Chương trình khởi nghiệp đã và đang tạo hiệu ứng tốt trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng, giúp các bạn trẻ mạnh dạn đề xuất những sáng kiến, ý tưởng độc đáo. Để rồi con đường khởi nghiệp của nhiều sinh viên được phác họa từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Gieo mầm khởi nghiệp trong sinh viên
Với mong muốn trải nghiệm những điều mới mẻ và khám phá bản thân, những năm gần đây, không ít sinh viên mạnh dạn tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp để tạo đà cho tương lai. Không ít sinh viên đã xây dựng cho mình những ước mơ, dự định lập nghiệp và từng bước thực hiện nó để biết được khả năng mình làm được những gì và đi được đến đâu. Với nhiều sinh viên, khởi nghiệp không chỉ để thực hiện hóa ý tưởng mà còn là cơ hội để thử thách bản thân và khẳng định bản lĩnh.
Với ý tưởng khởi nghiệp “Đầu tư trang trại dâu tằm trái dài tại Phú Yên”, nhóm sinh viên Ngô Thị Mỹ Nhân (Trường cao đẳng Y tế Phú Yên), Nguyễn Duy Luân, Nguyễn Bình Phương Nga (Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung) liên tục giành giải thưởng cao tại các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp. Mỹ Nhân cho biết: Sau khi đạt giải nhất Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung phối hợp với Báo Phú Yên tổ chức, dự án của chúng em tiếp tục giành giải ba tại cuộc thi Hành trình khởi nghiệp - STARTUP JOURNEY 2018 do Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Doanh nghiệp KH-CN - Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ KH-CN) tổ chức. Đặc biệt, dự án của chúng em đã lọt vào tốp 20 ý tưởng khởi nghiệp cấp quốc gia được kêu gọi thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để biến ý tưởng thành hiện thực.
Tương tự, nữ sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung Nguyễn Thị Hồng Thúy đã đi nhiều nơi để tìm hiểu thổ nhưỡng, giống dưa, kỹ thuật trồng và thị trường tiêu thụ, sau đó xây dựng dự án “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và kinh doanh dưa lưới”; sinh viên Nguyễn Duy Luân với dự án “Mô hình trồng và chiết xuất tinh dầu sả”; sinh viên Nguyễn Tấn Ngãi với dự án “Trồng măng tây theo hướng chuẩn VietGAP - Đất Phú 78”... Đây là những ý tưởng hay, có thể ứng dụng vào thực tiễn được Ban tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2018 do Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung và Báo Phú Yên phối hợp tổ chức trao các giải nhì, ba và khuyến khích.
Sinh viên tham gia Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp năm 2018 do Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung và Báo Phú Yên phối hợp tổ chức - Ảnh: MẠNH THÚY |
TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung cho biết: Những cuộc thi sẽ là nơi tiếp sức cho con đường khởi nghiệp, khởi đầu tương lai của các sinh viên, đặc biệt là những bạn trẻ đam mê startup. Đây là cơ hội để các sinh viên đam mê khởi nghiệp có cơ hội gặp gỡ, học hỏi, tương tác và thuyết phục những doanh nhân cũng như kêu gọi nhà đầu tư nhằm hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình. Chắc rằng, với những đam mê, khát khao cùng năng lượng tuổi trẻ, các bạn sẽ hoàn thành tốt nhất mục tiêu lập nghiệp của bản thân.
Đưa trường học thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo
Khởi nghiệp khi còn ở giảng đường đang là lựa chọn của nhiều sinh viên, bởi đây là nơi đầu tiên gieo mầm những mơ ước sáng tạo, khát vọng thành công cho các em. Để ươm mầm những ý tưởng, sáng kiến cho tương lai, nhiều trường học không chỉ “nói suông” mà đã có những hoạt động cụ thể để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên.
Dẫn đầu về việc này, đó là Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Bên cạnh tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp hàng năm, trường luôn coi trọng việc đào tạo và trang bị những kiến thức cần thiết về kinh doanh và khởi nghiệp cho sinh viên. Nhà trường đã thành lập Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo. Với từng ý tưởng có tính khả thi cao, các sinh viên sẽ được trung tâm hoạch toán chi tiết, những điều cần và đủ để đưa ý tưởng vào hiện thực.
TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung trao giải nhất cho tác giả Ngô Thị Mỹ Nhân tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2018 - Ảnh: MẠNH THÚY |
Trường đại học Xây dựng Miền Trung cũng vừa triển khai thực hiện đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025. Qua đó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho các em trong thời gian học tập tại trường. Nhà trường phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 5 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên được nhà trường hỗ trợ đầu tư hoặc kết nối với doanh nghiệp, các quỹ đầu tư. Hiện nhà trường đã thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp các ngành nghề; các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành...
Kết quả một cuộc khảo sát của Bộ GD-ĐT gần đây cho thấy, với số lượng 750 sinh viên đại học, có đến 66,6% sinh viên không biết gì về khởi nghiệp. Đáng nói, số lượng sinh viên hàng năm tham gia các chương trình khởi nghiệp quốc gia chiếm tỉ lệ vô cùng thấp 0,016%. Trước thực tế đó, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt hơn 239 tỉ đồng hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của sinh viên các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2017-2020. Ngành Giáo dục phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, 100% các trường đại học, cao đẳng triển khai dự án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. |
Đầu năm 2019, trường tổ chức Cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp dành cho sinh viên. Hiện đã có 11 ý tưởng tham gia cuộc thi, ban tổ chức đang tuyển chọn những ý tưởng khả thi vào vòng chung kết dự kiến tổ chức vào tháng 4/2019.
Hiện nay, các hoạt động khuyến khích, động viên tinh thần khởi nghiệp trong giảng đường đang được khơi dậy mạnh mẽ. Bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, các sân chơi, cuộc thi khởi nghiệp..., các trường đại học, cao đẳng đã chủ động kết nối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để những ý tưởng, dự án của sinh viên đi xa hơn hay tạo môi trường để sinh viên được tiếp xúc với doanh nghiệp trong quá trình thực tập thực tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng cho hay: “Ý tưởng khởi nghiệp có khả năng thực thi cao thường bắt đầu từ thực tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy, với việc các trường đang từng bước chú trọng thực tiễn được coi là “vườn ươm” để sinh viên được liên tục cọ xát với thực tế, học cách phát hiện và đánh giá vấn đề, cách vận dụng hiệu quả kiến thức chuyên môn...
Với chủ trương lấy tuổi trẻ làm nòng cốt, sáng tạo làm thước đo, khơi nguồn định hướng và kết nối nguồn lực làm động lực xúc tác mà các trường đang triển khai hiện nay sẽ là tiền đề lan tỏa các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong giảng đường nói riêng, cộng đồng nói chung”.
ÔNG HUỲNH THANH VẠN, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG KHỞI NGHIỆP QUỐC GIA KHU VỰC PHÍA NAM:
Làm startup hãy bắt đầu từ nhu cầu thiết thực hàng ngày
Làm startup không thể nghĩ thoáng qua là làm, mà các bạn hãy bắt đầu từ những việc rất nhỏ liên quan đến chúng ta hàng ngày. Tuy nhiên, ý tưởng dù có sáng tạo đến đâu cũng đừng quên phải cụ thể, thiết thực. Quan trọng là chúng ta dám nghĩ, dám làm.
Cùng với đó là phải có sự kết nối, hình thành mạng lưới, hệ sinh thái khởi nghiệp, điều mà chúng ta nói rất nhiều nhưng nhiều lúc chưa nhận thức hết ý nghĩa của điều này. Thực tế giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng cho thấy còn mang nặng tư tưởng giảng dạy hơn nghiên cứu khoa học. Đa số các trường chưa có các dự án liên kết với doanh nghiệp và sản phẩm có được từ các công trình nghiên cứu khoa học không được ứng dụng, không có thị trường sử dụng. Nguyên nhân đến từ sự thiếu định hướng, trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ khởi nghiệp cho sinh viên.
Để sinh viên khởi nghiệp thành công, bên cạnh kiến thức hàn lâm, trường học cần chú trọng nhiều hơn nữa yêu cầu đào tạo kỹ năng mềm, nâng cao thời lượng thực hành nghề nghiệp, giúp sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên ngành cần thiết mà còn được cung cấp trải nghiệm thực tế từ ngành nghề, qua đó tạo dựng nền móng khởi nghiệp vững chắc sau khi tốt nghiệp.
ÔNG NGÔ VĂN ĐỊNH, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH PHÚ YÊN:
Hội Doanh nghiệp tỉnh luôn sẵn sàng hỗ trợ cho những ý tưởng tốt
Ý tưởng sáng tạo trong sinh viên không thiếu. Tuy nhiên để những ý tưởng ấy được hiện thực hóa là điều không dễ, bởi không tìm được nguồn vốn đầu tư ban đầu. Và rất nhiều ý tưởng khác của các bạn sinh viên tuy được đánh giá cao nhưng vẫn phải nằm trên giấy trong tình trạng chờ. Thông thường, khởi nghiệp sáng tạo trải qua các giai đoạn như, từ ý tưởng, tìm người cùng làm, làm thử sản phẩm đến tìm được mô hình kinh doanh phù hợp.
Việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp toàn diện phải bao gồm các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức đến khám phá, trải nghiệm với dự án khởi nghiệp thật. Trong khi đó để thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp hỗ trợ cho sinh viên triển khai ý tưởng là bài toán khó vì có nhiều rủi ro. Do đó, để giảm thiểu tỉ lệ thất bại, các em cần phải tìm hiểu kỹ về tất cả những yếu tố cần có để khởi nghiệp.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không nhất thiết mong muốn làm chủ, tìm kiếm lợi nhuận cao, cũng không nhất thiết từ những điều lớn lao mà nhiều khi từ những công việc giản dị, những điều bình thường với những giải pháp mới, sáng tạo mới. Hội Doanh nghiệp tỉnh luôn sẵn sàng hỗ trợ cho những sinh viên có ý tưởng tốt.
Do vậy các trường nên thường xuyên tổ chức những buổi tư vấn, thuyết trình ý tưởng hay trao đổi kinh nghiệm giữa sinh viên với những nhà doanh nghiệp. Đây vừa là kênh đầu tư hiệu quả cho những ý tưởng tiềm năng, vừa là cơ hội để sinh viên tìm kiếm việc làm về sau.
THS BÙI THỊ THANH MAI, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM ƯƠM TẠO DOANH NGHIỆP VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO (TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG MIỀN TRUNG): Vườn ươm doanh nghiệp - Nơi sản sinh các ý tưởng sáng tạo
Một “vườn ươm doanh nghiệp” hình thành ngay trong khuôn viên trường học là một mô hình rất mới, nhằm “ươm mầm” cho những sinh viên có ý tưởng khởi sáng tạo ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là cách làm mới thiết thực để phát huy tối đa mối liên kết “3 nhà”.
Tại đây, một không gian làm việc chung, miễn phí với sự hướng dẫn, hỗ trợ về khởi nghiệp của các chuyên viên có kinh nghiệm sẵn sàng chờ đợi ý tưởng của sinh viên hay bất cứ ai có nhu cầu. Về lâu dài, “vườn ươm doanh nghiệp” được kỳ vọng sẽ là nơi làm sản sinh các ý tưởng sáng tạo, đột phá; kết nối được giữa sinh viên với doanh nghiệp, cơ chế của nhà nước để cải tiến được công nghệ, tăng năng suất lao động và các tiện ích phục vụ người dân.
Hiện Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo của trường đã hoàn tất không gian làm việc chung (co-working space), tạo môi trường làm việc sáng tạo cho các cá nhân và nhóm khởi nghiệp. Trung tâm cũng đã đăng ký thành công đề án 844 về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, rót vốn về hoạt động hỗ trợ cho tỉnh Phú Yên nói riêng và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nói chung; hình thành mạng lưới hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho tỉnh nhà ngày càng rõ nét với đầy đủ các thành phần: các startup, nhà đầu tư, mentors...
Sắp tới, trung tâm sẽ triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác thêm với các quỹ đầu tư và phối hợp với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp uy tín khác để cùng triển khai các chương trình ươm tạo doanh nghiệp trong khu vực tỉnh Phú Yên một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn.
THÚY HẰNG