Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) gắn với phát triển kinh tế tri thức là một nội dung mới, có tính đột phá trong quá trình CNH, HĐH đất nước. Xuất phát từ tình hình quốc tế và thực lực của đất nước sau 20 năm đổi mới, Đại hội X khẳng định quyết tâm “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển” và nêu rõ phải tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước theo định hướng XHCN.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới – Ảnh: VNN |
Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, phổ biến là sản xuất nhỏ, quá trình CNH, HĐH đất nước thực chất là chuyển đổi phương thức sản xuất từ thủ công sang cơ khí hóa và tự động hóa. Thực hiện CNH, HĐH ở nước ta là để xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã có những tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo CNH, HĐH và có những bước chuyển nhảy vọt mang tính đột phá trong tư duy lý luận và thực tiễn về CNH. Đại hội VI năm 1986, đánh dấu bước chuyển từ quan niệm công nghiệp hóa trong cơ chế tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường và kinh tế thị trường. Vấn đề lớn trong bước chuyển này là thay đổi cơ chế điều tiết các nguồn lực cho CNH, thừa nhận vai trò điều tiết của cơ chế thị trường và kinh tế thị trường. Nhờ đó đã khai thác tốt các nguồn lực, giải phóng các tiềm năng của sức sản xuất, xây dựng những tiền đề cho CNH. Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII và sau đó là Đại hội VIII, Đại hội IX của Đảng nhận định, đất nước đã chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH. Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng chỉ ra rằng, CNH, HĐH là con đường thoát khỏi nguy cơ tụt hậu xa hơn với các nước chung quanh, giữ được ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ được độc lập, chủ quyền và định hướng phát triển xã hội chủ nghĩa. Đến Đại hội IX Đảng ta khẳng định: CNH gắn liền với HĐH, đẩy mạnh CNH, HĐH để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một bước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thực hiện đường lối CNH gắn với HĐH, trong 20 năm đổi mới sức sản xuất phát triển mạnh mẽ, nguồn nhân lực được tăng cường cả số lượng và chất lượng, tạo nền tảng vật chất, kỹ thuật của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, năng lực nội sinh của khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật được nâng cao, quan tâm bảo vệ môi trường, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả. Từ giữa thập niên cuối thế kỷ 20, chúng ta tiến hành CNH, HĐH trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa phát triển mạnh, các nước muốn phát triển đều không thể đứng ngoài mà phải hội nhập. Đảng ta chủ trương chủ động và tích cực hội nhập để đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Chiến lược công nghiệp hóa hướng mạnh vào xuất khẩu đã mở ra một không gian phát triển mới, không giới hạn cho việc tiến hành CNH đã phát huy được lợi thế, nội lực, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia, từng vùng và từng lĩnh vực, từng sản phẩm.
Từ những kết quả và những tồn tại của quá trình CNH, HĐH trong những năm đổi mới, Đại hội X của Đảng đã tổng kết lý luận, thực tiễn và đề ra chủ trương rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức. Cơ sở thực tiễn cho chủ trương CNH rút ngắn này do xu thế toàn cầu hóa, khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức trên thế giới phát triển và nội lực của chúng ta được phát huy. Để rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước, tinh thần Văn kiện Đại hội X là phải đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các bước đi được rút ngắn do áp dụng khoa học công nghệ hiện đại (coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và CNH, HĐH) và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Những quan điểm, nội dung cơ bản của việc đẩy mạnh CNH, HĐH theo định hướng XHCN gắn với phát triển kinh tế tri thức cần nắm vững là:
- CNH, HĐH đất nước là sự nghiệp của toàn dân, của mọi thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng nhiều chủ thể thực hiện, huy động mọi nguồn lực của xã hội cho quá trình CNH rút ngắn theo hướng hiện đại.
- Tập trung các nguồn lực đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn, phát triển nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa đa dạng và giá trị gia tăng ngày càng lớn. Chú trọng công nghiệp chế biến và tăng tiềm lực khoa học, công nghệ, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cho quá trình phát triển CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
- Kết hợp thật tốt nội lực và ngoại lực trong quá trình CNH, HĐH thành một nguồn lực tổng hợp để đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Theo đó phải chăm lo nguồn lực nội sinh để phát triển nhanh, mạnh một số ngành công nghiệp có tính then chốt của nền kinh tế quốc dân để “xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại và hợp lý theo ngành, lĩnh vực và lãnh thổ”. (Văn kiện Đại hội X, tr.88).
- Phát huy cao độ nguồn lực tri thức Việt Nam, kết hợp với những tri thức mới của nhân loại để phát triển mạnh các ngành và sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao, tạo ra sản phẩm hàng hóa Việt Nam có thương hiệu ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
- Đẩy nhanh CNH, HĐH đất nước gắn liền bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo đảm sự phát triển bền vững cho nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của con người.
TS PHẠM VĂN KHÁNH