Thứ Bảy, 30/11/2024 08:30 SA
Quốc hội thảo luận các Dự án Luật Đê điều, Luật Chuyển giao công nghệ
Thứ Năm, 26/10/2006 09:53 SA

Hôm qua (25/10), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận các Dự án Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Đê điều.

Các dự án Luật này đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, sau đó đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, cho ý kiến bổ sung.

Tại buổi thảo luận về Dự án Luật Đê điều, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề về xử lý một số công trình vi phạm trong phạm vi bảo vệ đê điều, về nguyên tắc hoạt động trong lĩnh vực đê điều, về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đê điều, về cấp phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều...

Về nguyên tắc hoạt động trong lĩnh vực đê điều, một số đại biểu đề nghị sửa lại khoản 1 thành "Bảo đảm phát triển bền vững; bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia; góp phần phát triển kinh tế - xã hội", bổ sung nguyên tắc góp phần bảo tồn di tích lịch sử văn hóa của dân tộc. Nhiều đại biểu cũng đề nghị thể hiện lại Điều 5 cho rõ hơn theo hướng hoạt động trong lĩnh vực đê điều cần bảo đảm một số nguyên tắc như xây dựng đê phải đi đôi với bảo vệ đê, trong trường hợp vỡ đê phải dùng mọi biện pháp để giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Về cấp phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều, dự thảo quy định: “Khoan, đào hoặc xây dựng công trình ngầm trong phạm vi 1 km tính từ biên ngoài của phạm vi bảo vệ đê điều mà không đảm bảo tỷ lệ cứ khoan, đào sâu thêm 1 mét phải cách xa biên ngoài của phạm vi bảo vệ đê điều thêm 10 mét”; Đại biểu Trần Thị Mai Phương (đoàn Long An), Nguyễn Văn Dũng (đoàn Tiền Giang) cho rằng, quy định như trong dự thảo rất khó khả thi cho vùng đồng bào ven biển và vùng hiếm nguồn nước ngầm. Bởi đối với các vùng này cần có những giếng đào để có nước sinh hoạt, những vùng này phải khoan rất sâu từ 200-300 m, nếu quy định như trong dự thảo thì phải cách khoảng cách rất xa thì người dân mới có thể đào giếng. Như vậy khó đảm bảo được nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đê điều, có ý kiến đề nghị quy định rõ chính sách ưu tiên đối với loại đê đặc biệt, đê biển, đê sông; đồng thời có chính sách từng bước hiện đại hoá hệ thống đê điều của nước ta để kịp thời ứng phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai. Cũng có đại biểu đề nghị cần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư để kiên cố hóa đê điều kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội và có chính sách hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ, lụt. Theo đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắc Nông) nước ta có Uỷ ban Phòng, chống lụt bão Trung ương, nhưng phần lớn là chống, còn việc phòng lụt bão chưa được thể hiện rõ.

Về xử lý nhà cửa, công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông, các đại biểu đề nghị nhà cửa, công trình đã xây dựng trái với quy định của Pháp lệnh đê điều năm 2000 thì buộc phải di dời; đồng thời phải đình chỉ việc xây dựng mới, sửa chữa, cơi nới tại các khu dân cư hiện tại...

Cần quy định rõ hơn những chính sách cụ thể của Nhà nước để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ

Trước đó, trong phần thảo luận về Dự án Luật Chuyển giao công nghệ, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đề cập nhiều vấn đề còn có kiến kiến khác nhau như: chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ; đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ cũng như việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm. Các đại biểu Nguyễn Đình Hương (đoàn Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Thu Hồng (đoàn Thừa Thiên-Huế), Huỳnh Minh Hoàng (đoàn Bạc Liêu) đề nghị cần quy định rõ hơn những chính sách cụ thể của Nhà nước để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường công nghệ ở nước ta; làm rõ nội dung quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ. Đồng thời, đề nghị bổ sung một số điều hoặc một chương quy định về chính sách và hoạt động chuyển giao công nghệ ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Theo đó, Nhà nước phải khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ và khuyến khích và thúc đẩy các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào sản xuất; ưu tiên phát triển công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; phát triển nguồn nhân lực công nghệ đồng bộ với đầu tư đổi mới công nghệ.

Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ, một số đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn, phân cấp rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ giữa trung ương và địa phương. Do đó, khoản 1 (điều 10) được sửa đổi theo hướng: “Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ tại địa phương theo phân công, phân cấp của Chính phủ”.

Theo đại biểu Mai Anh (đoàn Khánh Hoà) Nguyễn Nghiễm (đoàn Bình Phước), Nguyễn Thị Thu Hồng (đoàn Thừa Thiên-Huế) thì đối tượng chuyển giao công nghệ tại Điều 9 cần phải được bổ sung cho đầy đủ hơn, phù hợp với quy định trong Bộ luật dân sự, Luật khoa học và công nghệ. Đồng thời, cần quy định cụ thể, rõ hơn các loại hình công nghệ được khuyến khích chuyển giao, công nghệ chuyển giao có điều kiện và công nghệ không được chuyển giao; quy định chặt chẽ hơn việc mua, bán công nghệ, quyền và trách nhiệm của người mua, người bán, người môi giới công nghệ; bổ sung hình thức hợp đồng chuyển giao công nghệ bằng phương thức giao dịch điện tử và cần quy định đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo và đoàn thư ký kỳ họp sẽ tiếp thu, chỉnh lý để chuẩn bị trình Quốc hội thông qua dự luật chuyển giao công nghệ tại kỳ họp này.

Hôm nay (26/10), Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường.

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek