Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lần hai. Trong khi nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay sẽ thấp thì nhiều thí sinh lại tỏ ra chủ quan, số khác lại tỏ ra lo lắng.
TỶ LỆ TỐT NGHIỆP THẤP?
Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hoà) thi học kỳ 2 năm 2006 - 2007 - Ảnh: D.T.XUÂN
Kết thúc năm học 2006 – 2007, ngành giáo dục thừa nhận thực tế chất lượng giáo dục còn nhiều yếu kém. Cụ thể nhất là trong kỳ thi thử trắc nghiệm ba môn Vật lý, Hoá học, Sinh học do Bộ GD – ĐT tổ chức, Phú Yên chỉ có 16,5% học sinh thi môn Vật lý, 29,2% thi môn Hoá học, 58,4% thi môn Sinh học đạt điểm 5 trở lên. Kết quả này được đánh giá là quá thấp so với cả nước. Nhiều giáo viên cho biết: Thi trắc nghiệm tuy không mới nhưng giáo viên chưa thích ứng kịp với hình thức này. Vì vậy, dù ngày thi đã cận kề nhưng cả giáo viên lẫn học sinh đều phải chạy “nước rút” để hệ thống kiến thức bài học.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2007 ở Phú Yên diễn ra tại 34 hội đồng thi, 715 phòng thi với hơn 11.000 thí sinh. Những trường được đặt hội đồng coi thi là những trường trung học kiên cố, có tường rào bảo vệ xung quanh, đủ 12 bộ bàn ghế 4 chỗ ngồi, có phòng hội đồng, phòng làm việc của lãnh đạo hội đồng thi, có tủ niêm phong đề thi, bài thi an toàn. Ngoài hai thanh tra do Bộ GD-ĐT ủy quyền, mỗi hội đồng thi còn được bố trí một thanh tra của tỉnh và 5 – 7 cán bộ công an làm nhiệm vụ bảo vệ kỳ thi.
Ông Ngô Minh Hoà, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn bày tỏ: “Tại kỳ thi thử, toàn trường chỉ có 21,2% học sinh thi môn Vật lý, 38,4% thi môn Hoá học, 76,1% thi môn Sinh học đạt điểm trung bình. Để giúp các em làm quen với hình thức thi trắc nghiệm, nhà trường chỉ đạo giáo viên nâng tỷ lệ làm trắc nghiệm trong mỗi bài thi. Ngoài ra, trường còn tổ chức nâng cao kiến thức cho học sinh bằng cách dạy ngoài giờ”. Theo đánh giá của ông Hoà, đến thời điểm này học sinh đã tương đối quen với hình thức thi trắc nghiệm, kỹ năng đã khá tốt.
Những cái mới thường khó thích nghi. Các em học sinh cũng như thầy cô giáo cần có thời gian để hình thành kỹ năng cũng như đạt yêu cầu về mặt kiến thức. Theo dự đoán của các thầy cô giáo, năm nay tỷ lệ tốt nghiệp của các trường chắc chắn sẽ thấp hơn những năm trước, bởi ngoài nguyên nhân có đến ba môn trắc nghiệm còn có một nguyên nhân nữa, đó là Bộ siết chặt kỷ cương thi cử.
THI HAI LẦN: HỌC SINH CHỦ QUAN
Việc Bộ GD – ĐT chủ trương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của Sở GD – ĐT cũng như các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều sở cũng băn khoăn liệu khi thi tốt nghiệp lần 2 có gặp tâm lý “tháo khoán” hay không? Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Văn Vọng khẳng định: “Đây không phải là thi tháo khoán, nên vẫn phải làm chặt. Ước tính tỷ lệ thi lại chiếm khoảng 50%”.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ ôn luyện kiến thức để chuẩn bị thi tốt nghiệp - Ảnh: MẠNH THÚY
Được thi hai lần nên không ít học sinh chủ quan trong việc ôn luyện. Một học sinh của Trường THPT Lê Lợi cho biết: “Ngay sau khi biết được thi lại lần hai, nhiều bạn ỷ lại nên không còn chăm chỉ học tập như lúc đầu”. Tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến ở học sinh thuộc khu vực miền núi và những em có học lực trung bình. Các em cho rằng đậu đợt một hay đợt hai cũng không có gì khác nhau, vì các em có rất ít khả năng cạnh tranh vào trường ĐH, CĐ trong năm đầu tiên.
Các chuyên gia giáo dục khuyến cáo: Để làm tốt các bài thi theo hình thức trắc nghiệm, học sinh phải đạt được ba mức độ: kiến thức – thông hiểu – áp dụng. Thế nhưng, không ít học sinh vẫn nuôi hy vọng “trúng tủ” theo phương pháp tự luận trước đây. Em Nguyễn Thị Hồng Anh, một học sinh của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh bày tỏ: “Học trường chuyên nên tụi em thường tập trung cao vào các môn chuyên, những môn còn lại chỉ cầm chừng. Vì vậy, khi thi trắc nghiệm, tụi em rất lo kiến thức mình chưa đủ độ bao quát”. Còn em Trần Huy Thức, học sinh Trường Ngô Gia Tự cho biết: “Ngoài bộ đề ôn thi trắc nghiệm của Bộ GD – ĐT, tụi em còn tìm hiểu qua nhiều loại sách tham khảo khác nữa nhưng càng ôn càng thấy rối. Dù sao nếu có rớt đợt một, tụi em còn có đợt hai cứu vãng”. Chủ trương của ngành GD – ĐT, dù đợt 1 hay đợt 2 vẫn tổ chức nghiêm túc, nên những học sinh yếu nếu không được ôn luyện kỹ càng thì dù có thi lần hai chưa hẳn đã đậu.
Ông Trần Văn Chương, Giám đốc Sở GD – ĐT, Phó ban chỉ đạo thi năm 2007 tỉnh Phú Yên khẳng định: “Đây là kỳ thi đầu tiên thực hiện cuộc vận động “hai không” nên toàn ngành quyết tâm thực hiện mùa thi an toàn, nghiêm túc, phản ánh đúng chất lượng dạy và học của các trường THPT, từ đó đề ra những biện pháp tích cực, có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong những năm đến. Vậy nên, học sinh không nên có tâm lý chờ vào kỳ thi lần hai với mục đích “tháo khoán”. Tôi mong các bậc phụ huynh cần động viên và tạo điều kiện cho con em bước vào kỳ thi với tâm thế độc lập suy nghĩ trong làm bài để đạt kết quả ngay từ lần thi thứ nhất”.
THÚY HẰNG