Thứ Hai, 30/09/2024 16:38 CH
Quốc hội thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động
Thứ Sáu, 27/10/2006 20:19 CH

Các nội dung về phân định khái niệm tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; thẩm quyền lãnh đạo đình công; hình thức và đối tượng lấy ý kiến về đình công là những vấn đề chính được nhiều đại biểu cho ý kiến thảo luận trong phiên thảo luận tại Hội trường chiều nay (27/10) về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh điều khiển phiên làm việc.


CẦN PHÂN ĐỊNH GIỮA TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ VỀ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH

 

Khi thảo luận về sự phân định khái niệm tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Một số đại biểu cho rằng, cần phân định tranh chấp lao động tập thể thành tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Qua đó có sự phân định rõ ràng về thẩm quyền và trình tự giải quyết đối với từng loại tranh chấp. Theo đó, đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền, sau khi hoà giải không thành, việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền cũng không đạt được sự nhất trí của các bên thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện ra Toà án, trong trường hợp này tập thể lao động không được tiến hành đình công; đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích sau khi hoà giải không thành, tập thể lao động được tiến hành đình công.


Đóng góp ý kiến cho vấn đề này, các đại biểu Đặng Ngọc Tùng (đoàn thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Thu Hồng (đoàn Thừa Thiên-Huế), Nguyễn Thị Hòa Bình (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động mà khi người sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ các quy định trong pháp luật quy định và cơ quan thẩm quyền của Nhà nước. Còn tranh chấp về lợi ích là tranh chấp mà người lao động đòi hỏi những quyền lợi mới có lợi cho người lao động mà chưa được quy định trong pháp luật lao động hoặc trong các thoả ước lao động. Nếu không có sự phân biệt thì việc giải quyết tranh chấp lao động dẫn đến đình công là rất phức tạp. Trong những năm qua, tranh chấp vì quyền dẫn đến đình công tự phát diễn ra ngày càng nhiều ở nước ta là nguyên nhân từ sự vi phạm pháp luật lao động của người sử dụng lao động, do đó cần phải xử lý kịp thời, nghiêm minh những vi phạm này, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động.


Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng
, không nên phân định thành tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, vì giữa hai loại tranh chấp này có sự đan xen với nhau rất khó phân định; mặt khác, nếu chỉ cho người lao động đình công khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thì sẽ hạn chế quyền đình công của người lao động.

 

BAN CHẤP HÀNH CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ CÓ QUYỀN LÃNH ĐẠO ĐÌNH CÔNG

 

Về thẩm quyền lãnh đạo đình công, một số đại biểu cho rằng, Ban chấp hành công đoàn cơ sở là những người trực tiếp do tập thể lao động tại doanh nghiệp tín nhiệm bầu ra nên chỉ họ mới có thể tổ chức và lãnh đạo tập thể lao động trong doanh nghiệp đình công. Đối với doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở thì nên giao cho Ban chấp hành công đoàn lâm thời hoặc công đoàn cấp trên lãnh đạo đình công. Đại biểu Hoàng Văn Sim (đoàn Hà Tây), Nguyễn Thị Hòa Bình (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, thẩm quyền lãnh đạo đình công giao cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành lâm thời bởi vì tổ chức công đoàn là những người được người lao động tại doanh nghiệp đó tín nhiệm bầu ra, và họ đứng lên để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.


Về hình thức và đối tượng lấy ý kiến về đình công, một số đại biểu
cho rằng cần phải lấy ý kiến trực tiếp người lao động, vì đình công là vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến lợi ích của người lao động, nên cần phải để cho người lao động tự quyết định. Tuy nhiên, một số đại biểu khác lại cho rằng, chỉ cần lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn, tổ trưởng của Tổ công đoàn và Tổ sản xuất là phù hợp, vì trong doanh nghiệp người lao động thường làm việc theo ca, kíp, địa điểm làm việc thì phân tán nên khi tiến hành lấy ý kiến trực tiếp người lao động sẽ rất khó khăn và không có tính khả thi.


Cũng trong buổi thảo luận này, các đại biểu đã cho ý kiến về thành phần Hội đồng hoà giải lao động cơ sở. M
ột số có ý kiến đề nghị bổ sung thêm thành phần trung gian là hoà giải viên cấp huyện hoặc đại diện của cơ quan nhà nước vào Hội đồng hoà giải cơ sở, vì cho rằng trong thời gian qua thành phần của Hội đồng hoà giải lao động cơ sở gồm đại diện ngang nhau của bên người lao động (Ban chấp hành công đoàn) và bên người sử dụng lao động nên không bảo đảm tính độc lập khách quan, hoạt động không có hiệu quả.


Phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm. Đại biểu Nguyễn Thị Hòa Bình (đoàn Thái Nguyên) và một số ý kiến cho rằng cần phải sửa Bộ Luật Lao động một cách toàn diện vì nhiều nội dung của Bộ Luật đã được xây dựng thành các luật khác, đồng thời việc sửa đổi, bổ sung của dự án không chỉ liên quan đến vấn đề đình công và giải quyết đình công ở Chương XIV mà còn liên quan đến nội dung trong các Chương I, Chương XIII, Chương XV và Chương XVI.


Ngày mai, thứ bảy (28/10), Quốc hội nghỉ làm việc.

 

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek