Thứ Ba, 26/11/2024 20:33 CH
Sông Hinh - những điểm nóng “phá sơn lâm”
Bài cuối: Làm thế nào để giữ rừng và chống vận chuyển lâm sản trái phép?
Thứ Sáu, 19/10/2007 07:10 SA

Bài 1: Sông Hinh, Sơn Giang: Những cánh rừng hấp hối

 

Bài 2: Chống vận chuyển gỗ lậu - cuộc chiến khó khăn và nguy hiểm

 

Trước tình trạng phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép diễn ra ngày càng phức tạp trên địa bàn Sông Hinh, ngành Kiểm lâm và các địa phương ở huyện Sông Hinh có những giải pháp gì để phòng chống hiệu quả?

 

071019-dt649.jpg

Gỗ quý bị bắt giữ tại Trạm Quản lý và bảo vệ rừng buôn Đức, xã Sông Hinh.

 

BÍ THƯ ĐẢNG ỦY XÃ EA LÂM MA LƯN: 

Phải tăng cường lực lượng và công cụ hỗ trợ

 

Lực lượng của đội liên ngành chống phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép của xã hiện rất mỏng và chỉ dùng tay không để chống lâm tặc. Tôi nghĩ, nếu “chiến đấu” lâu dài mà như thế này thì chúng ta không thể thắng, rừng sẽ ngày càng mất thôi. Bởi vậy, các cấp cần hỗ trợ thêm lực lượng và trang bị các công cụ hỗ trợ thì may ra mới có thể khống chế được lâm tặc. Nhưng điều quan trọng hơn là các ngành chức năng ở các cấp cần phải ngăn chặn nguồn khai thác tại chỗ chứ không phải là rượt đuổi lâm tặc vận chuyển gỗ trái phép. Bởi như vậy thì hoá ra chúng ta chỉ luôn là người chạy theo bọn lâm tặc.

 

Hơn thế nữa, với chức năng của xã, chúng tôi không thể khám phá được các đường dây mua bán, vận chuyển gỗ lậu. Các ngành chức năng cấp huyện, cấp tỉnh mới đủ thẩm quyền, năng lực để thực hiện nhiệm vụ này.

 

CHỦ TỊCH UBND XÃ SÔNG HINH TRẦN NGỌC THUÂN: 

Có cơ chế phối hợp giữa các địa phương giáp ranh để chống lâm tặc

 

Để đáp ứng được công tác quản lý và bảo vệ rừng, chúng tôi đề nghị cấp trên cho phối hợp với các xã có rừng giáp ranh để cùng kiểm tra, truy quét một cách đồng bộ. Để bảo vệ rừng hữu hiệu, tôi cho rằng kiểm lâm phải chốt ngay tại địa phương và phải có các trạm ở gần cửa rừng. Kinh nghiệm ở huyện Mađrắc của Đắk Lắk nằm giáp ranh với chúng tôi là ngoài mấy trạm kiểm lâm chính, huyện còn thành lập 4 điểm chốt chính ở những khu dân cư, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra vào.

 

Bên cạnh cần thiết phải tăng cường trang thiết bị cho lực lượng liên ngành bảo vệ rừng, chúng tôi nghĩ cần phải tăng phụ cấp cho các cán bộ chuyên trách lâm nghiệp cho phù hợp hơn nhằm khuyến khích anh em nỗ lực công tác. Cùng với đó, cấp trên cũng nghiên cứu thực hiện một dự án có nguồn kinh phí bảo vệ rừng cho những người dân cùng tham gia.

 

PHÓ CHỦ TỊCH UBND XÃ SƠN GIANG PHẠM QUỐC THÔNG: 

Làm tốt hơn công tác vận động nhân dân bảo vệ rừng

 

Tôi nghĩ rằng việc giữ rừng trước hết phải tại chỗ, người dân có ý thức tốt thì sẽ hiệu quả. Bởi vậy, chính quyền xã Sơn Giang đang tăng cường tuyên truyền trên sóng phát thanh về Luật Quản lý và bảo vệ rừng, Chỉ thị 12 của Chính phủ về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa việc bảo vệ và phát triển rừng vào hương ước của thôn, chỉ đạo cho các ban ngành đoàn thể đến từng hộ gia đình tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

 

Xã cũng kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 12, củng cố lại đội liên ngành, tăng cường các biện pháp tuần tra kiểm soát, cương quyết xử lý các đối tượng ngoan cố…

 

 

HẠT TRƯỞNG HẠT KIỂM LÂM SÔNG HINH TRẦN DUY TẤN:

 

Các chủ rừng cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa

 

* Xin ông cho biết đâu là những điểm nóng phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép qua địa bàn huyện Sông Hinh hiện nay?

 

- Thời gian qua, trên địa bàn huyện Sông Hinh đã xảy ra điểm nóng về phá rừng làm rẫy tập trung ở vùng giáp ranh giữa xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) và xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa). Hiện các ngành chức năng đã xử lý và ngăn chặn.

 

Riêng về việc vận chuyển lâm sản trái phép đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Qua theo dõi, chúng tôi xác định những điểm nóng vận chuyển lâm sản trái phép chủ yếu từ huyện Mađrắc (Đắk Lắk) đi Sông Hinh, Ea Ka (Đắk Lắk) đi Sông Hinh qua tuyến ĐT 645; từ huyện Krông Năng (Gia Lai) đi Sông Hinh ngang qua địa phận xã Ea Lâm; từ huyện Sơn Hòa đi Sông Hinh qua đường vành đai thủy điện Sông Ba Hạ, từ xã Sông Hinh về thị trấn Hai Riêng và các xã Ea Trol, Đức Bình Đông bằng thuyền qua lòng hồ thủy điện Sông Hinh và ôtô trên tuyến ĐT 649.

 

* Xác định được những điểm nóng đó, lực lượng kiểm lâm Sông Hinh đã làm gì để bảo vệ rừng và ngăn chặn việc vận chuyển lâm sản trái phép?

 

- Để ngăn chặn tình trạng trên, ngay từ đầu năm 2007, đơn vị đã phân công kiểm lâm viên về các xã tham mưu giúp UBND các xã thực hiện nhiệm vụ QLBVR và quản lý lâm sản ở địa phương. Kiện toàn các ban lâm nghiệp, các tổ đội phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng; tham mưu thành lập ban chỉ huy và đoàn kiểm tra liên ngành của xã tổ chức tổng kiểm tra ngăn chặn việc phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn xã.

 

Ngoài ra để kiểm tra ngăn chặn việc vận chuyển lâm sản trái phép từ các tỉnh giáp ranh qua địa bàn huyện Sông Hinh, Hạt Kiểm lâm huyện đã trưng tập một số cán bộ kiểm lâm địa bàn và cán bộ văn phòng Hạt thành lập tổ kiểm lâm cơ động tổ chức kiểm tra đột xuất các phương tiện vận chuyển, các điểm nóng khi nhận được tin báo của quần chúng.

 

Việc quản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Nếu khoán trắng cho ngành kiểm lâm không thôi thì không thể nào ngăn chặn được tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép. Chúng tôi rất mong các địa phương, các chủ rừng hãy nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc quản lý và bảo vệ rừng tại địa bàn mình quản lý.

 

* Nhưng thực tế vẫn có nhiều vụ phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép xảy ra trên địa bàn Sông Hinh thời gian qua. Liệu lực lượng kiểm lâm, lực lượng liên ngành đã gặp phải những khó khăn gì trong công tác này?

 

- Hoạt động của bọn lâm tặc hiện nay rất tinh vi, chúng tổ chức theo dõi, thông báo khi có kiểm lâm và lực lượng phối hợp kiểm tra, truy quét. Khi bị kiểm tra bắt giữ chúng sẵn sàng chống đối để giải thoát tang vật, phương tiện. Nếu yếu thế, chúng bỏ cả tang vật, phương tiện đào thoát do vậy rất khó bắt được quả tang.

 

Sông Hinh là cửa ngõ của các tuyến giao thông từ Đắk Lắk và Gia Lai (giáp ĐT 645 và ĐT 649). Do vậy phần lớn các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng là vận chuyển lâm sản trái phép từ các tỉnh này về TP Tuy Hòa, đi ngang qua địa phận huyện Sông Hinh, nhất là trong thời điểm hiện nay không còn các trạm kiểm soát lâm sản trên những tuyến đường này.

 

Vấn đề bất cập trong công tác kiểm soát lâm sản hiện nay là: Các phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép khi lực lượng kiểm lâm nhận được tin báo (có tên, tuổi, địa chỉ cụ thể) mới được dừng phương tiện để kiểm tra và chịu trách nhiệm về vấn đề này. Trong khi đó không phải tất cả mọi tin báo nhận được đều chính xác. Lực lượng kiểm tra không thường trực mà phải huy động và kiêm nhiệm nên còn hạn chế lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ. Các phương tiện giao thông nhiều lúc không chấp hành, không dừng khi lực lượng kiểm tra ra hiệu lệnh. Trong trường hợp đó chúng tôi thông báo cho các huyện giáp ranh tổ chức ngăn chặn và truy đuổi, song đã có trường hợp lâm tặc ngoan cố tông thẳng vào lực lượng kiểm tra, buộc lực lượng kiểm tra phải né tránh. Sau đó bọn lâm tặc tổ chức nhiều xe máy đi cản hậu không cho lực lượng truy đuổi để xe và tang vật trốn thoát.

 

* Xin cám ơn ông.

 

QUỐC KHƯƠNG - NGỌC CƯỜNG - TRÌNH KẾ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thu ngân sách Nhà nước tăng 50%
Thứ Năm, 18/10/2007 14:00 CH
Xây dựng 10 nhà chờ cho khách đi xe buýt
Thứ Năm, 18/10/2007 07:10 SA
Diện tích trồng sắn tăng hơn 1.700 ha
Thứ Năm, 18/10/2007 07:10 SA
Đìu hiu thị trường mũ vải
Thứ Năm, 18/10/2007 07:10 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek