Chủ Nhật, 19/05/2024 17:09 CH
Hành trình 15 năm vốn nước sạch (bài đầu)
Thứ Sáu, 26/06/2020 07:00 SA

Người dân xã Hòa Tâm (TX Đông Hòa) vay vốn NS-VSMTNT để khoan giếng, sử dụng nước sạch. Ảnh: LÊ HẢO

Hơn 190.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh ở Phú Yên đã được xây dựng từ khi thực hiện Quyết định 62/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân, nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

 

BÀI 1: Có vốn, có công trình

 

Nếu như trước đây, mỗi lần có dịp về nông thôn, nhiều người thường cảm thấy bất tiện bởi công trình vệ sinh xuống cấp và nguồn nước không được đảm bảo, thì hiện nay, vấn đề này cơ bản đã được giải quyết. Bởi số hộ dân vùng nông thôn được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đầu tư xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ngày càng nhiều.

 

Cải thiện điều kiện sinh hoạt

 

Sau một thời gian ở chung nhà với cha mẹ, năm 2014, vợ chồng chị Trần Thị Ngọc Ngân (thôn Phước Lộc, xã Hòa Tâm, TX Đông Hòa) xây nhà riêng. “Tôi và chồng không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập từ việc làm thuê bấp bênh. Nhờ cha mẹ cho miếng đất nên chúng tôi ráng gom góp tiền rồi vay mượn thêm để cất lên căn nhà nhỏ. Vì vậy, ban đầu vợ chồng không có ý định xây nhà vệ sinh”, chị Ngân cho biết.

 

Cũng như nhiều người ở nông thôn khác, mỗi lần có “nhu cầu”, chị Ngân thường “đi ké” nhà hàng xóm hoặc chạy ra rừng dương gần nhà. “Bất tiện lắm, nhất là những ngày mưa gió. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn quá, nên tôi cũng chưa biết thay đổi bằng cách nào”, chị Ngân chia sẻ.

 

May sao khi đó, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Phước Lộc là bà Nguyễn Thị Thính biết chuyện, tới nhà chị Ngân tìm hiểu rồi hướng dẫn gia đình chị làm hồ sơ vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) của NHCSXH. Với số vốn 12 triệu đồng ở thời điểm năm 2014, gia đình chị phải mượn thêm tiền mới xây được nhà tắm, vệ sinh sạch sẽ nhưng đó chính là công trình mơ ước của người phụ nữ sinh năm 1989 này. Mới đây, sau khi trả hết nợ vay, chị Ngân được Phòng giao dịch NHCSXH Đông Hòa duyệt cho vay lại 20 triệu đồng vốn NS-VSMTNT. Với số tiền này, vợ chồng chị sửa lại nhà vệ sinh cho khang trang, làm lại hệ thống lọc nước sạch vì nước giếng nhà chị bị nhiễm phèn, không thể dùng để uống hay nấu ăn được.

 

“Nguồn vốn NS-VSMTNT của NHCSXH cho mỗi hộ dân vay không lớn nhưng thật sự thay đổi đáng kể điều kiện sống của gia đình chúng tôi”, chị Ngân bộc bạch.

 

Tại buôn Trinh, xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), gia đình chị Ksor Hờ Bia cũng được vay vốn NS-VSMTNT để “kéo” nước sạch về tận nhà sử dụng. Theo Hờ Bia, trước đây, hầu hết người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường đi lấy nước suối về dùng. Những hộ ở xa nguồn nước rất vất vả, phải cắt cử người hàng ngày đi vài cây số để gánh nước. Chưa kể mùa nắng hạn, nguồn nước cạn kiệt, người dân phải chờ đợi rất lâu mới múc được đầy thùng. Khi đó, việc sử dụng nước phải hạn chế chứ không được dùng thoải mái.

 

“Từ ngày Nhà nước tạo điều kiện khoan giếng ở khu dân cư, rồi NHCSXH cho vay vốn NS-VSMTNT, chúng tôi có tiền bắt đường ống, xây bể chứa nước sạch để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Vừa tiện, vừa đảm bảo vệ sinh, trẻ em cũng bớt hẳn các bệnh về đường tiêu hóa”, Hờ Bia nói.

 

Gần 15 năm, hơn 190.000 công trình hình thành

 

Từ năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia NS-VSMTNT với mục tiêu đến năm 2020, tất cả người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia với số lượng ít nhất 60 lít/người/ngày, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và thực hiện vệ sinh cá nhân, giữ sạch môi trường thôn xóm, làng xã. Để thực hiện mục tiêu trên, ngày 16/4/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 62/2004/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp NS-VSMTNT, giao NHCSXH triển khai chương trình tín dụng ưu đãi này.

 

Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết: Phú Yên không thuộc nhóm các tỉnh thực hiện thí điểm nên đến năm 2006 mới triển khai cho vay NS-VSMTNT. Đối tượng vay chương trình này không bó hẹp trong diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách mà tất cả hộ dân có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú dài hạn tại khu vực nông thôn, miền núi chưa có công trình nước sạch và vệ sinh hoặc đã có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn, nếu có nhu cầu đều được vay.

 

Doanh số cho vay chương trình NS-VSMTNT qua từng năm, từ năm 2006-2019. Đồ họa: VIỆT AN

 

“Ban đầu, mức vay là 4 triệu đồng/công trình, sau được nâng lên 6 triệu đồng/công trình, và đến nay là 10 triệu đồng/công trình. Dù mức vay này chưa đáp ứng đủ chi phí để xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh, nhưng cùng với vốn tự có của hộ gia đình, thời gian hoàn trả vốn dài (tối đa 5 năm) đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân an tâm, phấn khởi khi được vay vốn từ chương trình tín dụng NS-VSMTNT”, ông Thục nói.

 

Qua gần 15 năm triển khai chương trình tín dụng NS-VSMTNT, NHCSXH Phú Yên đã giải ngân cho vay gần 1.044 tỉ đồng, bình quân hàng năm có trên 7.300 lượt hộ vay vốn NS-VSMTNT. Đến nay, tổng dư nợ của chương trình đạt gần 492 tỉ đồng, chiếm 16,46% tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách, với 36.536 hộ còn dư nợ, chiếm gần 19,6% tổng số hộ dân tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nợ quá hạn chỉ 642 triệu đồng, chiếm 0,13% tổng dư nợ của chương trình. Từ năm 2006 đến nay, bằng nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và cải tạo được hơn 85.400 công trình nước sạch và gần 104.600 công trình vệ sinh, góp phần nâng tỉ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên hơn 99%, tăng hơn 51% so với cuối năm 2005.

 

Chương trình nhiều ý nghĩa

 

Nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người, mỗi gia đình và là yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Vì vậy, Quyết định 62/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho các hộ dân vùng nông thôn vay vốn thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp NS-VSMTNT được đánh giá là rất cần thiết, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương.

 

Ông Đoàn Sĩ Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hòa An (huyện Phú Hòa) cho biết: Chương trình tín dụng NS-VSMTNT mang lại hiệu quả cho xã hội rất lớn, giúp cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân và môi trường ở vùng nông thôn, nhất là trong bối cảnh các địa phương tích cực xây dựng nông thôn mới như hiện nay. Tại xã Hòa An, nguồn vốn NS-VSMTNT được người dân sử dụng để mua nguyên vật liệu, trả tiền công xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch, vệ sinh đạt tiêu chuẩn; giúp các hộ dân vùng bị nhiễm mặn, nhiễm phèn được sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh.

 

Còn theo ông Tô Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), nhờ nguồn vốn chương trình, người dân nông thôn không chỉ có điều kiện sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, mà còn góp phần hình thành nếp sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường ở nơi mình sinh sống. Qua đó góp phần quan trọng thực hiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, như tiêu chí số 17.1 về tỉ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định; tiêu chí số 17.6 về tỉ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; tiêu chí số 17.7 về tỉ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường...

 

BÀI CUỐI: Nâng mức vay, mở rộng diện thụ hưởng

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek