THIẾU SỰ CHỦ ĐỘNG
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Tá; “Sở dĩ có sự lãng phí lớn về TBDH trong giảng dạy theo chương trình sách giáo khoa mới là do thiếu sự chủ động trong quá trình triển khai từ Bộ GD – ĐT đến địa phương”. Ông Tá, cho biết: Đây là năm thứ 5 thực hiện chương trình SGK mới. Nhưng SGK thì cứ đi trước còn thiết bị thì đuổi sau. Vì vậy, dù cho ngành giáo dục chọn những nhà sản suất TBDH có uy tín như Công ty thiết bị giáo dục 1 (Hà Nội), Công ty thiết bị giáo dục 2 (TP Hồ Chí Minh), Công ty Sách và thiết bị Đồng Nai... thì cũng không thể tránh khỏi những hạn chế nhất định.
Sử dụng thiết bị dạy học mới mang tính tự phát chứ chưa tự giác - Ảnh: M.THÚY
Theo phản ánh của các trường TH, THCS, không ít bộ thiết bị, đồ dùng thí nghiệm “có vấn đề” như một số bộ cài chữ (dành cho học sinh ghép chữ) bị lỏng lẻo, xô lệch. Lại có bộ quá chặt, rất khó ghép. Đôi khi đo cho những người bình thường, nhiệt kế lại chỉ 35 độ hoặc 39 độ. Lực kế dùng trong môn Vật lý cũng không chính xác, do lò xo không đảm bảo chất lượng… Những sai sót này chỉ đến khi đưa thiết bị về cơ sở sử dụng mới phát hiện ra. Có nơi thì đành dùng tạm, có nơi đem đổi và phải chờ đợi mất thời gian. Trong trường hợp nào thì cũng làm cản trở đến chất lượng của quá trình dạy và học.
Thiết bị đưa về địa phương muộn và không đồng bộ dẫn đến lãng phí, một phần vì các huyện đợi đến khi nắm được số kinh phí được cấp mới đăng ký số lượng các bộ thiết bị, đồ dùng cần mua. Trong khi đó các công ty được Bộ GD –ĐT cho phép cung cấp thiết bị, đồ dùng phục vụ chương trình SGK mới phải cung cấp cho tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc, tiến độ đưa TBDH về địa phương thường chậm.
Thực tế trên diễn ra đã nhiều năm, nhưng tại sao Bộ GD – ĐT và ngành giáo dục địa phương vẫn không khắc phục được? Một phần là do khi báo cáo địa phương nào cũng không “nói thật nói thẳng”. Năm học 2006 – 2007, danh mục thiết bị cần mua đã được Sở GD – ĐT xây dựng xong nhưng do chờ Sở Tài chính thẩm định giá và UBND tỉnh phê duyệt, nên Phú Yên tiếp tục chậm trong việc đưa TBDH vào giảng dạy. Ông Huỳnh Kim Hà, Phó trưởng phòng Kế hoạch – Kinh doanh (Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Phú Yên), nói: “Chậm là do công tác đấu thầu quá trễ cũng như thủ tục quá phức tạp, rườm rà… Từ lúc mở thầu đến lúc ký kết mất hàng tháng trời. Chính vì vậy nhà sản xuất chỉ sản xuất cầm chừng, vừa làm vừa chờ”. Được trao quyền chủ động, nhưng không biết tận dụng sự chủ động này, lỗi ấy là do thiếu sự phối hợp đồng bộ và kịp thời giữa các ban ngành.
GIÁO VIÊN “ TÁT NƯỚC THEO MƯA”
So với chương trình cũ thì chương trình SGK mới không chỉ chú trọng đến việc truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho học sinh mà còn chú trọng rèn cho học sinh phương pháp suy nghĩ đánh giá vấn đề, nâng cao đức, trí, thể, mỹ. Để thực hiện đạt hiệu quả chương trình giảng dạy này, TBDH phải được sử dụng trong mỗi giờ học. Đặc biệt, với những môn học thuộc lĩnh vực khoa học – công nghệ, đến 80% trong tổng số tiết dạy phải có TBDH. Trong khi đó, tại nhiều trường, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, giáo viên không có điều kiện để sử dụng TBDH.
Ông Nguyễn Huệ, Trưởng phòng Giáo dục huyện Sông Cầu cho biết: “Khi bắt tay vào thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, mới thấy việc còn những phòng học tạm bợ và trường chưa có phòng thực hành, thí nghiệm theo đúng tên gọi của nó là những thiệt thòi quá lớn cho các em học sinh. Trường lớp không đáp ứng yêu cầu, giáo viên vin vào đó để không sử dụng đồ dùng dạy học, chúng tôi làm sao xử lý đây?”
Thiết bị tồn kho do công tác triển khai bị động từ Trung ương đến địa phương - Ảnh: M.Thúy
Trong vài tiết học mà ngành đã thanh tra, giáo viên tuy đã đạt yêu cầu nhưng không thể căn cứ vào kết quả đó để khẳng định việc đổi mới phương pháp dạy học đã có chuyển biến và đạt được yêu cầu như mong muốn. Mỗi trường vẫn còn một số giáo viên gặp khó khăn trong đổi mới phương pháp dạy học. Thậm chí, có giáo viên khi soạn bài thì soạn theo yêu cầu đổi mới, nhưng khi thực giảng thì vẫn theo phương pháp cũ và đôi khi còn ngại sử dụng đồ dùng dạy học trong một số tiết học!
Sử dụng TBDH trong điều kiện đổi mới thiếu đồng bộ đã khó. Mặt khác, với một lượng thông tin lớn về đổi mới trong chương trình SGK, phương pháp dạy học... nhưng thời gian tập huấn chỉ 3 – 4 ngày như các năm qua là quá ngắn. Giáo viên chỉ mới nghe về đổi mới mà ít được thực hành, và chưa rõ phải đổi mới phương pháp dạy như thế nào! Giáo viên chỉ dựa vào sách giáo viên, tự tìm tòi học tập là chính nên rất lúng túng khi sử dụng TBDH.
Ông Nguyễn Đức Nam, Hiệu trưởng Trường cấp 2 – 3 Tân Lập (huyện Sông Hinh) bày tỏ: “Đối với vùng thuận lợi việc đổi mới phương pháp dạy học mà chương trình SGK mới đặt ra là rất tốt, còn với những vùng mà cơ sở vật chất và điều kiện cho trẻ học tập chưa đủ thì chương trình trở nên khá nặng. Nếu đánh giá một cách khách quan thì chương trình mới chỉ là sự gò ép, đặc biệt là đối với học sinh miền núi”.
Thực ra, việc lãng phí TBDH không phải bây giờ mới đặt ra. Nhưng khi mà chương trình mới đã triển khai để đưa chất lượng chung của giáo dục Việt Nam đi lên thì vấn đề này càng trở nên cấp bách. Bởi vậy, sự thay đổi, giải quyết những bất cập cũng phải được tiến hành trên tổng thể.
THUÝ HẰNG