừng ở xã này chỉ còn vỏ thôi, trong ruột đang bị phá dữ lắm, có nơi trống trơn!” – Anh Trung vừa chỉ tay về phía hòn Suối Răm thuộc thôn Tân Sơn, nơi tiếp giáp giữa xã Sông Hinh và xã Đức Bình Đông, vừa nói tiếp: “Cánh rừng ở đó là nơi bị tàn phá nhiều nhất đấy. Đây là khu vực lòng hồ, muốn vào rừng này không dễ vì địa hình khó khăn. Nắm bắt được điểm đó, tụi lâm tặc tập trung vùng này nhiều lắm”. Nói đoạn, anh Trung hỏi: “Có nghe gì không?”. Chúng tôi im lặng lắng nghe. Từ trong khu rừng xa, cách nơi chúng tôi đứng khoảng trên dưới một cây số, vẫn nghe văng vẳng tiếng cưa máy vọng về. Anh Ksor Trung nói tiếp: “Vậy nhưng mình băng qua sông, bước chân vào khu vực rừng là tiếng cưa im ngay, không biết đâu mà lần tìm”. Thật lạ, trên ĐT649 nối thị trấn Hai Riêng với xã Sông Hinh, đi thẳng lên Đắk Lắk, khi qua khỏi xã Ea Trol là điện thoại di động tắc tị; nhưng ở ngay vùng cuối cùng về phía tây của lòng hồ thủy điện Sông Hinh này, sóng Mobile, Viettel đều có hai, ba “cục”! Bà con ở thôn Tân Sơn cho chúng tôi biết, “tai, mắt” của lâm tặc nằm ngay cửa rừng, hễ thấy lực lượng chức năng xuất hiện là chúng mở di động, a lô để đồng bọn ngưng hoạt động, tìm cách tẩu thoát!
Cả Bí thư Đảng ủy Sông Hinh Ksiu Thắng và Chủ tịch UBND xã Trần Ngọc Thuân đều xác nhận với chúng tôi rằng việc giữ rừng ở xã bây giờ cực kỳ khó khăn. Theo hai ông, ở địa phương này, những vùng bị lâm tặc hoành hành là vùng rừng già ở buôn Kít và ở thôn Tân Sơn. “Bọn lâm tặc thường chọn những vùng núi hẻo lánh, lực lượng chức năng và người dân khó đến được để “đóng đô” và vô tư khai thác gỗ. Điều khó khăn là chúng liên kết với bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây để đốn hạ gỗ. Nếu mình đi tuần bắt được thì chúng “đẩy” bà con ra, nói là chặt ít gỗ về làm nhà. Đối với chúng tôi, xử lý tình huống này là khó khăn nhất” – Chủ tịch Trần Ngọc Thuân nói.
Ông còn cho biết thêm, việc giữ rừng, phòng chống lâm tặc gần như được “giao đứt” cho xã. Lực lượng kiểm lâm chuyên nghiệp lâu lâu mới rảo bước qua địa phương một lần để... nắm tình hình. Còn lại, xã tổ chức được mấy chuyến kiểm tra, truy quét thì tùy thời gian rảnh rỗi và tập trung được lực lượng cần thiết. “Thật khó khăn bởi chúng tôi vừa thiếu người, vừa thiếu phương tiện. Đuổi lâm tặc chở gỗ trên lòng hồ mà mượn sõng nhôm của bà con rồi chèo theo, trong khi chúng chạy bằng thuyền máy công suất lớn. Bắt được gỗ trên rừng thì phải tiêu hủy tại chỗ vì không có phương tiện kéo về. Thêm nữa, giữa năm 2005, khi dự án bảo vệ rừng ADB kết thúc, bà con không được trả tiền giữ rừng nữa nên không quản lý, khiến những cánh rừng càng ngày càng chảy máu...” – ông Thuân buồn bã thổ lộ.
Rừng bị tàn phá ở Sơn Giang (ảnh lớn). Một ôtô chở gỗ lậu bị lực lượng chức năng xã EaLâm bắt giữ - Ảnh: N.CƯỜNG - V.THÙY |
NHỮNG CÁNH “RỪNG DA BEO” Ở SƠN GIANG
Dọc theo tuyến đường từ ĐT 645 đi Hà Giang, xã Sơn Giang, chúng tôi thực sự xót xa khi thấy màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng hai bên đường trước đây giờ đang bị tàn phá không thương tiếc. Những cánh rừng loang lổ, cháy xém. Xa xa trên lưng chừng đồi, từng nhóm 5- 6 người vẫn đang say sưa dọn cây, cuốc đất trên đám rẫy mới khai phá. Cạnh đó không xa là những cột khói cuồn cuộn ngút trời...
Đây là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn có diện tích 4.000 ha thuộc quyền quản lý của xã Sơn Giang. Địa hình của xã như nằm trong lòng chảo, bốn bề là núi, ranh giới giữa rừng và khu dân cư rất gần. Những năm gần đây, giá sắn mì tăng cao và ổn định đã trở thành “động lực” thúc đẩy người dân địa phương này bất chấp pháp luật của Nhà nước, hương ước của địa phương, lén lút phá rừng làm rẫy. Tình hình trở lên trầm trọng hơn trong những tháng đầu năm 2007 và diễn biến theo chiều hướng phức tạp, tinh vi hơn. Trong niên vụ 2007-2008, diện tích trồng sắn tại xã Sơn Giang lên đến gần 800 ha, tăng hơn so niên vụ trước 158 ha. Quỹ đất không tăng vì sao diện tích trồng sắn lại tăng, ở đâu “đẻ” ra đất cho người ta trồng sắn? Câu hỏi đó không khó trả lời khi nhìn những cánh rừng ngày một mất dần đi, thay vào đó là những rẫy sắn đến hàng chục, hàng trăm ha...
Không chỉ có vậy, do thiếu đất sản xuất, nhiều người dân Sơn Giang sẵn sàng mua lại những khoảng rừng mà bọn lâm tặc đã chặt phá đốt củi để lấy than. Ông Nguyễn Cung Hạ, cán bộ Tư pháp xã, cho biết: “Nhiều nhóm đối tượng thuê người rong những cây nhỏ, còn cây lớn chúng dùng cưa lốc đốn hạ để đốt than, có hầm than phải đến hàng trăm bao, diện tích tàn phá hàng nửa hecta. Những diện tích trên được bọn lâm tặc bán lại cho những người dân đang cần đất để sản xuất và sau đó chúng chuyển sang “khai phá” những vùng rừng khác. Bởi vậy, rừng hiện đang bị tàn phá khủng khiếp…”
Rừng Sơn Giang bị tàn phá – Ảnh: N.CƯỜNG
Một thách thức nữa với chính quyền xã Sơn Giang là việc phá rừng kiểu da beo. Lâm tặc phá từng khóm rừng nhỏ ở gần nhau, nếu các cơ quan chức năng có phát hiện được thì cũng không đủ điều kiện để xử lý. Sau một thời gian, khi những khóm nhỏ đã thành rẫy, chúng quay lại phá tiếp phần còn lại và hình thành một đám rẫy lớn. Theo báo cáo của các ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, diện tích rừng bị đốt phá, lấn chiếm ở xã này đã lên đến con số 54 ha, cao hơn cả số diện tích bị phá cộng lại 5 năm trở về trước!
Để ngăn ngừa, hạn chế việc đốt phá, lấn chiếm đất rừng, từ năm 2002, UBND xã Sơn Giang đã triển khai dự án ADB giao đất, giao rừng cho từng hộ dân chăm sóc, quản lý. Nhưng theo báo cáo mới đây của UBND xã, mặc dù rừng đã được giao cho các hộ dân quản lý, bảo vệ, song nhiều năm nay giới mốc vẫn chưa rõ ràng, chỉ hướng dẫn chung chung, thậm chí có hộ chỉ biết mình có rừng mà không hề biết khoảng rừng đó nằm ở vị trí nào! Trong khi đó, tiền bảo vệ rừng không được trả cho dân theo đúng quy định của dự án, gây nhiều bức xúc và khiến người dân nản lòng. Chính vì vậy, việc giao đất, giao rừng cho nhân dân quản lý ở Sơn Giang đã không đem lại hiệu quả.
Đó là những lý do dẫn đến việc các cánh rừng hàng ngày vẫn âm ỉ chảy máu!
Kỳ tới: CHỐNG LÂM TẶC – CUỘC CHIẾN KHÓ KHĂN VÀ NGUY HIỂM
QUỐC KHƯƠNG – NGỌC CƯỜNG - TRÌNH KẾ