Sáng nay (27/10), Quốc hội họp tại Hội trường, thảo luận về Dự án Luật Đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được điều khiển phiên làm việc.
Dự thảo Luật này đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, sau đó đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, cho ý kiến bổ sung. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tổ chức, cá nhân ở trung ương và địa phương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắc Nông) và nhiều đại biểu nhất trí với việc ban hành Dự án Luật này, bởi đây là Dự án Luật được đông đảo nhân dân quan tâm. Nhờ việc đi lao động ở nước ngoài, nhiều người đã giải quyết được tình trạng thiếu việc làm, nhiều người nghèo có cơ hội thoát nghèo. Hơn nữa, số đông người lao động được tiếp cận với khoa học công nghệ, với văn minh của thế giới.
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong buổi thảo luận là về tên gọi của Luật, điều kiện cấp giấy phép, quy định ý thức của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Về tên gọi của Luật, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số đại biểu nhất trí với tên gọi như dự thảo Luật là “Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài”. Các đại biểu cho rằng, như vậy mới phản ánh được hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Nhiều đại biểu lại đề nghị tên luật là “Luật Người lao động Việt
Một số đại biểu đề nghị gọi là “Luật Xuất khẩu lao động”. Theo các đại biểu, tên gọi như vậy thể hiện được bản chất sự việc, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thể hiện trong dự án luật, rành mạch về đối tượng, phạm vi áp dụng, cụm từ “xuất khẩu lao động” đã được sử dụng nhiều năm và đã trở thành thói quen trong nhân dân.
Về điều kiện cấp giấy phép, trong Dự án Luật có quy định là phải có tiền ký quỹ theo quy định của Chính phủ, các đại biểu Lê Thị Kim Liên (đoàn Thái Bình), Dương Kim Anh (đoàn Trà Vinh) và một số đại biểu đề nghị, tuỳ theo từng doanh nghiệp nên quy định rõ số tiền này là bao nhiêu. Về tiền dịch vụ mà người lao động phải trả doanh nghiệp, cũng nên quy định rõ gồm những khoản nào để người lao động yên tâm, còn những khoản mà Luật không quy định thì doanh nghiệp không được thu của người lao động.
Về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, dự án Luật quy định: Chính phủ quy định các loại hình doanh nghiệp được hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn và lộ trình hội nhập quốc tế. Theo đại biểu Đỗ Phương Thảo (đoàn Hải Phòng) và một số đại biểu, quy định như vậy chưa hợp lý bởi đưa người việc quy định loại hình nào được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thực chất là liên quan đến quyền tự do kinh doanh - quyền cơ bản của công dân. Mặt khác, việc quyết định hạn chế hay mở rộng quyền tự do thuộc thẩm quyền của Quốc hội chứ không phải Chính phủ.
Về quy định ý thức của người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có tư cách đạo đức tốt, các đại biểu Nguyễn Nghiễm (đoàn Bình Phước), Dương Kim Anh (đoàn Trà Vinh) và nhiều đại biểu cho rằng quy định như vậy rất khó xác định người đó có ý thức, tư cách đạo đức hay không. Các đại biểu đề nghị, chỉ cần quy định “người đi lao động ở nước ngoài không vi phạm pháp luật” là đủ.
Về doanh nghiệp nhận thầu, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, một số đại biểu cho rằng doanh nghiệp trúng thầu công trình, dự án ở nước ngoài là pháp nhân Việt Nam hoàn toàn khác với tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lập thành pháp nhân nước ngoài, do đó khi đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, quyền và nghĩa vụ của hai loại hình doanh nghiệp là khác nhau, không thể viết chung và đơn giản như Mục 2 Chương II của dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp 9; đồng thời cũng cần xem lại tên gọi của doanh nghiệp cho phù hợp với Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư.
Cũng trong buổi thảo luận sáng nay, các đại biểu đã cho ý kiến về các nội dung như hồ sơ, thủ tục và lệ phí cấp Giấy phép, Các hành vi bị cấm, Thu hồi Giấy phép... và một số điều khoản cụ thể trong Dự án Luật.
Theo VOV