Hãy để bé tự sáng tạo theo cảm xúc , nhận thức của mình - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
Ai cũng hiểu rằng tâm hồn trẻ em như tờ giấy trắng lại hiểu thêm rằng, dạy trẻ quả thật là khó.
Tuổi thơ có một tâm hồn nhạy cảm. Đối với các em, thế giới xung quanh chứa đựng bao điều mới lạ, hấp dẫn. Ngay trong cái tưởng như bình thường, giản dị, các em cũng có thể phát hiện ra ở đó bao điều kỳ diệu. Hơn một nửa quan niệm của thiếu nhi về thế giới xung quanh chưa hề bị một khuôn phép cứng nhắc nào gò bó. Mọi thứ đều có thể thiên biến vạn hóa một cách hết sức linh hoạt. Ta hãy nhìn xem, với trẻ lên 2-5 tuổi, hầu như các vật dụng trong nhà đều là đồ chơi của các em, và các em cho rằng đồ chơi quan trọng hơn đồ dùng. Bởi thế cho nên khi bà mẹ bảo đưa cái ghế cho mẹ ngồi, bé bảo, không phải, đây là xe ô tô của con. Và rồi, chiếc gậy của ông nội là “con ngựa” của bé, rồi lúc khác lại thành khẩu súng hay cái cày… Tính linh hoạt trong cách nghĩ, cách cảm là điều kiện cần cho hoạt động sáng tác nghệ thuật, mà năng khiếu nghệ thuật thường nảy sinh từ thuở thiếu thời, có thể là nhờ gen của bố mẹ, cũng có thể là không.
Khi các em vẽ một bức tranh hay hí hoáy làm thơ, hãy để cho các em tự do bay bổng cùng trí tưởng tượng. Không nên can thiệp một cách cứng nhắc khiên cưỡng, bắt các em phải vẽ, phải viết theo cách cảm, cách nghĩ của người lớn. Có bà mẹ khi thấy con làm bài tập mỹ thuật, vẽ con gà xanh màu lá cây, đã vội la lên, bắt con tẩy đi để tô lại màu vàng, đỏ cho “giống con gà thật”. Khi đó người mẹ đâu hiểu con mình đang thả trí tưởng tượng như thế nào để “quyết định” vẽ con gà màu xanh, và với một tác phẩm mỹ thuật thì đâu phải là “bức ảnh chụp”. Lại có ông bố thường có thơ đăng trên một số tờ báo, dạy con theo “nghiệp” của mình. Em cũng tỏ ra có chút “di truyền” từ bố nên từ nhỏ cũng làm được một số bài thơ ngắn. Rồi người ta thấy càng ngày, thơ của cháu càng “già” như thơ người lớn, với khẩu khí, cách triết lý, dùng từ… còn cứng hơn kiểu “người lớn nhại trẻ con”, có người khen là “con bé khôn trước tuổi” nhưng nhiều người nhận ra “dấu bút” của người lớn trong thơ của trẻ. Sự “tác động” quá sâu của người lớn vào tác phẩm của trẻ em, sẽ làm thui chột sức sáng tạo của trẻ, làm mất đi vẻ hồn nhiên như nhiên cần có trong thơ của trẻ.
Có anh bạn viết một truyện ngắn dự thi, đề tài thiếu nhi, nội dung câu chuyện rất cảm động. Thật là thuyết phục bạn đọc nếu anh cứ ghi tên mình – hoặc bút danh của mình vào dòng tác giả. Đằng này anh lại lấy tên đứa con gái mới học lớp 5. Đọc những câu văn già dặn đến mức người lớn không có khiếu viết văn không viết được, ai cũng nhận ra sự “nhầm lẫn” đáng tiếc này. Cháu bé con anh lúc đầu rất hãnh diện khi truyện ngắn “của” mình được đăng báo, nhưng sau đó trước thầy cô, bạn bè thì tỏ ra bối rối, thẹn thùng. Quả là “bố đã hại con”.
Hãy để trẻ tự do phát triển tài năng sáng tạo của mình. Sự dẫn dắt của người lớn là cần có, nhưng không nên tác động sâu vào toàn bộ quá trình hình thành tác phẩm của trẻ, có chăng, là sự “uốn nắn” về kỹ năng: trong thơ là cách gieo vần, các “luật thơ”,…, trong hội họa là cách vờn tỉa, tạo nét, tạo măng, cách pha màu, cách bố cục,… còn viết gì, vẽ gì, như thế nào hãy để các em thoải mái, tự do. Sự gò ép khiên cưỡng của người lớn sẽ làm mất cảm hứng sáng tạo của trẻ. Mà mất cảm hứng thì lấy đâu ra tác phẩm tốt (ngay cả với người lớn).
Trong sáng tạo của trẻ, cái hay, cái hấp dẫn nhất là ở sự hồn nhiên, tươi mới, những phát hiện về đời sống xung quanh một cách ngộ nghĩnh. Chiếc lá băng rơi mà hình dung ra “Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” thì chỉ cậu bé Trần Đăng Khoa 9 tuổi mới có được. Nhớ trong lần tổ chức cho các cháu ở Nhà thiếu nhi Phú Yên tham gia làm bức tranh tường “Vì hòa bình”, các họa sĩ Hàn Quốc và Vụ Mỹ thuật – Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương đã để cho các cháu tự do thoải mái sáng tác tranh của mình. Trên mỗi viên gạch lá 20 x 20, các em đã sử dụng các chất liệu để “đắp” nên những tác phẩm rất sinh động, hấp dẫn. Có em đắp cờ của 2 nước Việt – Hàn, có em làm một bức tranh quê có nhà cửa, cánh đồng; lại có em chỉ đắp một con cá đang nhảy khỏi mặt nước… 600 bức tranh nhỏ là 600 đề tài riêng, họp lại trong một đề tài lớn “Hòa bình”, là tiếng nói của tuổi thơ, khát vọng của mọi người. Các họa sĩ chỉ bày cho các cháu cách sử dụng chất liệu hội họa.
Hướng dẫn giáo dục thẩm mỹ cho thiếu nhi qua hoạt động sáng tác trong và ngoài nhà trường mà cứ áp đặt những suy nghĩ của sự già dặn, từng trải, hay bắt các em phản ánh đề tài một cách chung chung để mọi người hiểu thế nào cũng được, là điều không nên. Những ý tưởng của thiếu nhi thường đột phá không theo một quỹ đạo nào cả. Các em không tính đến cái gọi là “chiều sâu” của bức vẽ, của bài thơ; hay “sáng tác” bằng cảm nhận tư duy thế này, ẩn ý thế nọ. Chúng ta cũng không thể đọc sáng tác của thiếu nhi theo một chiều hướng quá sâu sắc. Trong quá trình quan sát thiên nhiên, quan sát sự vật, đồ vật, những so sánh liên tưởng, tưởng tượng dự cảm sẽ diễn ra. Như vậy, những cảm xúc, tư tưởng của thiếu nhi đã được biểu hiện trong tác phẩm mà chính cá nhân các em trực tiếp khám phá.
Những em có năng khiếu thực sự rồi sẽ trở thành những thi sĩ, nghệ sĩ tài hoa, nếu có sự lao động sáng tạo nghiêm túc. Chúng ta – những ông bố, bà mẹ, cả các thầy cô giáo… không nên nóng vội!
HỒ HẢI HIỀN