Thứ Hai, 30/09/2024 18:41 CH
Những giá trị ngày càng trở nên sống động
Chủ Nhật, 03/09/2006 07:57 SA

1. Định nghĩa từ “cách mạng” thường nhằm vào nghĩa cơ bản là sự cách bỏ cái cũ thay bằng cái mới, tiếp đó là những thuộc tính khác: phải là sự thay đổi về chất, phải phù hợp với sự tiến bộ, với trào lưu của sự phát triển... Và nếu sự thay đổi theo chiều hướng ngược lại thì sẽ là “phản cách mạng”

 

Theo quan điểm lịch sử, cách mạng phải là một quá trình, sự thay đổi ấy cần có một thời gian và không gian thể hiện. Không gian ấy có thể là một lãnh thổ, một quốc gia hay một khu vực rộng hơn thế. Thời gian ấy phải đủ để thể nghiệm và giúp người ta nhận thức được những thay đổi đó. Thế nhưng, khi nói về một cuộc cách mạng, người ta thường phải xác định một hoặc những cái mốc mang tính lịch sử tiêu biểu.

 

060903-tpth.jpg

Đất nước ngày càng giàu đẹp, lớn mạnh - Ảnh: LÊ MINH

 

Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đúng là một sự kiện lớn của lịch sử dân tộc Việt Nam. Nó xứng đáng được viết hoa, bởi vì nó là cái mốc phân đôi thế kỷ XX thay hai mảng tối và sáng. Nửa trước là một nước Việt Nam thời phong kiến và thuộc địa. Nền phong kiến ở nước ta đã từng trải qua cả ngàn năm, có lúc thịnh, lúc suy, nhưng vào thế kỷ XX nó chỉ còn là một chế độ chính trị đã thối ruỗng vì chỉ còn là bù nhìn cho ngoại bang. Còn chế độ thuộc địa đã được xác lập trên từng phần lãnh thổ nước ta “gần 80 năm” (như Tuyên ngôn độc lập viết) và trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ nửa thế kỷ. Thậm chí tên gọi nước Việt Nam của thời Gia Long xưa, hay Đại Nam từ thời Minh Mạng mất hẳn trên bản đồ, thay vì ba khúc bị chặt ngang thành ba xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ gộp với Cao Miên và Ai Lao, bỏ chung “một rọ” được in trên bản đồ thế giới là “Đông Dương thuộc Pháp” (Indochine francaise). Tên gọi Việt Nam chỉ còn gắn với những tổ chức lúc đó bị coi là “bất hợp pháp” như Việt Nam Quang phục hội của Phan Bội Châu; Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, Đảng Cộng sản Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc, hay Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học...

 

Còn nửa sau của thế kỷ XX là một quốc gia Việt Nam độc lập hoàn toàn từ một cuộc nổi dậy của toàn dân, của một nước Việt Nam đứng về phía Đồng minh chống chủ nghĩa phát-xít. Một nước Việt Nam lựa chọn một chế độ chính trị hiện đại ngay sau khi chấm dứt chế độ thuộc địa và cáo chung chế độ phong kiến. Chế độ chính trị hiện đại ấy được thiết lập một cách đàng hoàng và minh bạch dựa vào ý chí của một khối đoàn kết toàn dân, trên Cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh (5-1941) bắt tay với Đồng minh chống phát-xít Nhật, xây dựng lực lượng vũ trang (1944) triệu tập Quốc dân Đại hội và thực hiện một cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn lãnh thổ (1945) thành lập nhà nước trên cơ sở một cuộc Tổng tuyển cử tự do diễn ra trên cả nước theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng giới tính, tôn giáo, sắc tộc, thành lập Quốc hội với nhiều thành phần, chính kiến. Nước Việt Nam ấy đã tuyên bố với thế giới một chính sách đối ngoại độc lập và hợp tác hữu nghị với mọi quốc gia và sẵn sàng tuân thủ để gia nhập Hiến chương Liên hợp quốc ngay khi tổ chức đó mới thành lập. Nhà nước Việt Nam độc lập ấy đã lựa chọn một thể chế chính trị hiện đại với hai nguyên lý cơ bản và phổ quát nhất, phù hợp với trình độ tiến hóa của nhân loại: Dân chủ và Cộng hòa. Thể chế chính trị ấy được xác lập bằng bản Hiến pháp (1946) trong đó ghi rõ và đầy đủ quyền tự quyết của dân tộc và những quyền tự do cơ bản của con người...

 

2. Có một thực tế lịch sử là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được nhất trí thông qua tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I (11-1946), chưa kịp được ban hành thì toàn quốc kháng chiến đã bùng nổ (12-1946). Trên thực tế chiến tranh đã khởi phát chỉ 3 tuần sau ngày nước Việt Nam mới tuyên bố độc lập: Ngày 23-9-1945 trên toàn Nam Bộ.

 

Quy luật chiến tranh luôn khắc nghiệt khiến cho mọi quyền tự do, dân chủ của con người phải đặt dưới mục tiêu cao cả là bảo vệ nền độc lập và thống nhất Tổ quốc đang bị chủ nghĩa thực dân đe dọa bằng chiến tranh xâm lược. Nói cách khác, những thành quả cơ bản của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đang có nguy cơ bị tước đoạt và bảo vệ những thành quả ấy đã trở thành một mục tiêu hàng đầu. Đó là ý chí thực hiện câu kết của bản Tuyên ngôn độc lập “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

 

Biểu hiện của quyền tự do và độc lập ấy còn gắn với chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Thống nhất và không thể chia cắt lãnh thổ là một mục tiêu không khoan nhượng đã buộc dân tộc Việt Nam phải cầm súng. Nhưng để thực hiện những mục tiêu ấy, dân tộc ta phải tiến hành một cuộc chiến tranh dài đến ba mươi năm (1945 - 1975) để “đánh thắng hai đế quốc to” mới thực hiện được mục tiêu bảo vệ nền độc lập và thống nhất Tổ quốc. Hơn thế nữa, trong bối cảnh quốc tế vô cùng phức tạp, chúng ta còn phải đi tiếp một nửa thời gian tiếp theo (1975 - 1989) để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ bằng những cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới kể cả bằng việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế tiêu diệt chế độ diệt chủng ở nước láng giềng nhằm góp phần bảo vệ chính mình. Chúng ta thực hiện cuộc chiến tranh ấy giữa vòng vây của sự thù địch, cấm vận cùng biết bao khó khăn do những hậu quả vô cùng to lớn của chiến tranh cũng như những ấu trĩ, sai lầm trong công cuộc xây dựng một chế độ mới.

 

Công cuộc đổi mới ở Việt Nam được đánh dấu bằng Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), nhưng những nghiên cứu trong dịp tổng kết 20 năm đổi mới cho thấy nó đã hình thành những mầm mống từ trước đó bằng những sáng kiến từ cơ sở và những thử nghiệm thận trọng ở cấp trung ương. Nhưng một môi trường cho công cuộc đổi mới chỉ thực sự đồng bộ cùng với những thành tựu trên hoạt động đối ngoại để chúng ta thoát khỏi vòng vây cấm vận và thù địch, bình thường hóa từng bước với cộng đồng nhiều quốc gia có vai trò quan trọng tạo nên những nguồn lực cho công cuộc đổi mới, trong đó có những nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ hay các cộng đồng lớn như Liên minh châu Âu.

 

Nói như vậy là để nhấn mạnh đến một thực tế khác, kể từ khi cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công đặt nền móng cho một nước Việt Nam độc lập với thể chế dân chủ cộng hòa cách đây hơn một hoa hội (60 năm) thì sự nghiệp xây dựng một chế độ chỉ thực sự có điều kiện thuận lợi gắn với công cuộc đổi mới với những mục tiêu cơ bản: xây dựng một nhà nước pháp quyền để đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa; xây dựng một nền kinh tế hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có đủ bản lĩnh để hội nhập với thế giới mà vẫn giữ được bản sắc Việt Nam trên mọi lĩnh vực đời sống phát triển. Với định hướng xã hội chủ nghĩa thì những mục tiêu đó được viết gọn thành những khẩu hiệu mà hai Đại hội của Đảng đầu thế kỷ XXI đã khẳng định: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

 

3. Những thành tựu của công cuộc đổi mới vừa được tổng kết tại những văn kiện Đại hội X của Đảng mới đây càng cho thấy một sự thực lịch sử: dù còn vô vàn khó khăn kể cả những yếu kém chủ quan biểu hiện bằng nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội và nhu cầu phát triển, nhưng một “cơ hội Vàng” đã xuất hiện như một bối cảnh lịch sử mà chưa khi nào dân tộc Việt Nam chúng ta có được trong lịch sử trường kỳ của mình.

 

Trong quá khứ, dân tộc ta đã có một lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang mà thế hệ chúng ta đang kế thừa. Nhưng nếu kể từ cuối thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XX, trải qua một cuộc đấu tranh lâu dài của nhiều thế hệ đi tới thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 do Đảng ta lãnh đạo cho đến nay, chưa khi nào chúng ta có được một môi trường hòa bình và ổn định như hiện nay. Đây là lần đầu tiên Việt Nam không còn kẻ thù trực tiếp, mọi quốc gia trên thế giới trong đó gồm cả những cường quốc lớn nhất đều sẵn sàng tăng cường hợp tác với nước ta. Sự kiện sắp tới, khi chúng ta gia nhập WTO có thể coi như một cái mốc quan trọng cho sự hội nhập của Việt Nam vào đời sống của cộng đồng nhân loại. Mục tiêu mà 60 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ trong thông điệp “Việt Nam hoàn toàn độc lập muốn hợp tác với cả thế giới” đang là hiện thực sống động ở đầu thế kỷ XXI này.

 

Cho dù tinh thần cảnh giác bảo vệ thành quả cách mạng là một đòi hỏi thường trực nhưng dường như vấn đề hàng đầu mang tính chất quyết định cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam lại là phát huy nội lực, tự khẳng định mình bằng chính sức mạnh sáng tạo của một dân tộc biết thực hiện quyền tự chủ của mình. Đó là điều mà chúng ta đã thể hiện thành công trong chiến tranh giải phóng. Đó cũng là tinh thần của cuộc Cách mạng Tháng Tám “đem sức ta giải phóng cho ta” mà chúng ta kế thừa.

 

Chính thực tiễn của công cuộc đổi mới đang diễn ra trong đời sống dân tộc hiện tại đã và sẽ đặt ra hàng loạt những vấn đề nóng bỏng. Nhưng điều đáng nói là dường như nhiều vấn đề cơ bản nhất của ngày hôm nay lại có thể tìm thấy lời giải đáp từ những gì đã diễn ra 60 năm trước. Không cần đi sâu vào những vấn đề lý luận cao xa, chỉ bằng sự cảm nhận từ thực tiễn sống động đang diễn ra quanh ta cũng có thể nhận thấy dường như nhiều giá trị được khởi dựng từ những ngày đầu cách mạng thành công, cách đây 60 năm đang được xác lập trở lại ở một trình độ phù hợp với thời đại và thực tiễn ngày nay.

 

4. Mục tiêu xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân được đặt ra ngay từ buổi đầu xây dựng chính quyền cách mạng dựa trên nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân. Nguy cơ quan liêu bộ máy chính quyền cách mạng đã được Người đứng đầu nhà nước cảnh báo ngay sau khi bộ máy chính quyền cách mạng được thành lập. Từ sự cảnh báo rằng quan liêu là nguồn gốc mọi tệ nạn làm mục ruỗng bộ máy nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ gọi đích danh tệ nạn quan liêu, hối lộ là “giặc nội xâm” mà còn cho ra đời những thiết chế mạnh mẽ chống sự suy thoái của bộ máy nhà nước. Ngày 22-11-1945, Sắc lệnh số 63 về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp (xã, huyện, tỉnh, kỳ) vừa được ban bố; thì ngày 23-11-1945, Sắc lệnh tiếp theo, số 64 về việc thành lập và quy định quyền hạn Ban Thanh tra đặc biệt và Tòa án đặc biệt được ban hành.

 

Mục tiêu xây dựng xã hội mới nhằm nâng cao dân trí và năng lực làm chủ xã hội của người dân ngày hôm nay ta có thể tìm thấy trong bài học về xây dựng nền giáo dục mới về bản chất so với nền giáo dục nô dịch được khai giảng chỉ vài tuần sau ngày Tuyên bố độc lập. Lực lượng trí thức kể cả trong tầng lớp trên đều được thu hút để phụng sự xã hội mới với những chính sách cởi mở như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện trong những lời kêu gọi “nhân tài và kiến quốc” (14-11-1945), “Tìm người tài đức” (20-11-1946). Việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc đã được đặt ra một cách súc tích, chính xác trong Sắc lệnh số 65 về bảo tồn cổ tích (23-11-1945) và một cuộc vận động “Đời sống mới” phát động sâu rộng năm 1946, được tiếp tục trong thời kháng chiến chống Pháp. Vai trò giới công thương trong sự nghiệp kiến quốc được Người khẳng định trong lá thư viết ngày 13-10-1945: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp và thương nghiệp thịnh vượng”. Do vậy, kể từ năm 2004, chúng ta lấy ngày 13-10 hằng năm để kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

 

Một chính sách đối ngoại hòa hiếu với những thông điệp mạnh mẽ gửi Liên hợp quốc, với các nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và với cả Cộng hòa Pháp được xác lập ngay sau khi Việt Nam giành độc lập không chỉ tranh thủ sự ủng hộ đối với nền độc lập non trẻ mà còn mở rộng cửa để thu hút sự đầu tư về tư bản và công nghệ của nước ngoài để xây dựng đất nước. Trong một văn kiện gửi tới các nước lớn và các thành viên Liên hợp quốc chỉ ít ngày trước khi thực dân Pháp gây hấn và kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a) nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.

 

b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng tất cả các sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. c) Nước Việt Nam chấp nhận gia nhập mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc. d) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân...”(1). Có thể thấy tính thời sự của những thông điệp này sau 60 năm trải nghiệm lịch sử.

 

Một trong những nội dung cơ bản của công cuộc đổi mới là song hành với quá trình dân chủ hóa và hoàn thiện nền dân chủ ở Việt Nam. Có thể tìm thấy rất nhiều những bài học to lớn của quá trình này được triển khai ngay từ những ngày đầu xây dựng chế độ mới. Tư tưởng xây dựng thể chế, đặc biệt là luật pháp được thực hiện trên tinh thần tạo cơ chế để nhân dân được tham dự. Từ việc vận động xoá nạn mù chữ để sớm tổ chức Tổng tuyển cử, đến thể chế bầu cử dân chủ và theo kịp mọi tập quán chính trị tiên tiến của thế giới: phổ thông đầu phiếu, bình đẳng nam nữ, tôn giáo, sắc tộc, bầu cử có lựa chọn nhiều ứng viên, đến các hoạt động của Quốc hội với các phiên chất vấn người đứng đầu nhà nước ngay từ những phiên họp sớm nhất... và tiêu biểu nhất là tính mẫu mực của các văn bản pháp luật ban hành mà đỉnh cao là bản Hiến pháp năm 1946 cho thấy những nền tảng rất vững chắc của một xã hội mới dù mới chỉ có một thời gian xây dựng rất ngắn ngủi...

 

Đó cũng chính là những bài học lịch sử, niềm tự hào mà giờ đây khi chúng ta tiếp bước tới tương lai của công cuộc đổi mới cũng là cơ hội để chúng ta trở về với nhiều giá trị của quá khứ để có thể rút ra những bài học thiết thực và những sức mạnh cổ vũ về tinh thần. Đó là sức mạnh về niềm tin rằng dân tộc Việt Nam sau khi đã trải qua và giành thắng lợi trong những thử thách của chiến tranh giữ nước, chúng ta đủ trí tuệ và bản lĩnh để thành công trong sự nghiệp dựng nước ở một thời đại mới cũng đầy cơ hội và thách thức như cuộc Cách mạng 60 năm trước. Những bài học của cuộc Cách mạng Tháng Tám càng trở nên sống động trong công cuộc đổi mới, bởi lẽ đổi mới cũng thực sự là một quá trình Cách mạng.

 

Nói cách khác là công cuộc đổi mới ngày hôm nay bắt nguồn và kế thừa trực tiếp từ những giá trị lịch sử mà Cách mạng Tháng Tám 1945 đã khởi đầu. (Tạp chí Cộng sản)

 

DƯƠNG TRUNG QUỐC

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek