Thứ Tư, 27/11/2024 03:38 SA
Lãng phí trong sử dụng thiết bị dạy và học theo chương trình sách giáo khoa mới:
Bài 2: Thầy trò chưa thể đổi mới
Thứ Ba, 31/10/2006 14:28 CH

Do thiếu phòng chức năng, thiết bị dạy học của nhiều trường học phải cất trong nhà kho, mỗi khi giảng dạy, giáo viên phải vào lục tìm. Tình trạng này làm cho tgiết bị dạy học bị lãng phí và không phát huy hiệu quả.

 

THIẾT BỊ “CHẠY SÔ”

 

Trường THCS Triệu Thị Trinh (huyện Sông Cầu) có 800 học sinh nhưng chỉ có duy nhất một phòng thiết bị. Trường đã hết sức cố gắng trong việc sắp xếp, quay vòng để học sinh được thực hành các môn Lý, Hoá, Sinh nhưng rất khó. Thầy giáo Nguyễn Văn Thiệu, giáo viên dạy khối lớp 9, cho biết: “Không có phòng chức năng riêng biệt cho từng môn nên mỗi khi đến giờ thực hành, thầy và trò phải tốn rất nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị, vì phải bày biện lại thiết bị dạy học”.

 

Không sử dụng thiết bị thì lãng phí và giờ học kém hiệu quả nên dù khó khăn, các trường vẫn yêu cầu giáo viên cố gắng sử dụng thiết bị. Những ai thấy được cái cảnh thầy cô giáo ở trường THCS An Dương Vương phải bưng bê thiết bị từ nhà kho đến lớp học mới thấy hết được cảnh bất cập, gian khó. Một giáo viên của trường cho biết: “Lớp họcï không có điện, mỗi khi sử dụng đèn chiếu, chúng tôi phải kéo điện hơn 200m, hay muốn sử dụng các mô hình minh hoạ thầy trò phải vào kho lục tìm từng món. Giáo viên dù có nhiệt tình đến mấy cũng không thể cho học sinh thực hành đúng với số tiết quy định”. 

 

061031-thiet-bi-dh.jpg

Không có phòng chức năng, thiết bị giáo dục của Trường An Dương Vương (xã An Thọ, Tuy An) phải chất đống trong kho. Mỗi khi dạy, giáo viên phải vào kho lục tìm - Ảnh: M.THÚY

 

Theo quy định, nhà trường phải có những phòng học bộ môn, phòng chức năng được trang bị thiết bị, bàn ghế phù hợp. Học môn nào học sinh chỉ việc di chuyển đến phòng bộ môn đó để học. Tuy nhiên, trong thực tế, qua khảo sát của chúng tôi, toàn tỉnh mới chỉ có 20% trường học có phòng chức năng. Làm sao để giáo viên và học sinh phải sử dụng đồ dùng dạy học chứ không phải cất vào tủ rồi dạy chay? “Chỉ còn cách giáo viên mang theo thiết bị lên lớp. Học xong một tiết lại chuyển thiết bị qua lớp khác” ông Đỗ Công Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Sơn Hà (huyện Sơn Hoà) cho biết. Đây cũng là cách làm của nhiều trường trong thời gian qua nhưng khổ nỗi cứ mang đi mang về, thiết bị bị mất độ chính xác và rơi rớt hư hỏng.

 

Trở lại Trường THCS Nguyễn Thị Định (huyện Tây Hoà) đơn vị vừa hoàn tất 6 phòng học chức năng sau nhiều năm vất vả bê đi bê về các thiết bị dạy học, thầy giáo Bùi Văn Khương, Phó hiệu trưởng, kể: “Có tiết dạy cần sử dụng cái cân, xong tiết học 45 phút, thầy và trò lại bê cân sang lớp khác. Mỗi buổi học phải bê sang 3 – 4 lớp như vậy. Cân thì dễ bị chênh lệch nên giáo viên phải liên tục điều chỉnh lại cho chính xác... Thế thì làm sao có thể đảm bảo tuổi thọ của thiết bị được lâu dài để mà dạy?”

 

Không đòi hỏi phải có nhiều phòng chức năng như bậc THCS, ở bậc tiểu học, giáo viên và học sinh chỉ “mơ” có được những phòng chức năng như  Âm nhạc, Mỹ thuật... Nhưng với tình trạng phòng học còn tạm bợ, sân chơi, bãi tập chưa đáp ứng được nhu cầu dạy học như hiện nay thì những giờ học của các môn học thiên về thực hành như Âm nhạc, Mỹ Thuật hầu như “bỏ qua”. Ông Trần Ngọc Tường, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học An Thọ, cho biết: “Đặc thù của bậc tiểu học là có nhiều điểm trường. Cơ sở vật chất của các điểm trường không có phòng chức năng nên việc sử dụng thiết  bị ở đây phụ thuộc vào sự chịu khó mang đi mang về của giáo viên. Không có phòng chức năng chúng tôi rất khó trong việc kiểm tra giáo viên sử dụng thiết bị”.

 

“TRẮNG” PHÒNG CHỨC NĂNG, VẪN ĐỔI MỚI (!)

 

Trong 5.288 phòng học hiện nay trong toàn tỉnh có đến trên 1.200 phòng học bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều trường học sinh vẫn phải học với những tấm bảng làm bằng xi măng vôi vữa loang lổ. Học trò lớp 1 có nơi phải đứng để viết bài vì bàn cao quá… Phương tiện dạy và học cơ bản nhất còn phải chắp vá như thế thì làm sao những thiết bị có giá trị hàng tỷ đồng theo yêu cầu của chương trình mới có thể vận dụng được? Sự thiếu đồng bộ về cơ sở vật chất đã khiến cho giáo dục ở một số địa phương gặp nhiều bất lợi. Ông Nguyễn Đình Thương, Phó hiệu trưởng trường cấp 2 – 3 Sơn Thành cho biết: “Trong khi giáo viên ở các vùng thuận lợi đã đưa giáo án điện tử vào giảng dạy thì thầy trò chúng tôi vẫn còn phải học trong những lớp học lụp xụp. Giáo viên thường “ngại” các hình thức dạy học tích cực cho học sinh, không phải vì họ không làm được mà mỗi lần tổ chức là mỗi lần chuẩn bị mất rất nhiều thời gian, công sức”.

 

Thực tế các tiết dạy theo phương pháp dạy học tích cực thường rất ít khi được tổ chức cho học sinh, chỉ khi nào có tiết thao giảng, dự giờ thì giáo viên mới dùng đến. Đây là thực trạng đang diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các trường trong thời gian qua. Một giáo viên cho biết: “Một ưu điểm nổi bật của chương trình sách giáo khoa mới là sự tăng cường kênh hình, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu bài giảng hơn nhưng lại là khó khăn với những nơi chưa có phòng chức năng. Tuy giáo viên rất muốn khắc phục tình trạng này bằng cách tự làm đồ dùng dạy học nhưng áp dụng thường xuyên cũng có những điểm khó, vì nó đòi hỏi học sinh phải chuẩn bị đồ dùng học tập để trình bày trước lớp như: bút dạ, giấy khổ to, băng dính hai mặt hoặc nam châm… Những thứ này không phải lúc nào thầy, trò cũng sẵn”.

 

Mặc dù thiết bị dạy học chưa được sử dụng khá phổ biến là vậy, nhưng sau gần 5 năm thực hiện dạy và học theo chương trình mới, trường nào cũng báo cáo đều hoàn thiện các chỉ tiêu thi đua mà ngành đặt ra, trong đó, có vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy(!)

 

Ông Nguyễn Đắc Trung cho biết: “Vì trường tôi không có phòng chức năng nên việc sử dụng thiết bị dạy học bị hạn chế. Điều này không thể quy cho giáo viên là không đổi mới trong dạy học được. Vì vậy, chúng tôi đánh giá đổi mới phương pháp dạy học trên tình hình thực tế của trường”.

 

Những trường đã đạt chuẩn quốc gia sử dụng đạt hiệu quả thiết bị dạy học thì quá trình dạy và học đổi mới là điều tất nhiên. Các trường không có phòng chức năng nhưng căn cứ vào thực tế “trắng” phòng chức năng cũng cho rằng mình đổi mới rõ ràng là điều rất hình thức và không thực chất. Tình trạng cơ sở vật chất không theo kịp yêu cầu đổi mới như đã đề cập trên, nếu không kiểm tra và có hướng giải quyết kịp thời thì ngoài sự lãng phí, học sinh của tỉnh còn chịu thiệt thòi là không được thụ hưởng những giá trị ưu việt của chương trình đổi mới phương pháp dạy học mang lại.

 

 THUÝ HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek