Theo TTXVN và VOV, trong 2 ngày 25 - 26/10, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường, thảo luận các Dự án Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Đê điều, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Luật Bình đẳng giới.
Các dự án Luật này đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, sau đó đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, cho ý kiến bổ sung.
Trong phần thảo luận về Dự án Luật Chuyển giao công nghệ, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đề cập nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau như: chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ; đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ cũng như việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm.
Các đề nghị cần quy định rõ hơn những chính sách cụ thể của Nhà nước để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường công nghệ ở nước ta; làm rõ nội dung quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ. Đồng thời, đề nghị bổ sung một số điều hoặc một chương quy định về chính sách và hoạt động chuyển giao công nghệ ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Theo đó, Nhà nước phải khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ và khuyến khích và thúc đẩy các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào sản xuất; ưu tiên phát triển công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; phát triển nguồn nhân lực công nghệ đồng bộ với đầu tư đổi mới công nghệ.
Tại buổi thảo luận về Dự án Luật Đê điều, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề về xử lý một số công trình vi phạm trong phạm vi bảo vệ đê điều, về nguyên tắc hoạt động trong lĩnh vực đê điều, về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đê điều, về cấp phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều...
Về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đê điều, có ý kiến đề nghị quy định rõ chính sách ưu tiên đối với loại đê đặc biệt, đê biển, đê sông; đồng thời có chính sách từng bước hiện đại hoá hệ thống đê điều của nước ta để kịp thời ứng phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai. Về xử lý nhà cửa, công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông, các đại biểu đề nghị nhà cửa, công trình đã xây dựng trái với quy định của Pháp lệnh đê điều năm 2000 thì buộc phải di dời; đồng thời phải đình chỉ việc xây dựng mới, sửa chữa, cơi nới tại các khu dân cư hiện tại...
Trong buổi thảo luận Dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, đa số đại biểu cho rằng, đây là một dự án khá phức tạp, liên quan đến quyền nhân thân của cá nhân, tình cảm đạo đức của các đối tượng được điều chỉnh cũng như những người thân của họ. Vì thế, các nội dung trong Dự án Luật phải được bàn thảo một cách cụ thể, thận trọng.
Theo nhiều đại biểu, một số vấn đề lớn quy định trong Dự án Luật đã khá đầy đủ và cụ thể, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Đó là về thủ tục đăng ký và thủ tục huỷ bỏ đăng ký việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; các quy định lấy, ghép bộ phận cơ thể không có khả năng tái sinh; việc thành lập Hội đồng xác định chết não; tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho người hiến mô, bộ phận cơ thể người...
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, đa số đại biểu nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, bao gồm cả nội dung hiến, lấy xác và đề nghị quy định cụ thể hơn. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không đưa vấn đề hiến, lấy xác vào dự thảo Luật.
Trong buổi thảo luận Dự án Luật bình đẳng giới, đa số đại biểu thống nhất với dự thảo và đề nghị thêm những qui định cụ thể để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ.
HIẾU NGỌC