Giới khoa học vừa công bố phát hiện thú vị mới khi một trong những mẫu đá mà phi hành đoàn tàu Apollo 14 thu thập được trên Mặt Trăng từ nhiều thập kỷ trước dường như có nguồn gốc từ Trái Đất.
Mẫu vật này là loại đá lâu đời nhất được biết đến, được hình thành vào khoảng thời gian hành tinh của chúng ta được hình thành. Trước khi giới khoa học công bố phát hiện này, những tảng đá lâu đời nhất được biết cho đến nay có niên đại khoảng 2 tỉ năm tuổi. Trong khi loại đá này được cho là được hình thành từ 4 đến 4,1 tỉ năm trước.
Trung tâm Khoa học và Khám phá Mặt Trăng của NASA cho biết, mẫu vật chứa một số khoáng chất bao gồm thạch anh, fenspat và zircon. Những vật liệu này thường được tìm thấy trên Trái Đất, nhưng rất hiếm trên Mặt Trăng. Một phân tích hóa học cũng cho thấy nó được hình thành trong điều kiện trên Trái Đất, làm dấy lên nhiều hoài nghi rằng phải chăng đây chính là trong số những mảnh vỡ bắn ra trong các vụ va chạm giữa Trái Đất và thiên thạch từ thuở sơ khai.
Một giả thuyết khác mà các nhà nghiên cứu hướng tới đó là mẫu đá này phải được hình thành sâu bên trong Mặt Trăng nhưng giả thuyết này là rất khó xảy ra, và hiện vẫn còn là ẩn số khi nó lại được tìm thấy trên bề mặt thay vì ở phần lõi của Mặt Trăng. Hiện nguồn gốc của hòn đá này vẫn đang tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi trong giới khoa học.
Theo VOV