Thứ Ba, 26/11/2024 22:16 CH
Thay đổi tính sẵn có và tính tiếp cận lương thực
Thứ Tư, 17/10/2007 07:15 SA

Từ một quốc gia nghèo, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Cùng với cả nước, Phú Yên có lượng lương thực hằng năm cao (trên 330.000 tấn), đảm bảo cho dân số 861.000 người. Thế nhưng, hiện vẫn còn không ít đối tượng nhân dân chưa được đảm bảo an ninh lương thực. Trong bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu, cách tiếp cận an ninh lương thực của các đối tượng này cần được thay đổi.

 

071017-vl.jpg

Ngày càng có nhiều nông dân tạo ra giá trị thặng dư từ các loại hàng hóa khác để tiếp cận lương thực - Ảnh: LY KHA

 

NGUY CƠ MẤT AN NINH LƯƠNG THỰC VẪN CÒN CAO

 

Tiếp cận lương thực là một trong 4 tiêu chí để đảm bảo an ninh lương thực cho người dân nghèo, bao gồm tính sẵn có, tính ổn định, tính bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tính tiếp cận. Ứng với bốn đặc tính này, có bốn đối tượng người dân thường mất an ninh lương thực là dân cư vùng biển, buôn bán nhỏ, lao động thời vụ hoặc công nhân làm việc không ổn định và đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi.

 

Với điều kiện tự nhiên đặc thù phần lớn diện tích là vùng núi, xã bãi ngang ven biển nên khả năng tiếp cận lương thực sẵn có và ổn định lương thực của mỗi vùng ở Phú Yên cũng khác nhau. Để đảm bảo tính sẵn có của vấn đề an ninh lương thực toàn dân, Phú Yên đã nỗ lực xây dựng hàng loạt những cánh đồng lúa nước trên vùng cao. Trong số hơn 57.000 ha lúa nước/năm của toàn tỉnh, các huyện miền núi cũng đã được diện tích lúa nước khá lớn như Sông Hinh hơn 950 ha/năm, Sơn Hòa hơn 1.100 ha/năm, Đồng Xuân hơn 1.200 ha/năm. Năng suất của các vùng cao này cũng được nâng cao dần với hàng loạt những chương trình, dự án của Nhà nước. Tuy nhiên, bản thân tại các huyện miền núi này, khả tính sẵn có, tiếp cận lương thực cũng không đồng đều. Diện tích gieo trồng các loại cây hằng năm từ hơn 56.000 ha năm 2000 lên hơn 128.000 ha như hiện nay cùng với hàng loạt các công trình thủy lợi phục vụ trồng trọt là những cố gắng lớn để đảm bảo tính sẵn có đối với an ninh lương thực của người dân.

 

Khi chưa tiếp cận thị trường, việc sẵn có lương thực tại chỗ đảm bảo cho những vùng sâu, vùng xa thường xuyên bị ngăn cách với bên ngoài (tính tiếp cận thấp) cũng đảm bảo về lương thực. Thế nhưng cần nhìn nhận một thực tế là hiện nay tính sẵn có của vấn đề an ninh lương thực không nằm ở chỗ mọi nhà, mọi người phải tự túc được gạo ăn như cách nhìn nhận trước đây. Minh chứng cụ thể là không thể xã nào, thôn nào cũng có những diện lúa nước để toàn dân canh tác trong khi để tạo nên những cánh đồng lúa nước ở những vùng miền núi, ven biển, Nhà nước và nhân dân phải tốn rất nhiều của cải và công sức.

 

TÍNH TIẾP CẬN ĐÃ ĐƯỢC THAY ĐỔI

 

Trong 10 năm qua, sản lượng lương thực tăng khoảng hơn 5%, trong khi đó dân số tăng 20%. Tỉ lệ tăng dân số ở khu vực thành thị vẫn hơn 1,2%/năm, khu vực nông thôn là hơn 2,3%/năm. Điều này vẫn tiềm ẩn nguy cơ dân số có nguy cơ mất an ninh lương thực ngày càng nhiều. Đó là chưa kể diện tích đất canh tác hiện nay không thể tăng nhanh như 10 năm trước mà có chiều hướng thu hẹp do nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp nông thôn.

 

Nói như vậy không có nghĩa quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn làm cản trở vấn đề an ninh lương thực của người dân nghèo mà ngược lại. Thử hình dung, 10 năm trước, muốn đưa hàng hóa lên các huyện miền núi, các xã vùng xa nhất phải mất vài ngày. Thế nhưng bây giờ giao thông thông suốt, tất cả các xã đều có tuyến đường đến tận từng thôn, buôn. Ngày nào cũng có hàng hóa, lương thực được đưa lên vùng cao, nâng cao khả năng tiếp cận lương thực của người dân lên cao hơn trước đây. Khả năng giao thương, trao đổi lương thực diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Đó là chúng ta đã đạt được mục tiêu về tính tiếp cận an ninh lương thực của người nghèo.

 

TÍNH SẴN CÓ ĐANG ĐƯỢC THAY ĐỔI

 

Phú Yên đảm bảo bình quân 386 kg/người/năm, thu nhập bình quân đầu người trên 3,95 triệu đồng/năm, tức đã vượt mục tiêu thập kỷ là đến năm 2010, lương thực bình quân đầu người đạt 370 kg/năm. Tuy nhiên, số lượng người trong bốn đối tượng dễ mất an ninh lương thực cũng lên tới hàng vạn người.

Yêu cầu về tính sẵn có như trước là bởi hạ tầng kinh tế còn quá yếu kém, chưa gia nhập vào nền kinh tế chung của thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, tính tiếp cận phải được nhìn nhận là không cần phải tự cấp tự túc mà tất cả các đối tượng trong dân phải có hàng hóa phục vụ nhu cầu của xã hội, từ đó tạo ra giá trị thặng dư kinh tế dùng để tiếp cận lương thực.

 

Những nỗ lực của các ban ngành, đoàn thể xây dựng thêm nhiều các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu tại các huyện miền núi không phải chỉ để phục vụ lúa nước. Các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao cũng đã được quy hoạch theo vùng. Riêng cây mía, Nhà máy Đường Tuy Hòa được quy hoạch 4.500 ha nguyên liệu, Nhà máy Đường KCP được quy hoạch 13.000 ha, Nhà máy tinh bột sắn Sông Hinh được quy hoạch 7.000 ha chuyên trồng sắn. Gần đây, thêm hơn 1.025 ha cao su tiểu điền đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch. Tại các xã miền biển, những dự án nuôi trồng thủy sản cũng đã phát triển mạnh tạo ra nguồn cung cấp hàng hóa lớn cho thị trường. Vấn đề là người dân phải biết phát huy những thế mạnh về vùng nguyên liệu, tạo nên những vùng chuyên canh đặc trưng nhưng vẫn có giá trị lớn.

 

Tính sẵn có an ninh lương thực không còn nằm ở lương thực dự trữ mà nằm ở giá trị kinh tế dôi dư do người dân tự tạo ra cho mình.

 

NGUYỄN DUY CƯƠNG

Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek