Trong ngày làm việc đầu tiên tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Phú Yên khóa V, các ban Kinh tế- Ngân sách, Văn hóa – xã hội, Pháp chế HĐND tỉnh đã góp ý kiến về những giải pháp thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng từ nay đến cuối năm 2007.
CỤ THỂ HÓA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỪNG NGÀNH, TỪNG LĨNH VỰC
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi (bìa phải) trao đổi với đại biểu tại kỳ họp - Ảnh: N.L |
Trưởng Ban Kinh tế- ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên Nguyễn Ngọc Ẩn cho rằng, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2007, đòi hỏi UBND tỉnh phải tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp HĐND tỉnh đã đề ra; đồng thời cần theo dõi sát thực tế để bổ sung thêm những giải pháp mới cho phù hợp với tình hình đang diễn ra.
Đối với những lĩnh vực, sản phẩm còn đạt ở mức thấp so với kế hoạch năm, cần tổ chức làm việc cụ thể với các sở, ngành, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn; đẩy mạnh công tác tiếp thị, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Các ngành nông nghiệp, thủy sản cần có giải pháp xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra ở đàn gia súc, gia cầm, thủy hải sản; đồng thời quy hoạch vùng nuôi tập trung để quản lý, kiểm soát dịch bệnh. Từ nay đến cuối năm 2007 và những năm tiếp theo, tỉnh Phú Yên khẩn trương xác định chương trình hành động cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực. Trên cơ sở đó, chọn và đầu tư những khâu có lợi thế, tiềm năng, nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh đảm bảo lâu dài, bền vững. Đặc biệt, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, chuyển dịch cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng giá trị thu được trên một đơn vị diện tích.
Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cũng đã đề xuất về việc tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá đầu tư của các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư, xây dựng, đề cao vai trò giám sát của cộng đồng; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị đầu tư cả về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình.
Trong hoạt động điều hành thu ngân sách từ nay đến cuối năm 2007, UBND tỉnh cần tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các ngành, các cấp bám sát nhiệm vụ của mình, rà soát kỹ khả năng thực hiện các khoản thu ngân sách để chủ động thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật. Cần tăng cường công tác hoạt động tài chính, ngân sách xã, phường; các khoản huy động ở xã, phường, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Tỉnh phấn đấu tăng thu ngân sách 5% so với dự toán đầu năm; chủ động triển khai Luật quản lý thuế trong thời gian đến để công tác quản lý thuế đi vào nền nếp, khoa học, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước.
TĂNG NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ CHO Y TẾ, GIÁO DỤC
Theo Ban Văn hóa– xã hội HĐND tỉnh, từ nay đến cuối năm 2007 tỉnh cần quan tâm đầu tư tuyến y tế cơ sở, xây dựng các trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; có giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân ở các tuyến y tế. Ngành y tế cần sớm có giải pháp khắc phục hiện tượng bác sĩ xã nghỉ việc chuyển làm việc ở các cơ sở y tế tư nhân và nơi khác. UBND tỉnh cần cân đối ngân sách đầu tư cho lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm, xóa nhà tạm, theo đề án đã trình HĐND tỉnh; có kế hoạch điều tra nhu cầu về nhân lực của các khu công nghiệp, các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ. Tỉnh chỉ đạo sớm xây dựng kế hoạch thực hiện đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006 – 2010 để tranh thủ nguồn hỗ trợ của Chính phủ nhằm cải thiện cuộc sống cho người tàn tật.
Trưởng ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh Trương Công Đức kiến nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo thực hiện hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường lớp, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Trên cơ sở xã hội hóa giáo dục, cần tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình mục tiêu, huy động các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp phát triển giáo dục. Tỉnh có chính sách hỗ trợ giáo dục ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách. Ngành giáo dục khắc phục tình trạng tuyển dụng giáo viên không đảm bảo theo chuẩn quy định, có biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên ở cấp tiểu học; thực hiện tốt cuộc vận động “hai không” trong giáo dục.
CẦN SỚM THÍ ĐIỂM VIỆC THỰC HIỆN CƠ CHẾ “MỘT CỬA” LIÊN THÔNG
UBND tỉnh tập trung tổ chức, chỉ đạo để tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, chú trọng thủ tục hành chính; sớm triển khai thí điểm việc thực hiện cơ chế “một cửa” liên thông theo đề án của UBND tỉnh; sớm trình HĐND tỉnh quy định mức phụ cấp cho 6 chức danh cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và xem xét nâng mức phụ cấp cho công an viên ở xã.
Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà, UBND tỉnh cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với việc thực hiện các đề án đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; gắn phòng chống tội phạm với phòng, chống ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em; Phát huy có hiệu quả phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác tại cộng đồng dân cư. Trong thời gian tới, UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Tài nguyên – Môi trường bổ sung địa danh đơn vị hành chính các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, xã Sơn Thành Tây, Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa), xã Xuân Lâm (huyện Sông Cầu) trên bản đồ hành chính tỉnh Phú Yên.
NGUYÊN LƯU – TRẦN QUỚI