Thứ Hai, 30/09/2024 18:42 CH
Đồng chí Nguyễn Thành Quang, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên:
“Đền bù giải phóng mặt bằng áp dụng theo giá chuẩn của Nhà nước không phù hợp”
Thứ Năm, 26/10/2006 09:44 SA

LTS: Trong ba ngày 21, 22 và 24/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế -  xã hội năm 2006, phương hướng năm 2007. Tại các cuộc thảo luận này, các đại biểu Quốc hội Phú Yên đã có những phát biểu đóng góp với Quốc hội. Dưới đây, PYO xin giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Thành Quang, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên. (Tựa bài do Tòa soạn đặt).

 

061026-ngthanhquang.jpg
Đồng chí Nguyễn Thành Quang đang phát biểu trước Quốc hội - Ảnh: Nguyễn Đình Nam
Trước hết, tôi bày tỏ sự tán thành cơ bản với những nội dung Báo cáo của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2006, phương hướng, nhiệm vụ năm 2007 Thủ tướng trình bày trước Quốc hội.

 

Tôi xin phát biểu một số điểm để làm sáng tỏ thêm Báo cáo của Thủ tướng.

 

- Trong nhận định tình hình đầu năm tình hình đóng băng của thị trường bất động sản đã tác động không nhỏ đến các hoạt động kinh tế xã hội của đất nước. Vậy diễn biến tình hình này đến nay như thế nào, chưa thấy đề cập trong Báo cáo của Thủ tướng. Như vậy nếu nó còn tồn tại chúng ta có những biện pháp gì để xử lý vấn đề này? Theo tôi thấy rằng nó vẫn còn tác động không thuận rất lớn đến sự phát triển của kinh tế đất nước. Nhân đây tôi xin có 2 kiến nghị với Chính phủ như sau:

 

Thứ nhất, về tình hình giá đất hiện nay theo quy định của Nhà nước không còn phù hợp, đặc biệt là đất nông nghiệp thấp xa so với giá thị trường. Do vậy, việc đền bù giải phóng mặt bằng áp dụng theo giá chuẩn của Nhà nước không phù hợp, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khiếu kiện của dân do họ thấy rất thiệt thòi khi bị thu hồi đất. Hiện nay theo cơ chế đổi mới thì hầu hết các doanh nghiệp đều là các thành phần kinh tế không thuộc sở hữu của Nhà nước. Vậy sự công bằng trong vấn đề giá đất là một yêu cầu của nhân dân. Kiến nghị với Chính phủ phải điều chỉnh giá đất nông nghiệp khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho tương ứng với giá thị trường.

 

Thứ hai, tình hình sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất 2 vụ lúa để làm các công trình khác, xây dựng các khu công nghiệp không được tính toán kỹ lưỡng gây lãng phí rất lớn. Tiến trình thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cần phải quy hoạch đất, quỹ đất cho xây dựng hạ tầng, khu công nghiệp v.v.. nhưng phải tiết kiệm, cố gắng sử dụng loại đất phi nông nghiệp, hạn chế tối đa việc lấp đất ruộng 2 vụ lúa có thuỷ lợi tốt. Đây là kiến nghị của cử tri, Chính phủ cần xem xét và rà soát lại việc này để có điều chỉnh một cách hợp lý nhất.

 

- Về tình hình nông nghiệp nông thôn, như Báo cáo của Chính phủ rất khả quan. Tôi nhận thấy đối với nông dân sản xuất nông nghiệp tuy còn nhiều khó khăn nhưng họ có cái vui là giá lúa tương đối ổn định ở mức hạch toán có lãi; cà phê, mía đường, cao su, hồ tiêu được giá cho nên nông dân phấn khởi. Họ chỉ yêu cầu Chính phủ xem lại giá phân bón còn tăng cao. Vì so với trước đây phải nhập khẩu thì giá phân tương đối thấp, hiện nay chúng ta đã có nhà máy phân đạm sản xuất trong nước nhưng giá lại đắt. Mặt khác hàng chục năm nay không ai quan tâm chỉ đạo việc cải tạo đất, tình trạng thoái hoá đất nông nghiệp là đáng quan tâm.

 

Còn đối với nông dân ngư nghiệp tôi thấy có khó khăn. Trong Báo cáo của Chính phủ mức tăng trưởng trong ngành ngư nghiệp từ 8,2-8,6%. Cả nước thì tôi không biết nhưng nhìn riêng miền Trung hết bão Chanchu, bây giờ tới bão số 6 gây thiệt hại rất nặng nề, rồi tình hình giá xăng, dầu tăng cao ảnh hưởng lớn đến sản lượng đánh bắt của ngư dân, dịch bệnh tôm chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu. Do vậy sản lượng sản phẩm nuôi thuỷ sản cũng giảm sút rất nghiêm trọng. Khu vực miền Trung nói chung, tỉnh Phú Yên chúng tôi nói riêng, sản lượng thuỷ sản bị giảm sút hết sức nghiêm trọng, ví dụ như năm ngoái ngư dân Phú Yên đánh bắt hơn 5000 tấn cá ngừ đại dương nhưng năm nay sản lượng chỉ đạt 1/3 năm ngoái.  Do đó xin đề nghị với Chính phủ cần quan tâm đến vùng này, bởi vì đặc thù của ven biển miền Trung từ đây cho đến trước và sau tết âm lịch là thời gian phải đưa thuyền lên bờ, phải neo đậu trong vịnh để tránh trú bão và sóng lớn, gần như không sản xuất. Nên vấn đề đời sống của dân ở vùng ven biển hiện nay và sắp đến sẽ là vấn đề cần phải được Chính phủ quan tâm.

 

- Trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban kinh tế ngân sách có hai nội dung mà xin đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính cần phải có báo cáo trước Quốc hội giải trình thêm để được rõ thông tin. Thứ nhất, trong Báo cáo có đánh giá sản lượng dầu thô năm nay sụt, trong biểu thống kê sụt khoảng 700 nghìn tấn (kế hoạch đề ra là 18,5 triệu và mức thực hiện là 17,8 triệu). Chúng tôi nghĩ rằng năm nay giá dầu thế giới tăng lên ảnh hưởng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác, nhưng đối với những quốc gia có dầu thô thì là cơ hội vàng. Tại sao sản lượng lại giảm? Ở đây có phải là do năng lực sản xuất khai thác mỏ bị hạn chế hay do tài nguyên dầu mỏ của ta cạn kiệt?

 

- Về chính sách cán bộ xã.

 

Khi nói đến bộ máy xã (phường, thị trấn) là nghĩ đến hệ thống chính trị cơ sở. các chức danh trong định biên cơ cấu trong bộ máy cơ sở chưa bao quát hết. Chế đ chính sách gia các chức danh cũng không phù hợp. Đề nghị các Bộ, ngành trung ương và Chính Phủ xem xét:

 

+ Bổ sung một số chức danh cho Bộ máy Đảng, Đoàn thể như các chức danh Ban tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo của các Đảng uỷ xã…

 

+ Điều chỉnh mức lương, phụ cấp gia cấp trưởng với cấp phó cho phù hợp. Đề nghị cấp phó phụ cấp bằng 70% cấp trưởng.

 

+ Đặc biệt đối với Tây Nguyên, miền núi nơi có đồng bào dân tộc nên có chính sách trợ cấp cho các chức danh già làng bằng một định suất trong Uỷ ban Mặt trận.

 

+ Đề nghị có chế độ bảo hiểm cho cán bộ công chức ban ngành, đoàn thể xã để được đãi ngộ khi hết tuổi, nghỉ việc, về hưu.

 

+ Đề nghị Chính phủ có chế đọ đào tạo cho cán bộ cơ sở để anh chị em công tác ở cơ sở không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực phục vụ Đảng và nhà nước được tốt hơn.       

 

- Về thực hiện Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất. Đây là một chủ trương nhân đạo, bước đầu thực hiện có kết quả, dân phấn khởi. Nay thấy chính sách 134 có thể không còn phù hợp cần điều chỉnh băng một chính sách khác thay thế thích hợp hơn. Bởi lẽ: quỹ đất nông nghiệp ở các tỉnh không còn để tiếp tục cấp cho hộ nghèo, hộ thiếu đất. Hơn nữa lao động ở nông thôn không phải ai cũng làm nông nghiệp, có nhiều người chỉ quen lao động làm thuê. Do đó, kiến nghị Chính phủ thay đổi chủ trương từ việc cấp đất sang chủ trương đầu tư mở rộng, xây dựng cở sở hạ tầng cho miền núi để thu hút lao động và đầu tư, khuyến khích đầu tư mở doanh nghiệp ở địa bàn miền núi để thu hút lao động. đó là chính sách cơ bản và lâu dài nhất…

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek