Thứ Ba, 01/10/2024 22:43 CH
Lãng phí trong sử dụng thiết bị dạy và học theo chương trình sách giáo khoa mới
Chủ Nhật, 29/10/2006 08:02 SA

Bài 1: Thiết bị “trùm mền”

 

Một trong những yêu cầu quan trọng của chương trình sách giáo khoa mới là đổi mới phương pháp dạy học, trong đó thiết bị dạy học là công cụ không thể thiếu để giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy. Thế nhưng, cho đến nay, sau gần 5 năm triển khai chương trình sách giáo khoa mới, nhiều trường ở Phú Yên vẫn lo “chẳng thể đổi mới được” vì thiết bị dạy học chưa có hoặc nếu có cũng chỉ “nằm đó mà chờ”.

 

CHƯA CÓ: CHỜ!

 

Năm học 2006 – 2007 là năm đầu tiên tiến hành thay sách giáo khoa lớp 5 và lớp 10. Vì vậy, vấn đề sách giáo khoa và thiết bị dạy học (SGK, TBDH) ở hai khối lớp này được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, khi năm học mới đã khai giảng 2 tháng, giáo viên vẫn chưa thấy TBDH méo tròn ra sao!

 

061029-do-dung.jpg
Thiết bị giảng dạy, học tập ở trường THCS An Dương Vương (xã An Thọ, huyện Tuy An) chứa trong... nhà kho của hợp tác xã - Ảnh: M.Thúy

 

Năm đầu tiên triển khai chương trình SGK mới, thiết bị giáo dục được đưa về các địa phương khá trễ. Có nơi hết học kỳ 1 nhưng thiết bị vẫn chưa về. Khi thiết bị về lại không đồng bộ, chất lượng kém nên có cũng như không. Những người có trách nhiệm lý giải rằng: Do chờ SGK in xong hoặc được duyệt nội dung chương trình rồi mới tiến hành sản xuất TBDH nên chất lượng không đảm bảo. Hơn nữa việc mua sắm ở các địa phương thường được chỉ định, nên người mua rất khó chọn được đơn vị cung cấp theo ý mình. Để khắc phục tình trạng này, trong năm học 2005 – 2006, Bộ GD – ĐT yêu cầu các địa phương mua sắm TBDH nói chung và thiết bị phục vụ chương trình học đều phải thông qua đấu thầu để có thể lựa chọn được đơn vị cung cấp thiết bị nhanh nhất, chất lượng, giá cả phù hợp… Những tưởng quy định này sẽ khắc phục được tình trạng chậm trễ và không đảm bảo chất lượng trong việc cung cấp TBDH, nhưng vẫn phải đợi đến hết học kỳ 1, các trường mới nhận được thiết bị.

 

Năm học 2006 – 2007, việc mua sắm thiết bị có hai điểm mới là mẫu thiết bị giáo dục do Hiệp hội thiết bị đảm nhiệm; Bộ GD – ĐT không ban hành giá mà giao về cho các địa phương tự làm, đồng thời dành quyền cho địa phương lựa chọn xây dựng kế hoạch một số danh mục để trang bị phù hợp với yêu cầu thực tế. Ở Phú Yên, kinh phí mua sắm TBDH năm nay hơn 8,4 tỷ đồng. Theo kế hoạch, những thiết bị của hai khối lớp 5, lớp 10  sẽ được đưa vào sử dụng trong tháng 10. Nhưng kế hoạch này xem ra khó thực hiện kịp bởi đến nay, danh mục thiết bị chỉ mới hoàn thành khâu xây dựng kế hoạch, còn chờ duyệt giá và tổ chức đấu thầu. Ngần ấy công đoạn, có lẽ học sinh lớp 5, lớp 10 vẫn sẽ phải học “chay” một thời gian. Ông Lê Nhường, Phó giám đốc Sở GD – ĐT cho biết: “Thiết bị năm nay vẫn tiếp tục chậm. Hiện ngành giáo dục cũng đang bị động vì chờ duyệt giá và tổ chức đấu thầu. Có lẽ phải đến cuối học kỳ 1 mới có mà đưa về cho các trường”.

 

CÓ: CHƯA CHẮC ĐÃ SỬ DỤNG(?!)

 

Đó là trường hợp của Trường cấp 2 – 3 Sơn Thành (huyện Tây Hòa). Tất cả trang thiết bị có giá trị hàng tỷ đồng từ lớp 6 đến lớp 9 phải dồn vào kho. Bàn ghế thực hành chồng lên nhau, dụng cụ thực hành thì đóng gói, chẳng dám mở ra vì sợ vỡ. Kho rộng chưa đến 20 m2, chồng chất hàng trăm bộ thiết bị đủ loại cứ cao dần lên theo mỗi lần thay sách. Ông Trần Quốc Nhuận, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Năm học 2003 – 2004, ngành giáo dục hỗ trợ xây dựng cho trường một phòng thiết bị. Gần đây, số lượng học sinh phát triển mạnh, không đủ phòng học nên nhà trường đành phải lấy phòng này ngăn đôi làm hai phòng học. Vậy là, thiết bị đành phải xếp vào kho”.

 

061029-do.jpg

Thiết bị dạy học của Trường cấp 2-3 Sơn Thành phải chất đống trong kho vì phòng thiết bị phải tận dụng để làm phòng học - Ảnh: M.Thúy

 

Tại Trường THCS An Dương Vương (huyện Tuy An), việc sử dụng TBDH thiết bị dạy học ở đây còn nan giải hơn. Năm 1998, Trường được tách từ trường phổ thông cơ sở An Thọ, thế nhưng vẫn phải dùng chung cơ sở cũ cùng với trường tiểu học. Cũng phòng học ấy, bàn ghế ấy, sáng thì lớp 6, chiều thì lớp 1 học. Bàn ghế quá thấp đối với học trò lớp 6, song lại quá cao đối với những đứa trẻ mới bước vào bậc tiểu học. Phòng học còn thiếu, nói chi đến phòng thiết bị cho nên không có gì ngạc nhiên khi ông Trần Ngọc Quang, Hiệu trưởng Trường THCS An Dương Vương cho hay dãy nhà xập xệ cách chừng 200 m ở bên kia trường, là nơi chứa TBDH.

 

Phú Yên hiện có 424 trường học, trong đó bậc TH có 159 trường, THCS: 100 trường, THPT: 27 trường. Ngoài 9 trường THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia, hầu hết các trường phổ thông đều không có hoặc có cũng không đủ phòng để đặt thiết bị đồ dùng dạy học.

Hai căn phòng được trưng dụng làm kho đựng thiết bị của 2 trường vốn là phòng chứa thuốc bảo vệ thực vật của hợp tác xã, đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng vì không còn chỗ nào để chứa nên đành phải mượn tạm. Ông Nguyễn Đắc Trung, Hiệu trưởng trường tiểu học, cho biết: “Thiết bị của cấp 1 không phức tạp như cấp 2 nên chúng tôi giao cho giáo viên quản lý mang đi mang về trong quá trình dạy học. Vì thế, trong kho chỉ còn những vật dụng phức tạp như kèn, cân…”.

 

Ông Quang nói thêm: “Mùa mưa bão đang đến, chúng tôi lo nhà kho này bị sập sẽ không biết chuyển thiết bị đi đâu”.

 

Cũng “nhốt” thiết bị vào kho, ông Lê Hải, Hiệu trường Trường cấp 2 – 3 Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) bức xúc: “Đây đã là năm thứ 5 thực hiện chương trình sách giáo khoa mới. Nhưng vì không có phòng chức năng nên thiết bị đưa về là chúng tôi phải bỏ vào kho. Thiết bị “trùm mền”, thầy – trò phải dạy chay, học chay, tiếc lắm!”    

 

Học theo chương trình SGK mới, riêng kinh phí đầu tư cho TBDH trong mỗi năm học từ 5 – 10 tỷ đồng. Song chỉ 10% trong tổng số thiết bị được cung cấp phát huy tác dụng. Lãng phí không kể xiết!

 

KỲ SAU: THẦY TRÒ CHƯA THỂ ĐỔI MỚI

 

Thiếu phòng chức năng nên nhiều giáo viên phải bê đi bê về thiết bị dạy học. Phương tiện dạy và học cơ bản nhất còn chắp vá thì làm sao đổi mới phương pháp giảng dạy?

 

THÚY HẰNG

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek