Thứ Hai, 30/09/2024 02:36 SA
Phòng chống dịch bệnh gia súc – gia cầm:
Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên còn lúng túng
Thứ Hai, 11/06/2007 09:00 SA

Như Phú Yên cuối tuần số 491 ra ngày 9/6 đã thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa tổ chức hội nghị giao ban phòng chống dịch cúm gia cầm và bệnh lở mồm long móng (LMLM) gia súc các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên tại TP Tuy Hòa. Báo cáo tại hội nghị cho biết: Theo thống kê của Cục Thú y, đến nay đã có 82 xã, phường, thị trấn thuộc 37 quận huyện của 16 tỉnh, thành trong cả nước đã phát dịch cúm gia cầm H5N1. Trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Quảng Nam đã bùng phát 3 ổ dịch, khả năng lây lan dịch bệnh đối với các tỉnh lân cận là rất cao.

 

070611-GB1.jpg

Quang cảnh hội nghị giao ban phòng chống dịch cúm gia cầm và bệnh LMLM gia súc vừa được Bộ NN-PTNT tổ chức tại TP Tuy Hòa - Ảnh: L.KHA

 

NHIỀU TỈNH CÒN LƠ LÀ TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH

 

Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Mặc dù Bộ NN-PTNT đã có chỉ thị cấm tái đàn đối với thủy cầm trong thời gian qua, nhưng qua khảo sát điều tra thực tế, tổng đàn thủy cầm vẫn liên tục tăng ở hầu hết các tỉnh, thành. Điều này chứng tỏ việc quản lý, thực hiện những quy định của cấp trên tại các địa phương chưa nghiêm túc. Rất ít tỉnh nắm rõ được số lượng đàn gia cầm và cơ sở ấp trứng thủy cầm. Thậm chí có cơ sở nằm ngay trong… chỗ ngủ của người dân; tại một số huyện, xã, thành viên BCĐ phòng, chống dịch không nắm rõ nội dung Quyết định 17 của Bộ NN-PTNT.

 

Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm, hiện công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm chỉ hoàn thành được ở 41 tỉnh, thành trong cả nước. Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chỉ có 3 tỉnh là Phú Yên, Quảng Ngãi và Ninh Thuận tiêm hết đàn gia cầm, còn lại các tỉnh khác vẫn chưa thực hiện được. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xảy ra dịch và tiêm phòng không đạt yêu cầu, trong đó có vấn đề dịch không xảy ra trong một khoảng thời gian khá dài nên dẫn đến chủ quan đối với nhiều người dân cũng như chính quyền cơ sở; việc quy hoạch quản lý chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm không được quan tâm nên không đảm bảo an toàn sinh học; công tác tiêm phòng vắc xin chậm, không đúng tiến độ, không đạt tỉ lệ theo quy định, chưa đúng kỹ thuật, việc tiêm phòng bổ sung vẫn không được chú trọng; hiện tượng vận chuyển, mua bán lậu gia cầm từ các nước có dịch vẫn chưa kiểm soát được; chế tài xử phạt khó thực hiện đối với những người chăn nuôi nhỏ lẻ…

 

070611-tt.jpg

Tập huấn nâng cao kỹ năng tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho cán bộ thú y cơ sở - Ảnh: Ly Kha

 

Vấn đề đặt ra cho các tỉnh trong khu vực hiện nay là phải kiểm soát được việc mua bán, giết mổ, vận chuyển qua lại giữa các tỉnh. Đối với vịt chạy đồng, nhất thiết phải nắm rõ số lượng đàn và quản lý được đàn vịt đã áp dụng các biện pháp an toàn vệ sinh thú y. Đến nay, các tỉnh trong khu vực đã cấp được 8.211 sổ quản lý vịt chạy đồng xuống tới cấp huyện, nhưng số lượng giao cho người chăn nuôi vẫn còn thấp.

 

CÁC ĐỊA PHƯƠNG: QUÁ NHIỀU KHÓ KHĂN!

 

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam Võ Văn Cường nói rằng: Quảng Nam là tỉnh duy nhất trong khu vực bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 đến thời điểm này. Theo điều tra của tỉnh, những đàn vịt được phát hiện nhiễm virut H5N1 là những đàn chưa được tiêm phòng. Hiện đã có 3 ổ dịch tại Duy Xuyên và Hội An, là hai địa phương ven sông Trường Giang (hạ lưu sông Thu Bồn) nên rất nguy hiểm vì khả năng lây lan cao. Hiện tổng số gia cầm phải tiêu hủy đã lên tới 2.500 con. Ông nhấn mạnh: “Những quy định của Chính phủ, Bộ NN - PTNT về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm là hợp lý và khoa học. Thế nhưng các địa phương vẫn rất khó triển khai thực hiện vì lực lượng quá thiếu. Tỉnh Quảng Nam có 233 xã, phường, thị trấn đều có cán bộ kế hoạch, tài chính, thống kê, dân số… nhưng cán bộ chuyên trách nông nghiệp thì không, nói gì đến thú y. Vì vậy, vấn đề giám sát chăn nuôi, tình hình dịch bệnh và triển khai công tác tiêm phòng, thực hiện các quy định an toàn vệ sinh thú y đều khó”.

 

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi Đào Minh Hường kiến nghị: “Thực tế có rất nhiều trường hợp người chăn nuôi vịt đàn không hợp tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm H5N1 với lý do là vịt thịt thì giảm thịt, vịt đẻ thì giảm sản lượng trứng nếu tiêm phòng. Trong khi đó, chế tài hiện hành chỉ xử phạt 50.000 – 200.000 đồng/trường hợp vẫn chưa “đủ liều” bởi vịt đàn hàng ngàn con thì với mức xử phạt như trên chỉ có giá trị bằng một vài con vịt cho nên đối với họ vẫn không ăn thua. Tôi đề nghị Bộ NN- PTNT nên tham mưu cho Chính phủ ban hành những quy định về chế tài xử phạt mới đối với người chăn nuôi vịt đàn không chịu tiêm phòng thật mạnh”.

 

Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Thị Hà đề xuất: “Đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo tuyên truyền mạnh về trách nhiệm của người dân. Cơ quan phát ngôn trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh phải là cơ quan chuyên môn. Về cơ chế chính sách, chế tài cần kiên quyết thực hiện đồng bộ những quy định chung giữa các tỉnh, đưa thêm các tỉnh nghèo hưởng trợ cấp ngân sách ở miền Trung vào vùng khống chế và có chính sách hỗ trợ cho mạng lưới thú y đến thôn, buôn”.

 

LY KHA – HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek