Đi bộ xuyên Việt để khảo sát nhu cầu đọc sách của người dân; bán trái cây để tặng tủ sách; mỗi sáng dành 15 phút đến lớp đọc sách cho con và các bạn học để gầy dựng thói quen đọc sách… Những việc làm tưởng chừng không đến đâu của anh Nguyễn Quang Thạch, chị Vũ Thị Thu Hà cùng những cộng sự của mình đã đưa hàng ngàn tủ sách trong chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam đến các lớp học, mang theo thông điệp ý nghĩa về trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương cùng đại biểu và học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sông Hinh bên cạnh tủ sách do Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam trao tặng - Ảnh: HÀ MY |
Khởi đầu chỉ với một tủ sách vào năm 2007, đến nay, chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam đã có gần 21.000 tủ sách trên khắp cả nước. Riêng tại Phú Yên, năm 2018, lần đầu đến mảnh đất này, chương trình đã mang đến hơn 250 tủ sách lớp học cùng hơn 13.000 đầu sách. Những người gắn bó với “Sách hóa nông thôn” hy vọng sẽ nhen lên ngọn lửa, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về việc đọc sách.
Những người “nhen lửa”
Với mong muốn “khơi bật” phong trào đọc sách trong trường học, đồng chí Phạm Đại Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tạo điều kiện và cùng đồng hành với các thành viên của chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam mang theo món quà là 40 tủ sách đến với học sinh của huyện miền núi Sông Hinh.
Trò chuyện với học sinh các trường, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương chia sẻ: “Tặng sách là trao tặng tri thức. Hơn nữa, món quà ấy được làm nên bởi tấm lòng tử tế lại càng thêm ý nghĩa. Những thành viên tích cực của chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam, với tấm lòng và hành động đẹp của mình đã mang hàng vạn cuốn sách đến với học sinh, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng”.
Tiếp lời của Chủ tịch UBND tỉnh, anh Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam kể về cuốn sách “Kẻ trộm sách” của tác giả Markus Zusak. Liesel, nhân vật chính trong cuốn sách sống trong một hoàn cảnh khốn khó khi mà nạn đói và bom đạn vây bủa dưới thời Đức Quốc xã. Cuộc đời của cô bé gắn liền với việc ăn trộm sách. Tình yêu sách của Liesel lan tỏa đến những người xung quanh, trở thành nguồn cảm hứng, lay động cả Thần Chết.
“Kể câu chuyện về Liesel để thấy rằng trong hoàn cảnh nào, thời đại nào, sách cũng mang lại những giá trị tuyệt vời, không những mở mang trí tuệ mà còn nâng cao tâm hồn. Đó cũng là lý do tại sao tôi quyết định dành 20 năm qua để sáng lập và phát triển chương trình “Sách hóa nông thôn”, đi bộ xuyên Việt để đánh thức cộng đồng về việc đọc sách”, anh Thạch bày tỏ.
Bắt đầu suy tư về “quyền đọc sách” của trẻ em nông thôn từ khi 20 tuổi, anh Thạch đã xây dựng kế hoạch “Sách hóa nông thôn” nhưng không ít lần anh bị hoài nghi, chế giễu và “Sách hóa nông thôn” tưởng chừng phải “đứt gánh giữa đường”.
Thế nhưng, với tấm lòng cùng một chiến lược truyền thông hợp lý, anh Thạch đã “kéo” rất nhiều người đồng hành cùng mình.Sau 11 năm, chương trình “Sách hóa nông thôn” đã xây dựng được một cộng đồng thành viên xã hội rộng lớn với 100.000 người.
Trong số ấy, tích cực nhất phải kể đến chị Vũ Thị Thu Hà. Không chỉ kêu gọi sự ủng hộ trực tiếp, chị Hà còn bỏ công sức bán trái cây sạch để gây quỹ xây dựng các tủ sách cho trẻ nông thôn. Bằng cách làm này, hơn 3 năm qua, chị Hà đã trao tặng được hơn 1.000 tủ sách cho các trường học trên cả nước, trong đó có Phú Yên.
Chia sẻ trách nhiệm xã hội
Có dịp theo chân anh Thạch, chị Hà và các thành viên của chương trình “Sách hóa nông thôn” trao tặng tủ sách cho các trường học ở Phú Yên, chúng tôi phần nào cảm nhận được nhiệt huyết của các anh chị. Với cách làm việc có hệ thống, kết nối qua Sở GD-ĐT để đưa sách về các trường, các thành viên của “Sách hóa nông thôn” luôn có cuộc giao lưu, trò chuyện với giáo viên và học sinh. Theo tháng, quý, chị Hà lại đại diện chương trình, quay trở lại các trường để kiểm tra “đốm lửa” mà mình nhen đã lan rộng đến đâu để kịp thời “tiếp sức” cho tủ sách lớp học ngày càng lớn mạnh hơn.
Chị Hà bộc bạch: “Chúng tôi chỉ là người nhen ngọn lửa đọc sách trong học sinh, giữ được ngọn lửa ấy hay không thì phụ thuộc vào thầy cô giáo. Hy vọng các thầy cô giáo cũng nhận thức được tầm quan trọng của sách đối với con trẻ và thổi bùng lên ngọn lửa ấy”.
TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên cho hay: “Năm 2018, được chương trình Sách hóa nông thôn thôn Việt Nam “tiếp lửa”, chúng tôi đã phát động mạnh mẽ phong trào đọc sách trong các trường học. Tủ sách được bố trí ngay trong lớp học, sách được đưa đến gần với học sinh hơn để tạo điều kiện cho các em dễ dàng tiếp cận. Các trường xây dựng chiến lược phát triển nguồn sách, kêu gọi các tổ chức xã hội, phụ huynh và cựu học sinh tặng sách; phát huy tinh thần trách nhiệm của học sinh, giáo viên và cộng đồng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong trường học”.
Sách hóa nông thôn Việt Nam được khởi xướng từ năm 2007 với mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu sách ở nông thôn, góp phần nâng cao dân trí và xây dựng tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội. Năm 2016, chương trình này được UNESCO trao tặng giải thưởng quốc tế về xóa mù tri thức, được Thư viện Hoa Kỳ tặng giải thưởng về truyền bá tri thức. Các thành viên của “Sách hóa nông thôn” đang ấp ủ ước vọng nối dài hành trình đưa tri thức đến với cộng đồng, vượt qua ranh giới lãnh thổ bằng việc khởi động một hệ thống thư viện chi phí thấp cho người dân tại Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, các quốc gia châu Phi… |
HÀ MY