Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa V dành trọn buổi sáng trong ngày làm việc thứ hai (18/7) để các đại biểu thảo luận ở 4 tổ. Tại buổi thảo luận tổ, các đồng chí đại biểu HĐND và những đại biểu mời dự đã thảo luận sôi nổi, tập trung vào các vấn đề: sự tồn đọng, chậm trễ trong xây dựng cơ bản, giao thông nông thôn, biên chế sự nghiệp giáo dục, y tế…; đồng thời đánh giá tốc độ phát triển kinh tế xã hội trong 6 tháng đầu năm 2007 và các chỉ tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ – du lịch… trong 6 tháng cuối năm 2007.
Các đại biểu đang thảo luận tổ - Ảnh: Nguyên Lưu |
Tại buổi thảo luận này, PYO đã lược ghi và giới thiệu ý kiến của một số đại biểu:
Đại biểu Nguyễn Thái Học – tổ thảo luận số 2: “Hãy “cứu” người dân miền núi trong cơn khát nước sạch”
Theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế – ngân sách HĐND tỉnh, hiện nay chỉ có 47% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, điều này cũng có nghĩa là hiện có đến 43% hộ dân nông thôn không có nước sạch để sử dụng. Đặt biệt, ở các xã miền núi như EaLâm, EaTrol… (huyện Sông Hinh) và một số xã vùng cao ở huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Thực tế vốn đầu tư cho nước sạch nông thôn không thiếu, bởi thực hiện các quyết định của Chính phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2010 với tổng vốn 340 tỉ đồng, nhưng đến nay kinh phí đã đầu tư cho chương trình này chỉ được hơn 13,7 tỉ đồng, đạt tỉ lệ gần 4% so với mục tiêu là quá thấp. Từ thực trạng trên, hàng loạt cử tri đã đặt câu hỏi: Vì sao người dân đang thật sự “khát” nước, trong khi đó tỉnh lãng phí nguồn vốn đầu tư cho các công trình nước sạch nông thôn? Điều này cho thấy, công tác điều hành, chỉ đạo về chương trình đầu tư nước sạch nông thôn quá yếu kém. Tôi đề nghị, ngành nông nghiệp của tỉnh phải giải trình cụ thể những tồn tại, cũng như giải pháp khắc phục trong đầu tư nước sạch nông thôn trước kỳ họp HĐND lần này, nhằm sớm “cứu” người dân, nhất là dân ở miền núi trong cơn khát nước sạch!
Đại biểu Hà Trung Kháng – tổ thảo luận số 4: “Phải củng cố hoạt động của HTX nông nghiệp và tìm đầu ra sản phẩm cho nông dân”
Trong nhiều năm qua, hầu hết các HTX nông nghiệp trong tỉnh tổ chức hoạt động rất yếu kém, chỉ làm dịch vụ tín dụng hoặc cung cấp vật tư cho nông dân. Điều này gây mất niềm tin cho bà con xã viên trong HTX sản xuất nông nghiệp. Tôi cho rằng đã đến lúc tỉnh cần phải quan tâm đầu tư cho sản xuất kinh tế HTX. Sở NN và PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố cần xây dựng bộ phận chuyên trách về quản lý HTX, trên cơ sở đó tăng cường vai trò củng cố tổ chức hoạt động của các HTX đủ sức điều hành sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
Hiện nay, hầu hết các vùng nông thôn trong tỉnh hưởng ứng mạnh chương trình sản xuất cánh đồng 50 triệu đồng/ha và đã định hình được nhiều mô hình sản xuất dưa cao sản, mô hình lúa – bắp – đậu; trồng rau – hoa… Tuy nhiên, niềm vui của người nông dân không được trọn vẹn, bởi khi sản phẩm làm ra với sản lượng lớn thì thị trường tiêu thụ lại rất bấp bênh, giá cả biến động hạ thấp, gay thiệt hại kinh tế cho nông dân. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng của tỉnh nghiên cứu, giúp đỡ và khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp phát triển cơ sở chế biến, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Lãng (Phó Giám đốc Sở LĐ – TB&XH Phú Yên): TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ GẮN VỚI GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM
Theo đề án quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Phú Yên, phấn đấu đến năm 2020 Phú Yên cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp và dịch vụ. Để đạt được mục tiêu này, cần phải có một chương trình cụ thể hóa về đào tạo về phát triển nguồn nhân lực. Gần hơn một chút, ngay trong thời điểm hiện tại cần tăng cường công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên. Hiện toàn tỉnh có 19 cơ sở đào tạo nghề (các trường cao đẳng, trung học, trung tâm dạy nghề) mỗi năm đào tạo một lượng công nhân đáng kể nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh đạt 17% năm 2006, mục tiêu đến đến năm 2010 con số này là 26,5%.
Có một thực tế còn tồn tại cần khắc phục là vấn đề giải quyết việc làm cho số lao động sau đào tạo này. Tăng số lượng cơ sở, số người đào tạo nhưng phải đảm bảo được có việc làm. Biện pháp để thực hiện là tăng cường công tác quản lý Nhà nước các cơ sở đạo tạo, nâng cao trình độ, chất lượng đào tạo và đào tạo theo đơn đặt hàng đầu ra. Đảm bảo tay nghề, trình độ người lao động đáp ứng được yêu cầu công việc. Năm 2006, tỉnh đã có đề án về chương trình giải quyết việc làm và dạy nghề cho lao động nông thôn, số tiền hàng năm đầu tư cho chương trình này khoảng hơn 1 tỷ đồng. Đề án đã phê duyệt nhưng đến nay, tài chính vẫn chưa được cân đối gây ảnh hưởng không tốt.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thời (Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa): NÂNG CAO TỶ LỆ PHỔ CẬP CÁC BẬC HỌC
Chỉ tiêu đến năm 2020 tỷ lệ học sinh trong độ tuổi 16 – 18 đến trường THPT đạt 70% theo tôi là quá thấp chưa hợp lý. Bởi mục tiêu chung, năm 2020 Phú Yên cơ bản là tỉnh công nghiệp và dịch vụ thu hẹp dần khoảng cách vượt qua mức trung bình của cả nước thì con số trên không đáp ứng được mặt bằng chung của sự phát triển kinh tế xã hội. Trong khi đó, 30% thanh niên còn lại chỉ có 20% học nghề, còn thừa 10% nghỉ học.
NGUYÊN LƯU - TRẦN QUỚI