Hôm qua (19/7), kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa V dành phần lớn thời gian tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Hai giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã trả lời ý kiến của cử tri và chất vấn của các vị đại biểu HĐND.
Đại biểu Nguyễn Văn Thiện: “Đề nghị Sở Giao thông vận tải có giải pháp khắc phục các đoạn đường ĐT645 bị hư hỏng và thiếu biển báo giao thông” Ảnh: NGUYÊN LƯU
CẦU YẾU, ĐƯỜNG HƯ, THIẾU BIỂN BÁO NGUY HIỂM... CHỜ VỐN!
Mặc dù 4 ý kiến chất vấn liên quan đến giao thông đã gửi từ trước và Sở GTVT trả lời bằng văn bản, nhưng các đại biểu vẫn không thỏa mãn nên đã tiếp tục chất vấn tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Văn Thiện (huyện Sông Hinh) hỏi: Tuyến ĐT 645 đi Đắc Lắc hiện có nhiều xe quá trọng tải lưu thông nên hư hỏng nặng. Những đoạn nguy hiểm không có biển báo dẫn đến tai nạn thường xuyên xảy ra. Tình trạng này bao giờ khắc phục?
Giám đốc Sở GTVT Đỗ Trí Sơn trả lời: “Sở GTVT đã trích ngân sách 700 triệu để khắc phục tuyến đường trên, nhưng mới chỉ làm từ Tuy Hòa đến trung tâm huyện Sông Hinh, đoạn đến cầu Đắc Phú thì chưa làm. Việc thiếu biển báo đoạn đường nguy hiểm “ổ gà, sống trâu” ở 25 vị trí trên đường thì đang chờ xin kinh phí”.
Đại biểu Thiện chất vấn tiếp: Người dân không quan tâm việc kinh phí xin ở đâu, thế nào, chỉ biết rằng đây là đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn (nguyên nhân như nói trên), xin Giám đốc cho biết rõ về thời gian, cách làm. Bao giờ thì khắc phục xong đường hư, có biển báo và làm sao để giảm lượng xe quá tải đi vào ban đêm trên tuyến đường này?
Giám đốc Đỗ Trí Sơn trả lời bổ sung: “Chúng tôi sẽ báo cáo UBND tỉnh để xin kinh phí khắc phục tiếp đoạn đi Đắc Lắc và lắp đầy đủ hệ thống biển báo nguy hiểm. Riêng lắp biển báo sẽ cố gắng hoàn thành trước 30/8/2007. Việc hạn chế xe quá tải đi ban đêm trên tuyến đường này, chúng tôi đang phối hợp Công an Giao thông để tăng cường kiểm tra xử lý”.
Vấn đề hai cây cầu trên tuyến ĐT 642 là cầu Cây Sung và cầu Bà Còn hiện đã quá yếu hoặc không sử dụng được nữa, được hai đại biểu Nguyễn Thị Diệu Thiền và đại biểu Đặng Thị Minh Liễu nêu, đã được lãnh đạo Sở GTVT trả lời vẫn là chờ kinh phí và “xin” đại biểu, cử tri cùng chia sẻ khó khăn về vốn của tỉnh! Khi nói điều này, Giám đốc Đỗ Trí Sơn đã viện dẫn: “Ngay cả TP Hồ Chí Minh địa phương đóng 2/3 ngân sách Trung ương, vẫn còn 100 cây cầu yếu trên địa bàn!”
Đại biểu Nguyễn Thị Diệu Thiền bức xúc, “truy” tiếp: Chúng tôi có thể hiểu khó khăn về vốn của tỉnh, nhưng những điểm cầu này đã hư quá lâu rồi, hơn nữa đã xảy ra tai nạn chết người vào mùa mưa lũ. Không xây mới thì cho biết cách khắc phục? Nếu được thì bao giờ?
Chủ tọa kỳ họp Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Thanh Đồng nói: Những vấn đề nêu trên là rất bức xúc, bởi liên quan đến tính mạng con người. Vì thế, phần này nhất thiết phải làm, làm ngay để khắc phục tạm thời chứ không phải đợi vốn để làm mới. Tai nạn giao thông, cũng như tai nạn trong mùa mưa lũ xảy ra hàng ngày, hàng giờ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của nhân dân thì không thể chờ vốn được.
NƯỚC SINH HOẠT: CỬ TRI BẢO THIẾU, NGÀNH CHỨC NĂNG NÓI ĐỦ!
Đại biểu Nguyễn Văn Thiện nêu vấn đề, hiện nay hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho nông thôn bị nhiễm bẩn nghiêm trọng và không đủ để sử dụng, điển hình là xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh). Nhưng phần trả lời của lãnh Sở NN và PTNT trả lời đúng 12 dòng và gần như phủ định hoàn toàn nội dung mà đại biểu nêu.
Ông Lê Chí Trọng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Sau một thời gian đưa vào khai thác sử dụng, nguồn nước ở đây có hàm lượng sắt trong nước tăng cao so với tiêu chuẩn cho phép (theo kết quả phân tích ngày 8/3/2007), cần được xử lý kịp thời. Hiện nay, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Trung tâm Nước) đang khẩn trương làm thủ tục xây dựng hệ thống xử lý sắt để khắc phục. Riêng trữ lượng nguồn nước của công trình, qua kiểm tra thực tế nhiều lần, Trung tâm Nước và Sở NN-PTNT xác định đủ nước cấp cho 1.660 – 2.069 hộ dân”.
Đại biểu Nguyễn văn Thiện tiếp tục chất vấn: “Căn cứ vào đâu Sở cho rằng đủ trữ lượng và nước chỉ bị nhiễm sắt?. Trong khi thực tế chúng tôi thấy nước nhiễm bẩn rất nghiêm trọng, tanh hôi, và người dân ở đây đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng?”.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (huyện Sông Hinh) dẫn câu nói của một già làng ở xã Ea Lâm trong buổi tiếp xúc cử tri: “Về nói với cán bộ tỉnh mỗi khi uống nước lọc, nước suối tinh khiết thì nhớ cho người dân ở đây nước sạch để uống!”. Đại biểu Học đặt vấn đề: Mục tiêu của tỉnh ta đến năm 2010 có 100% hộ dân sử dụng nước sạch trong sinh hoạt với nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia. Nhưng hiện nay số hộ dân không có nước sinh hoạt còn rất cao, trách nhiệm chậm trễ này thuộc về ai?
Đại biểu Phan Văn Hào (huyện Tuy An), cũng bức xúc không kém: Có phải vì công trình cấp nước nhiều quá nên không quản lý được không? Ví dụ hồ nước xã An Xuân trữ lượng tốt, nhưng nhiễm bẩn vô cùng không sử dụng được. Cán bộ đã đến rồi, xem xét rồi nhưng cũng đâu vào đấy. Những giải trình của cơ quan chức năng thì mãi dùng các cụm từ: “đang xem xét”, “đang có kế hoạch”… Tôi nghĩ, những đơn vị có trách nhiệm không thể trả lời kiểu chung chung không nên “hứa lèo” theo kiểu đưa đò!
Đại biểu Phan Văn Hào: “Ngành NN và PTNT cần khắc phục nhanh chóng các công trình nước sạch nông thôn bị hư hỏng” - Ảnh: N.LƯU
Trả lời thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Lê Chí Trọng nói: Vấn đề nước sạch xã Ea Lâm, Trung tâm Nước đã kiểm tra nhiều lần và khẳng định là đủ lượng nước 120m3/ngày đêm. Về xử lý nước ô nhiễm, sở đang khẩn trương chỉ đạo Trung tâm Nước cấp bách xây dựng thiết kế đề án hệ thống xử lý nước ô nhiễm, dự kiến đến cuối tháng 8 xong phần thiết kế và cuối tháng 10 đưa vào vận hành, sử dụng bảo đảm đủ nước sạch cho người dân.
Chủ tọa kỳ họp Đinh Thanh Đồng nhấn mạnh: “Vấn đề nước ô nhiễm ở Ea Lâm đã xuất hiện từ năm 2005. vấn đề này đã đặt ra từ kỳ họp thứ 5, đến nay là kỳ họp thứ 9 mà Sở NN-PTNT trả lời vẫn đang nghiên cứu là quá chậm. Đề nghị, sở có những biện pháp cụ thể ở những địa điểm cụ thể. Những giải trình tại kỳ họp cũng chỉ nêu lên tình hình chứ chưa có biện pháp thật cụ thể.
BỨC XÚC VỀ BẢO HIỂM TỰ NGUYỆN
Trong quy định của Bảo hiểm quy định người có thẻ BHYT được lựa chọn một trong các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu thuận lợi nhất. Một thực tế khác là có một số bệnh, bênh nhân không cần trực tiếp lên tuyến huyện, tỉnh như đăng ký ban đầu bởi tiền thuốc không đủ so với tiền thuê phương tiện đi lại. Những trường hợp này chỉ cần khám chữa bệnh tại trạm y tế xã là đủ. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Diệu Thiền, chất vấn: Một số cử tri ở Đồng Xuân phản ánh khi đề nghị được khám chữa bệnh tại trạm y tế xã thì không được chấp là đúng hay sai? Điều này được ông Trần Quang Vinh – Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh khẳng định là không đúng. Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ rà soát kiểm tra địa phương nào, đơn vị có tình trạng trên sẽ kiểm điểm xử lý. Hiện tại Bảo hiểm xã hội Phú Yên đã ký 100% với các trạm y tế xã, phường và 4 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân để người tham gia bảo hiểm tùy ý lựa chọn.
Đại biểu Nguyễn Thái Học đặt vấn đề: Việc bắt buộc 100% người trong hộ gia đình và 10% số hộ trong một xã mua bảo hiểm tự nguyện mới được giải quyết là bất hợp lý, đặc biệt đối với bà con nông thôn miền núi còn khó khăn. Đề nghi Bảo hiểm xã hội tỉnh có kiến nghị lên trên, hoặc có phương án hỗ trợ mua bảo hiểm tự nguyện theo tinh thần Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT – BTC – BYT. Một số vấn đề liên quan như chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế chưa cao, khám chữa bệnh không theo bệnh lý mà chỉ theo quy định của bảo hiểm, các danh mục thuốc, phẫu thuật thủ thuật ngoài danh mục quy định của UBND tỉnh chưa được Bảo hiểm xã hội thanh toán…
Những vấn đề này được Giám đốc Bảo hiểm xã hội Phú Yên Trần Quang Vinh ghi nhận những ý kiến của đại biểu để tiếp tục cải cách hệ thống khám chữa bệnh cho người dân tốt hơn. Đồng thời cho biết đơn vị sẽ xây dựng đề án trình UBND tỉnh về việc hỗ trợ những đối tượng khó khăn mua bảo hiểm Y tế tự nguyện.
TRẦN QUỚI – NGUYÊN LƯU