Thứ Tư, 27/11/2024 19:58 CH
Tìm hiểu nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X:
Bài 5: Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế
Thứ Tư, 06/09/2006 08:28 SA

Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế theo quan điểm của Đại hội X cần được hiểu đầy đủ, toàn diện và sâu sắc trong điều kiện kinh tế Việt Nam còn là nước nghèo, chậm phát triển đang trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý từ hành chính bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, việc gia nhập các tổ chức kinh tế đa phương, tham gia vào sự phân công lao động quốc tế, gắn kết nền kinh tế nội địa với các nước trong khu vực và thế giới là một quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh và phải thực hiện những quy định chung của các tổ chức kinh tế thế giới và luật định của các nước, luật pháp quốc tế. Trong quá trình hội nhập phải chấp nhận cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Nhận thức về cạnh tranh quốc tế hiện nay của các cấp, các ngành, của các doanh nghiệp, thậm chí cả ở một số cơ quan quản lý về hội nhập quốc tế còn chưa toàn diện và đầy đủ. Do chưa nhận thức kịp thời, đầy đủ nên để chậm trễ, mất cơ hội góp phần làm cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm thiểu, hàng hóa của ta xuất khẩu bị thua thiệt, giảm giá trị.

 

Đổi mới và nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình gắn liền với thực tiễn tiến hành hội nhập. Xuất phát từ đặc điểm của nền kinh tế đang chuyển đổi cần quan tâm nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là các doanh nghiệp thấy rằng: sản xuất ra hàng hóa là để bán, xuất khẩu ra thị trường quốc tế và khu vực. Do đó, phải nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, bảo đảm uy tín hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế. Trong hội nhập, lợi ích quốc gia là quan trọng. Đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng. Theo đó, tăng cường tìm hiểu thị trường quốc tế và khu vực, nghiên cứu các định chế, quy tắc, nguyên tắc, thị hiếu, tập quán, các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, mẫu mã hàng hóa.

 

Để hội nhập thành công, phải nhận thức sâu sắc rằng Việt Nam cần vươn lên sớm thoát khỏi một nước nghèo, kinh tế nội địa tăng trưởng nhanh và bền vững mới tạo ra điều kiện tham gia toàn cầu hóa mà không bị thua thiệt. Trong bước chuyển đổi cơ chế kinh tế cùng với thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại bảo đảm định hướng phát triển kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể là nền tảng kinh tế đất nước cần đổi mới nhận thức về kinh tế dân doanh, xây dựng các chính sách, cơ chế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển để phát huy khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam về chất lượng và chủng loại hàng hóa. Ưu thế của kinh tế tư nhân (doanh nghiệp tư nhân) là không bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính rườm rà, năng động trong điều chỉnh mẫu mã, quy cách sản phẩm, nắm bắt nhanh chóng những cơ hội kinh doanh, linh hoạt mềm dẻo trong giá cả nên có điều kiện sản xuất, tiêu thụ hàng hóa ở thị trường nội địa và thị trường khu vực, thị trường quốc tế, kể cả các thị trường mới, thị trường lớn.

 

Trong quá trình đổi mới, hệ thống chính sách của Nhà nước ta đã có thay đổi rất cơ bản phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế và hội nhập, mở cửa thị trường. Song trên thực tế hệ thống chính sách kinh tế của nước ta chưa đồng bộ, chưa phù hợp với những nguyên tắc của các tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực. Đặc biệt là hệ thống chính sách thuế quan và phi thuế quan, chính sách thương mại, xuất nhập khẩu. Nhiều chính sách ban hành mang tính tình thế, chắp vá. Yêu cầu xây dựng một lộ trình cụ thể với những chính sách phù hợp hiện là yêu cầu bức xúc. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), Đại hội X của Đảng chỉ rõ phải tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế. Theo đó, cần tạo lập một hệ thống chính sách đồng bộ, phù hợp các nguyên tắc của các tổ chức kinh tế quốc tế, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế một cách toàn diện phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để hội nhập kinh tế hiệu quả.

 

Văn kiện Đại hội X còn chỉ ra cần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, ổn định, minh bạch, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta đều biết, Hiến pháp 1992 đã được sửa chữa, bổ sung và Nhà nước ta đã ban hành cả 100 luật, bộ luật; hàng nghìn pháp lệnh, nghị định, nhiều văn bản pháp quy, hướng dẫn các văn bản luật, bổ sung, chi tiết hóa các quy phạm pháp luật. Tuy nhiên tính khả thi còn thấp và năng lực thi hành còn nhiều bất cập, yếu kém nên hiệu quả các văn bản pháp quy hạn chế. Yêu cầu đặt ra hiện nay trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế thế giới là phải tích cực hoàn thiện hệ thống luật pháp để phù hợp với hệ thống luật pháp, các định chế của các tổ chức quốc tế, các quốc gia ta ký hiệp định thương mại song phương; tạo môi trường pháp lý vững chắc, thông thoáng, thuận lợi cho các đơn vị, ngành kinh tế tham gia hội nhập.

 

TS PHẠM VĂN KHÁNH

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek