Thứ Hai, 30/09/2024 18:27 CH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Chính phủ là công bộc của dân” có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống hôm nay
Thứ Năm, 26/10/2006 08:07 SA

Ngày 19/9/1945, chỉ một tháng sau thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài: “Chính phủ là công bộc của dân” đăng trên Báo Cứu Quốc số 46. Nội dung bài báo đã thể hiện rất sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ về Nhà nước, Chính phủ kiểu mới – Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tư tưởng đó của Người có ý nghĩa rất quan trọng và cấp thiết đối với sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mục đích và lý do tồn tại của Chính phủ là vì cuộc sống tự do, hạnh phúc của nhân dân. Người viết: “Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào mục đích duy nhất là mưu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy” (Hồ Chí Minh – Toàn tập, T4, NXB CTQG – H2000 Tr22). Kết thúc bài báo, Người nhấn mạnh: “Ủy ban nhân dân là Ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do, dân chủ đó” (SĐD, Tr23).

 

061026-bithu.jpg

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc trong một lần xuống cơ sở thăm hỏi người cao tuổi - Ảnh: M.KÝ

 

Bác Hồ chỉ rõ: “Mưu tự do, hạnh phúc cho mọi người”, cho nhân dân là mục đích hoạt động “duy nhất” của Chính phủ nhân dân và là vấn đề căn bản phản ánh tính chất nhân dân và chức năng “công bộc” của Chính phủ, của Nhà nước kiểu mới. Không thực hiện theo mục đích đó, không làm cho đời sống vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, nhân dân ngày càng tự do và hạnh phúc, thì như vậy, Chính phủ đã không làm tròn chức năng “công bộc” của mình. Yêu cầu đối với Chính phủ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là vừa “trong sạch”, vừa có năng lực, vừa có sức mạnh. Ý nghĩa sâu sắc của tư tưởng “Chính phủ là công bộc của dân” là ở chỗ đó. Bác Hồ nhấn mạnh: “Chính phủ đối với ta như người “anh cả” trong gia đình, một đồng chí phụ trách trong một địa phương, một người đứng mũi chịu sào ta có thể vững lòng trông cậy và gửi số mệnh vào” (SĐD Tr22).

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Chính phủ là công bộc của dân”, là Chính phủ phải thực hiện đúng phương châm và nguyên tắc: “Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”. Đây là tư tưởng chỉ đạo căn bản trong hoạt động của Nhà nước kiểu mới, được quán triệt sâu sắc và thể hiện cụ thể trong quá trình đề ra chủ trương, chính sách cũng như trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách đối với tất cả các cơ quan Chính phủ, cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Chính phủ phải làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Người nói: Chính phủ nhân dân phải là “công bộc” của dân, chứ không phải là cơ quan “đè đầu cỡi cổ” nhân dân “như các Hội đồng kỳ mục cũ thối nát”; phải làm cho nhân dân thực sự tin tưởng “có thể vững lòng trông cậy và gửi số mệnh vào”. Để cho Chính phủ thật sự là “công bộc” của dân, Người nhắc nhở những cán bộ của Đảng và Nhà nước phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống biểu hiện quan liêu, tham ô, lãng phí trong các hoạt động và chi tiêu của Chính phủ của các Ủy ban nhân dân, “Không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng”. Người lưu ý: “Ủy ban nhân dân thận trọng hết sức trong chỗ chi dùng công quỹ, không dám tùy tiện tiêu tiền vào những việc xa phí như ăn uống” (SĐD Tr22-23).

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ rõ, một Nhà nước mạnh bao gồm cả bộ máy mạnh và những con người mạnh. Nếu không có đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, đạo đức trong sáng, có trình độ nghiệp vụ chuyên môn cao, có tinh thần phục vụ nhân dân tốt thì không thể có “Chính phủ là công bộc của dân”. Người nhấn mạnh, cán bộ công chức của Nhà nước, của Chính phủ không phải là những “ông quan cách mạng”, mà là “công bộc của dân”. Để có được đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới và đáp ứng được những đòi hỏi về phẩm chất của những công bộc” thì việc lựa chọn cán bộ vào cơ quan Chính phủ, vào các Ủy ban nhân dân ở các địa phương là vấn đề đặt biệt quan tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tiêu chí lựa chọn cán bộ, công chức: “Phải chọn những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi của dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các Ủy ban đó” (SĐD Tr22). Người nói: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song, đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng, vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của  một người đảng viên, một người cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân” (SĐD T5 Tr24). Người luôn nhắc nhở: “Cây phải có gốc,  không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (SĐD T9 – Tr288 – 289). Người nói: “Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, ra lệnh cho oai. Phải nắm vững quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng. Phải “chí công vô tư”, và có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Trong những ngày đầu của chính quyền mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn sâu xa và chỉ ra một cách tường tận về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, của các cơ quan chính phủ, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Người đối với vấn đề cán bộ trong việc xây dựng Nhà nước kiểu mới thật sự của dân, do dân, vì dân. Là việc cốt lỗi trước mắt và lâu dài.

 

Báo cáo chính trị của Đảng tại Đại hội X tiếp tục khẳng định quan điểm xây dựng Nhà nước kiểu mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh và nhấn mạnh: “Xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, NXB CTQG Tr126).

 

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh, chúng ta phải tiếp tục quán triệt tư tưởng vĩ đại đó của Bác Hồ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thật sự là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Có như vậy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Chính phủ là công bộc của dân” mới trở thành hiện thực. Đó là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống hôm nay.

 

TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek