Đội ngũ trí thức Phú Yên hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau: cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang, công an nhân dân, doanh nghiệp, nghề tự do… Dù ở lĩnh vực nào, trí thức Phú Yên vẫn luôn mong muốn đóng góp sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước. Gần 10 năm Phú Yên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn không ngừng đổi thay. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của đội ngũ trí thức.
Kỳ 1: Chung sức, chung lòng vì quê hương
Hoạch định cấu trúc xây dựng nông thôn mới
Ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết: Ngay khi triển khai chương trình NTM, nhiều trí thức đầu ngành ở tỉnh, huyện, xã được bố trí vào ban chỉ đạo các cấp; đến cuối năm 2012, 100% xã hoàn thành việc lập, phê duyệt đề án xây dựng NTM. Đội ngũ trí thức là lực lượng trực tiếp triển khai, hướng dẫn quá trình xây dựng NTM, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nổi bật trong nhóm tiêu chí kinh tế và phát triển sản xuất, đội ngũ trí thức đã thực hiện hàng chục dự án về nông - lâm - ngư nghiệp; ứng dụng, chuyển giao KH-CN để xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn; quy hoạch phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, làm thay đổi nhận thức của người dân từ quảng canh, thụ động đến chuyên canh và chủ động trong sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn.
Hiện toàn tỉnh có hơn 25.000 trí thức, trong đó có 18.215 trí thức là cán bộ công chức, viên chức. Có 48 tiến sĩ và bác sĩ chuyên khoa II, 778 thạc sĩ và hàng chục ngàn trí thức có trình độ đại học. Có 1.149 cán bộ, công chức cấp xã, trong đó 99% đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là lực lượng tiên phong thực hiện hoạch định cấu trúc xây dựng NTM phù hợp với thực tế địa phương. |
Năm 2010, Phú Yên đã tuyển chọn 486 trí thức trẻ có trình độ đại học về công tác tại các xã, phường, thị trấn; trong đó có 266 trí thức trẻ về công tác ở cấp xã. Trí thức trẻ Phan Đình Tự bộc bạch: Năm 2010, được phân công về xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa phụ trách mảng văn hóa xã hội, bản thân tôi đã cố gắng trong việc tham mưu đề xuất tổ chức một số hoạt động văn hóa thể thao ở địa phương, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình, giữ gìn môi trường, vệ sinh trong gia đình và tại các khu dân cư, thôn xóm…, nhất là hướng dẫn bà con nhân dân thực hiện các mô hình kinh tế phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, đời sống người dân được cải thiện...
Nhận xét việc thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã, tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2010-2020, ông Đặng Lê Tiến, Bí thư Huyện ủy Tuy An, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ nói: Đây là cách làm sáng tạo, phát huy trí tuệ đội ngũ trí thức trong xây dựng NTM. Các trí thức trẻ tiếp cận nhanh với công việc và chủ động trong công tác tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; tích cực tham gia xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phụ trách; tham gia công tác tập huấn, điều tra về nông nghiệp, nông thôn, quản lý HTX để phục vụ việc xây dựng NTM. Trí thức trẻ công tác ở cấp xã cũng đã góp phần tạo nguồn để quy hoạch cán bộ.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ nhận xét: Các trí thức trẻ của đề án tại Phú Yên được giao nhiệm vụ đúng với năng lực và trình độ chuyên môn đào tạo nên đã nhanh chóng phát huy những điểm mạnh của mình, đó là tinh thần xung kích, chủ động, nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc được giao. Sau khi về địa phương công tác, đội ngũ này đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để được học tập và công tác. Các trí thức trẻ đã tích cực học tập, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao kiến thức, năng lực giải quyết công việc, đóng góp ý kiến giúp lãnh đạo UBND các xã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chung của địa phương.
Với ưu thế nổi trội về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đội ngũ trí thức Phú Yên luôn nhận trách nhiệm đi tiên phong; phát hiện các vấn đề mới trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tác động đến phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Từ đó chủ động tập hợp đội ngũ trí thức, liên kết chặt chẽ với các cấp, các ngành, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức, thực hiện tốt việc hoạch định đề án, triển khai, hướng dẫn quá trình xây dựng NTM mang lại hiệu quả.
Cánh đồng mẫu mía cho năng suất cao nhờ ứng dụng và chuyển giao công nghệ từ đội ngũ trí thức Phú Yên. Ảnh: THÙY TRANG |
Tư vấn, phản biện xây dựng nông thôn mới
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Phó Giám đốc Sở TT-TT, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) cho biết: Ngay từ khi triển khai xây dựng NTM, Liên hiệp Hội đã chủ động phối hợp Sở NN-PTNT tổ chức hội thảo khoa học chủ đề “Trí thức Phú Yên với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”; đồng thời ký kết chương trình phối hợp thực hiện giữa hai đơn vị. Đơn vị cũng đã chú trọng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tư vấn nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho nông dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào phát triển sản xuất nông - lâm - thủy sản.
Liên hiệp Hội đã chủ trì hơn 30 hội đồng khoa học với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài tỉnh phản biện các quy hoạch, đề tài, dự án liên quan đến xây dựng NTM. GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đánh giá: Nội dung phản biện do đội ngũ trí thức Phú Yên thực hiện đã làm rõ những kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, thiếu sót được xem là những “nút thắt” chủ yếu trong xây dựng NTM cần được tháo gỡ. Trong xây dựng NTM ở các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng biển bãi ngang của tỉnh, các tiêu chí về thu nhập của người dân, giảm nghèo và các tiêu chí cần nhiều vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng là những tiêu chí khó hoàn thành nhất; việc huy động đóng góp của nhân dân còn nhiều hạn chế, tỉ lệ hộ nghèo còn cao.
Việc đầu tư và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực phát triển sản xuất vẫn còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, giá trị sản xuất, diện tích sản xuất còn phân tán nhỏ lẻ, tính hợp tác và liên kết chưa cao. Trên cơ sở khoa học và thực tiễn, hoạt động tư vấn, phản biện xây dựng NTM của trí thức Phú Yên giúp lãnh đạo tỉnh kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ, để nâng cao chất lượng xây dựng NTM.
Ông Lê Văn Trúc, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nói: “Đội ngũ trí thức đã chung sức chung lòng vì quê hương. Kết quả đạt được từ việc xây dựng NTM của tỉnh đều ghi dấu ấn của đội ngũ trí thức. Với trí thức công tác trong hệ thống chính trị đóng góp nổi bật ở các lĩnh vực: Xây dựng hệ thống chính trị, giữ gìn trật tự trị an; phát triển kinh tế, KH-CN, GD-ĐT; y tế, văn hóa… Riêng các trí thức hoạt động trong doanh nghiệp, doanh nhân lại đi sâu vào lĩnh vực phát triển kinh tế quy mô lớn, đổi mới công nghệ góp phần tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng NTM”.
Kỳ cuối: Đổi mới công nghệ, tái cơ cấu ngành nghề
THÙY TRANG