Thứ Bảy, 05/10/2024 22:23 CH
Trao quyền chủ động học tập cho học sinh
Thứ Ba, 13/02/2007 07:10 SA

Rất nhiều học sinh cho rằng “không bằng lòng kết quả đã đạt”. Khi hỏi vì sao, mỗi em nêu một nguyên nhân nhưng tựu trung là chưa tập trung trong giờ học, chưa chú ý nghe giảng, còn làm việc riêng, chưa học bài cũ, chưa chuẩn bị bài mới… Như vậy các em đã tự nhận biết khuyết điểm của mình, có điều tất cả những gì các em nhìn thấy đều thuộc phạm trù ý thức. Để có ý thức đúng, cần giáo dục, nhắc nhở; để có phương pháp đúng, phải hướng dẫn, uốn nắn. Người làm thầy muốn giữ được đạo dạy người phải chú tâm thực hiện cả hai.

 

Theo tôi, hiện nay phần nhiều người dạy tập trung nhắc nhở phần ý thức, còn chỉ phương pháp cho người học thì chưa được bao nhiêu. Muốn chỉ ra phương pháp học sao cho có hiệu quả, đòi hỏi người hướng dẫn phải có năng lực, có bản lĩnh và cả tấm lòng của người thầy dành cho trò.

 

Nhìn cách học của số đông học sinh chúng ta hiện nay, có thể ví như người đi taxi tìm địa chỉ nhà. Để dễ hiểu có thể nói thế này: Một người muốn tìm nhà người quen, trong tay có địa chỉ nhưng vì chưa đến lần nào nên chưa biết nhà, họ gọi taxi đưa đi. Người lái xe căn cứ tên đường và số nhà đưa khách đến đúng địa chỉ cần tìm. Lần sau, cũng địa chỉ ấy, người đã một lần đi bằng taxi sẽ không tự tìm được ngôi nhà cần đến và anh ta lại nhờ taxi đưa đường. Một người khác đi bằng phương tiện xe máy, họ tự lần ra nhà bạn mình dù trên đường phải vừa đi vừa hỏi và chắc chắn lần sau anh ta sẽ tự đi một mình đến đích mà không cần ai hướng dẫn. Rõ là cái gì mình tự khám phá thì biết và nhớ lâu, còn cái gì nhờ người khác làm hộ thì không có được sự hiểu biết sâu sắc.

 

Quan sát có thể thấy, cách học của con em chúng ta bây giờ không phải theo kiểu đi taxi là gì? Thử hỏi có bao nhiêu em học theo kiểu đi đường tìm nhà bằng phương tiện tự lái? Hầu như lối học nhồi nhét, đọc chép rồi trả bài vẫn được sử dụng rộng rãi, phổ biến. Từng kiểu bài tập, từng đề cương bài học đều được người thầy chuẩn bị sẵn. Người học không cần sáng tạo, không cần tư duy nhiều. Sách hướng dẫn học tốt, sách giải bài tập được bày bán đầy tiệm. Tự nhiên người tích cực học tập chỉ cần là người biết đọc và làm theo sách mà không cần suy nghĩ, sáng tạo làm gì cho nhọc óc. Học như vậy sẽ đạt điểm cao, học như vậy được cho là tốt. Cuối cùng hậu quả là chúng ta có một thế hệ “học  sinh công nghiệp” thiếu linh hoạt, năng động và sáng tạo giống như những con gà công nghiệp chỉ biết ăn món cám tổng hợp do người nuôi cung cấp chứ không biết tự tìm những thức ăn  bổ dưỡng có sẵn trong thiên nhiên.

 

Theo tôi, người thầy cần hướng dẫn học sinh thật tốt trong việc tìm hiểu nguyên lý và rèn kỹ năng thực hành chứ đừng làm khó học sinh qua kiểm tra đánh giá. Nói ví von, nên bắt đầu dạy học sinh bài tập ba cộng bốn chứ đừng hỏi tám cộng chín bằng bao nhiêu. Vì người học chỉ có thể tính toán từ việc xoè hai bàn tay với một bên có ba ngón và một bên có bốn ngón để tìm kết quả chứ không thể cùng lúc xoè bốn bàn tay để tập đếm. Người ta không thể bắt đầu mọi công việc từ cái người ta không có. Cái chúng ta cần là học sinh hiểu nguyên lý vận động sự vật để biết vận dụng  vào đời sống chứ không phải là sự đánh đố, bắt bí lẫn nhau nhằm chứng minh hay khẳng định điều gì.

 

Mặt khác, muốn việc dạy đạt kết quả cao, luôn luôn phải lấy học sinh làm nhân vật trung tâm. Ai từng đứng lớp đều dễ dàng nhận thấy học sinh chúng ta học rất thụ động và luôn bị động. Trong lớp ít khi tìm thấy sự năng nổ, hoạt bát. Người dạy độc diễn mà không biết học sinh nghĩ gì, hiểu bài tới đâu. Lý do là bởi bị động (vì thiếu chuẩn bị) nên phải thụ động (thiếu thái độ sẵn sàng), lẽ tất nhiên là thế. Lâu dần thành thói quen, ít dám nói, ít dám phát biểu, ít dám tranh luận nên khi ra nước ngoài học tập hay vào làm việc công ty nước ngoài cứ như người ngoài cuộc, phải có thời gian làm quen phong cách làm việc mới. Vậy đâu là lối ra?

 

Lâu nay hầu như học sinh chúng ta chỉ tập trung học bài cũ, còn bài mới thì rất ít đụng vào. Đã không đọc trước, nghiên cứu trước, thì đến lớp lấy ý đâu mà trao đổi, thảo luận và thắc mắc. Tất cả lời rao giảng của thầy đều mới mẻ, học sinh ngồi nghe như người hứng nước, có hạt thấm ướt có hạt trôi tuột. Hoá ra cả thầy và trò cùng làm một công việc dù biết hiệu quả không cao.

 

Các thầy hãy bắt học sinh phải đọc sách, phải tìm hiểu nội dung bài mới trước khi đến lớp, phải tự trả lời các câu hỏi gợi ý trong sách giáo khoa. Phần nào đã hiểu, phần nào hiểu lờ mờ, phần nào chưa hiểu, tự các em rõ mình hơn ai hết.  Hôm sau đến lớp, thầy giáo hướng dẫn học sinh trình bày và thảo luận những hiểu biết của mình một cách thoải mái. Người thầy giữ vai trò chủ đạo trong việc vừa chỉ đường vừa làm trọng tài, lắng nghe, giải đáp, cuối cùng gút lại vấn đề và hướng dẫn thêm. Khi đã có sự chuẩn bị các em sẽ thoát khỏi sự bị động và như vậy các em sẽ không còn thụ động, tinh thần tích cực chủ động sẽ được phát huy.

 

Nhiều thầy cứ sợ học sinh không làm được những yêu cầu của mình nên không dám giao việc cho các em mà không nghĩ rằng các em có thể làm được nhiều hơn chúng ta tưởng. Hiện nay, cả thế giới người ta đã và đang dạy-học như thế, chúng ta cũng phải dạy-học như thế. Nếu không muốn tiếp tục tụt hậu để mãi làm người đi sau.

 

CHÁNH LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek