Thứ Bảy, 19/10/2024 21:27 CH
Chuyện một giảng sư làm khoa học
Thứ Bảy, 09/02/2019 07:00 SA

Giảng sư và tác giả bài viết - Ảnh: THÙY LINH

Tôi có duyên được gặp giảng sư Thích Huệ Đăng năm 2001, khi sản xuất chuyên mục Mỗi ngày một nhân vật cho chương trình Chào buổi sáng của VTV. Từ bấy đến giờ, chuyến công tác nào ở Lâm Đồng tôi đều đến thăm sư ông. Mỗi lần gặp, tôi lại thêm bất ngờ về hành trình dấn thân làm khoa học của vị sư già - người vừa nhận bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Kỷ lục thế giới.

 

Giảng sư Thích Huệ Đăng (tên khai sinh là Nguyễn Văn Sáu) sinh năm 1940 tại Sài Gòn. Mồ côi cha khi mới 9 tuổi, lên 12 tuổi ông tiếp tục mất mẹ; chuyện học hành chỉ dừng lại ở lớp 3 trường làng. Ông lang thang mưu sinh bằng đủ nghề, nếm trải những nghiệt ngã của cuộc sống. Năm 16 tuổi, ông may mắn gặp được một người dìu dắt, dạy dỗ, cho vào làm việc tại công ty sản xuất máy may công nghiệp Senko của Nhật Bản...

 

Đến năm 33 tuổi, ông bắt đầu con đường tu tập. Ông tu luyện yoga 3 năm trong hang đá trên núi Thiên Cấm (tỉnh An Giang) rồi lang thang khất sĩ khắp Sài Gòn và miền Tây, bán bánh mì, ngủ ở gầm cầu Thị Nghè. Đầu những năm 80, ông chính thức xuất gia tại Tổ đình Long Thiền, Đồng Nai với sư phụ của mình là cố Hòa thượng Thích Huệ Thành. Ở tổ đình này, ông bắt đầu nghiên cứu kinh sách Phật giáo.

 

Ngộ được hai câu trong kinh Duy Ma Cật: “Không rời đạo Phật mà làm các việc phàm phu, chỗ đó mới là yên lặng. Không khởi diệt tận định mà hiện các oai nghi, chỗ đó mới là yên lặng”, năm 1983, ông quyết định rời tổ đình, rời sư phụ, lên đường tự tìm lối đi cho riêng mình.

 

Với một túi nải trên vai, ông đến núi La Bá tu trong mật thất rồi lên Đà Lạt (Lâm Đồng). Những ngày tháng đó, ông qua bữa với ngọn su su, hoặc hái su su đổi lấy nước tương ăn với cơm trắng. Đến năm 1986, ông quyết định ra thất và tu nhập thế.

 

Hồi sinh địa lan

 

Khi làm phim tài liệu Đạo và lan, tôi muốn khán giả biết đến ông ngoài một vị chân tu, còn là người xây dựng thành công thương hiệu địa lan cho Đà Lạt. Thời đó, Liên Xô và khối Đông Âu tan rã, thị trường xuất khẩu địa lan Đà Lạt không còn. Thế là từ một “sản vật” của Đà Lạt với thế mạnh xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, địa lan bị người ta bỏ khắp nơi, chất thành từng đống lớn. Ông đã nhặt những gốc còn tốt về, học hỏi kinh nghiệm trồng địa lan để tự trồng, vào rừng kiếm dớn, mang về băm ra làm giá thể. Địa lan phải mất đến bảy năm mới ra hoa.

 

Giảng sư Thích Huệ Đăng nhận kỷ lục gia thế giới - Ảnh: THÙY LINH

 

Suốt thời gian đó, ông vừa chăm lan, vừa tu hành lặng lẽ, vừa nghiên cứu kinh điển, âm thầm ghi chép lại những hiểu biết của mình. Hình ảnh một vị sư già ngày ngày lao động, đêm đêm viết sách, bấy giờ đã thu hút sự tò mò của khán giả truyền hình cả nước. Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm đó (2009), phim tài liệu Đạo và lan được trao huy chương bạc.

 

Đến giữa những năm 1990, địa lan mới bắt đầu cho thu hoạch, tuy không nhiều; ông bắt đầu bán để có tiền đi học. Trong thời gian ở Ấn Độ, ông chu du khắp nơi để nghiên cứu về lịch sử của Đức Phật và đạo Phật, nghiên cứu sâu hơn về kinh điển Phật giáo.

 

Vừa trồng lan, bán lan, ông vừa tu tập. Loài hoa diệu kỳ kết tinh từ đất lành của Đà Lạt đã nuôi ông âm thầm viết nên những tác phẩm luận giảng và khai thị, tóm tắt những điểm cốt lõi trong kinh Phật. Phải có bút lực phi thường, thân tâm dành hết cho Phật pháp, ông mới viết đến 43 tác phẩm, gồm 21 cuốn luận giảng và 22 cuốn khai thị luận. 16.000 bộ kinh, mỗi bộ 22 cuốn khai thị luận, đã được in và trao tặng khắp cả nước, những mong phần nào đóng góp cho sự hiểu biết đúng đắn của người dân và Phật tử về đạo Phật.

 

Những năm đầu, để mở rộng diện tích trồng địa lan, ông thường phải mua thêm cây giống. Không có nhiều vốn, ông bắt đầu quan tâm đến việc tự nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Không có bất cứ một nền tảng nào về khoa học, ông tự nghiên cứu trong sách vở và tham khảo một số người quen đã có kinh nghiệm. Thời gian học khóa cao cấp giảng sư tại TP Hồ Chí Minh, ông đăng ký học dự thính tại Trường đại học Nông Lâm. Được các giảng viên của trường giúp đỡ, ông nhanh chóng nắm được những kỹ thuật cơ bản.

 

Trở về Đà Lạt, ông mày mò, nghiên cứu thêm và bắt đầu nhân giống địa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô, rồi dần dần hoàn toàn tự chủ về nguồn giống. Vừa áp dụng khoa học công nghệ, ông vừa tiếp tục quan sát, cải tiến kỹ thuật trồng và chăm sóc nhằm tăng chất lượng cây và hoa. Ông sử dụng vỏ cà phê, sơ chế và trộn vào giá thể trồng địa lan làm cho cây không những phát triển tốt hơn nhờ chất kích thích kali có trong vỏ cà phê mà sâu bệnh cũng giảm hẳn, nhờ tính chất kháng khuẩn của vỏ cà phê.

 

Biến điều không thể thành có thể

 

Giảng sư Thích Huệ Đăng trong phòng nuôi cấy mô - Ảnh: THÙY LINH

Phim tài liệu Đạo và lan lên sóng VTV1, VTV4 chưa lâu, tôi hay tin sư ông chuẩn bị cho một hành trình mới: Hành trình chinh phục đỉnh Ngọc Linh để nghiên cứu, di thực hoặc nhân giống sâm Ngọc Linh trên đất Lâm Đồng. Ê kíp chúng tôi không kịp “trở tay”, chỉ nhờ sư ông chụp lại giúp một số hình ảnh trong hành trình gian nan ấy; trong đó có bức ảnh sư ông ngất xỉu trên hành trình, đệ tử phải cõng băng qua rừng sâu. Những hình ảnh hiếm hoi đó xuất hiện trong phim tài liệu Ngược dòng - huy chương bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2013.

 

Nhân duyên của sư ông với cây sâm Ngọc Linh bắt đầu khoảng cuối năm 2007. Trước đó, ông bị bệnh gan mãn tính. Một người bạn tới thăm và tặng ông hai củ sâm Ngọc Linh tự nhiên, ông dùng và khỏi bệnh. Vì thế, ông bắt đầu tìm hiểu về loại thảo dược quý này. Tháng 8/2008, ở tuổi gần 70, ông quyết định cùng hai đệ tử leo lên núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum để tìm cây sâm Ngọc Linh tự nhiên. Vượt qua bao nhiêu khó khăn, cuối cùng ba thầy trò cũng đã thu được 98 cây sâm Ngọc Linh tự nhiên mang về làm mẫu nhân giống.

 

Trong số mẫu đã tạo, chỉ 20% sống sót, nhưng với ông đó đã là tín hiệu đáng mừng. Ông tiếp tục nghiên cứu và cải thiện giá thể, điều kiện sống của cây, cách thức chăm sóc... Cuối cùng, cây sinh trưởng rất tốt. Tháng 10/2012, ông được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp Bằng độc quyền sáng chế cho “Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô”. Tại vườn của giảng sư bên hồ Tuyền Lâm, hơn 16.000 cây đang được bảo tồn.

 

Thành công trong việc nhân giống sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô và di thực loài cây quý này từ Kon Tum về Lâm Đồng, ông vẫn còn trăn trở nhiều vì chưa thực hiện được tâm nguyện của mình là đem sản phẩm sâm thật đi cứu người. Nhiều đêm ông mất ngủ vì điều đó.

 

Giảng sư Thích Huệ Đăng và ê kíp Phim tài liệu Ngược dòng năm 2013 - Ảnh: THÙY DUYÊN

 

Khi nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, phần sinh khối không thành cây con hoàn chỉnh bị bỏ đi. Nhìn đệ tử đổ cả rổ sinh khối tươi, ông nhặt một mẫu nhai thử, lắng tâm cảm nhận. Ông tin chắc sinh khối này có rất nhiều tác dụng cho sức khỏe con người, phải khai thác nguồn nguyên liệu quý này. Sư ông lấy chính bản thân mình để thử nghiệm. Ông sơ chế sinh khối, thử ngâm với mật ong và sử dụng, thấy sức khỏe được tăng cường đáng kể. Sau đó, ông gửi tặng một số người quen, tất cả đều phản hồi là sức khỏe được cải thiện.

 

Một lần nữa, ông lại tìm cách để sản xuất được sản phẩm từ sinh khối sâm Ngọc Linh một cách bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn với chất lượng cao hơn, rồi quyết tâm xây dựng nhà máy để sản xuất. Đối mặt với bài toán tài chính, ông bán nhà, bán đất để có tiền đầu tư. Giảng sư thổ lộ: “Khi thầy ra đi cũng sẽ bỏ lại tất cả. Thầy làm những gì có thể để giúp ích cho cộng đồng”.

 

Mẫu sản phẩm ông gửi đến Trung tâm Sâm và dược liệu TP Hồ Chí Minh để thử nghiệm, cho thấy: hàm lượng saponin toàn phần trong cao đặc chiết xuất từ sinh khối sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô cao gấp 4 lần so với sâm Ngọc Linh tự nhiên trên 10 năm (8,6% so với 2,14%), hàm lượng MR2 cao gần bằng sâm Ngọc Linh tự nhiên trên 10 năm (0,95% so với 1,03%). Sản phẩm này đang giúp ích cho nhiều bệnh nhân trên cả nước trong hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh, đặc biệt là các bệnh liên quan đến gan, phổi, tiểu đường và ung thư. Một lần nữa, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH-CN ghi nhận những đóng góp của ông bằng việc trao tặng Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho “Quy trình sản xuất sản phẩm chiết xuất sinh khối sâm Ngọc Linh Việt Nam và sản phẩm thu được từ quy trình này” vào tháng 5/2018.

 

Với những đóng góp đáng kể trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, năm 2018, giảng sư Thích Huệ Đăng vinh dự nhận bằng tiến sĩ danh dự về kỷ lục của Đại học Kỷ lục thế giới, vinh danh “Nhà sư đầu tiên là tác giả và là nhà khoa học được cấp bằng sáng chế tại Việt Nam”. Cũng trong năm 2018, ông được TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam bầu giữ chức Phó Trưởng ban Phật giáo quốc tế phụ trách đối ngoại các cơ quan nghiên cứu ứng dụng khoa học và kỹ thuật. Công ty Sâm Ngọc Linh do sư ông làm Chủ tịch HĐQT được trao giải Sao vàng đất Việt.

 

Kính thưa Hòa Thượng Thích Huệ Đăng,

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận quyển sách thầy đề tặng, Thủ tướng đã đọc kỹ và yêu cầu con viết thư gửi lời cảm ơn của Thủ tướng tới thầy. Thầy đang sống cuộc đời tận hiến với những thành tựu thật đáng ngưỡng mộ. Thầy là tấm gương lớn về sự tận tụy và cống hiến. Thủ tướng mong thầy tiếp tục có nhiều đóng góp cho đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc và nghiên cứu khoa học. Kính chúc thầy có nhiều sức khỏe, tiếp tục có nhiều đóng góp cho Tổ quốc.

 

Con xin gửi tới thầy lời chào kính trọng,

Nguyễn Hoàng Anh

Thư ký của Thủ tướng Chính phủ

 

TRẦN THANH HƯNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek